Chiều 27/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính có buổi làm việc với TP.HCM về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giải ngân vốn đầu tư công và tiến độ triển khai các công trình trọng điểm.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi. (Ảnh: VGP)
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nêu kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng khẩn trương đánh giá và có giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, khôi phục, đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, nhập khẩu xăng dầu, bất động sản.
Cụ thể, TP.HCM kiến nghị xem xét nới room tín dụng thêm 2%; cho phép sử dụng nguồn tiền gửi tại 4 ngân hàng quốc doanh giải ngân cho các doanh nghiệp phát hành trái phiểu để thanh toán kỳ hạn ngắn. Bên cạnh đó, xem xét, sớm thành lập Quỹ bảo lãnh trái phiếu doanh nghiệp như chính phủ một số nước đang làm.
TP.HCM đề xuất xem xét việc phong tỏa tài sản của các đơn vị có hoạt động liên quan đến một số vụ việc; chỉ đạo đẩy nhanh công tác hoàn thuế cho doanh nghiệp...
Về du lịch, TP.HCM kiến nghị Chính phủ xem xét tăng thời hạn visa, hiện cấp 15 ngày cho du khách là quá ngắn.
Về phân cấp, ủy quyền phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung đô thị, trong thời gian chờ sửa đổi Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội hoặc sửa đổi, bổ sung các luật liên quan, đối với từng trường hợp cụ thể, kiến nghị Thủ tướng chấp thuận cho UBND TP.HCM thực hiện thí điểm tổ chức thẩm định, trình phê duyệt đồ án điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị, sau đó cập nhật vào quá trình lập, thẩm định và phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chung của thành phố.
Liên quan khó khăn của thị trường xăng dầu, TP.HCM kiến nghị Chính phủ chú trọng mở room tín dụng để hỗ trợ doanh nghiệp nhập khẩu; tính toán tỷ lệ chiết khấu hợp lý để đảm bảo an ninh chuỗi bán lẻ xăng dầu; tính toán lại công tác tổ chức dự trữ xăng dầu quốc gia vì đây là mặt hàng có tính chiến lược quan trọng.
TP.HCM kiến nghị Chính phủ có giải pháp cụ thể và hành động quyết liệt ổn định tình hình sau vụ việc của Ngân hàng SCB, nhất là hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp, đồng thời thông tin đầy đủ để người mua trái phiếu an tâm hơn.
Đối với lĩnh vực quy hoạch, đất đai, môi trường, TP.HCM kiến nghị Chính phủ cho phép thành phố thí điểm thực hiện áp dụng "Căn cứ để giao đất, cho thuê đất là văn bản phê duyệt kết quả trúng đấu giá, đấu thầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền" đối với các quỹ đất được chấp thuận chủ trương thanh toán cho các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Hợp đồng BT) trước ngày 1/1/2021.
Ngoài ra, TP.HCM kiến nghị cho phép thí điểm gia hạn sử dụng đất với một số trường hợp; cho phép Trung tâm Phát triển quỹ đất triển khai công tác khai thác ngắn hạn đối với các khu đất do Trung tâm quản lý nhưng chưa có quyết định giao đất, cho thuê đất.
Trong lĩnh vực y tế, TP.HCM kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội nghiên cứu, ban hành giá dịch vụ khám chữa bệnh, trong đó kết cấu đầy đủ các yếu tố chi phí; chấp thuận cho thành phố triển khai thí điểm mở rộng danh mục thuốc bảo hiểm y tế cho trạm y tế đối với 40 loại thuốc, nhằm đáp ứng cung ứng thuốc điều trị bệnh không lây nhiễm tại trạm y tế phường, xã, thị trấn.
Báo cáo về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và giải ngân vốn đầu tư công, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, đến hết ngày 25/11/2022, tổng số vốn đã giải ngân đạt 12.665,955/37.463,673 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 34%, thấp nhất cả nước.
Các đơn vị chủ đầu tư đăng ký giải ngân vốn đến hết niên độ kế hoạch đầu tư công năm 2022 là 28.753,707/37.463,673 tỷ đồng, đạt tỉ lệ 76,7% tổng số vốn giao.
Thành phố đã triển khai các yêu cầu, giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công nhằm đạt được tỷ lệ giải ngân cao nhất theo chỉ đạo của Thủ tướng.