“Tôi giao hệ thống hoá tất cả các nội dung thuộc thẩm quyền của UBND TP, UBND TP có thể uỷ quyền cho Thủ Đức đến mức tối đa. Cái nào vướng luật chúng ta bàn bạc, cái nào cần thiết báo cáo xin thì xin. Còn không cái nào thuộc thẩm quyền cứ giao đến mức tối đa để có điều kiện xử lý vấn đề nhanh nhạy, nhất là vấn đề liên quan đến người dân, doanh nghiệp”, ông Nguyễn Thành Phong cho biết.
Báo cáo tại Hội nghị duyệt nội dung triển khai thực hiện nhiệm vụ năm 2021 của UBND TP.Thủ Đức, ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức cho biết, năm 2021, TP Thủ Đức đặt ra 26 chỉ tiêu, trong đó có 5 chỉ tiêu về kinh tế như thu ngân sách 8.327 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp và xây dựng tăng tối thiểu 7%, tiến độ giải ngân đạt 95% so với kế hoạch TP.HCM giao.
Ngoài ra, TP Thủ Đức còn thực hiện một số chỉ tiêu tiêu biểu khác như giảm tai nạn giao thông từ 5 - 10% trên cả ba mặt, tỷ lệ người dân hài lòng với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước từ 91%, phấn đấu tạo việc làm mới cho 4.900 lao động…Các mục tiêu này được Ban Chấp hành Đảng bộ TP Thủ Đức họp phiên thứ nhất thông qua để làm cơ sở thực hiện.
“TPThủ Đức được sáp nhập từ 3 quận nên chúng tôi không có Đại hội Đảng bộ như các quận, huyện. Cho nên, việc xây dựng các mục tiêu Nghị quyết trong nhiệm kỳ 2021 - 2025 là hết sức quan trọng để lãnh đạo các hoạt động của TP Thủ Đức”, ông Hoàng Tùng nhấn mạnh.
Chủ tịch TP Thủ Đức báo cáo.
Ngoài ra, ông Hoàng Tùng cho biết, hiện nay, TP Thủ Đức đang gặp khó khăn thách thức trong quá trình giải phóng mặt bằng nên TP sẽ tập trung giải quyết các chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư tại các dự án trọng điểm…
TP Thủ Đức cũng kiến nghị một số nội dung như: Cho phép TP Thủ Đức thành lập 4 trung tâm mới là trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, xúc tiến đầu tư và phát triển nguồn nhân lực; trung tâm khoa học công nghệ; trung tâm phát triển quỹ đất; trung tâm công tác xã hội; kiến nghị UBND TP cùng các sở, ngành tập trung thực hiện việc giải quyết các vướng khó lên quan đến các dự án giao thông trọng điểm.
Các sở, ngành có liên quan phối hợp cùng TP Thủ Đức để triển khai thực hiện khắc phục các tồn tại trên địa bàn như như khu công nghệ cao, khu đô thị mới Thủ Thiêm, công viên lịch sử văn hoá dân tộc.
Đề xuất một số cơ chế chính sách, điều kiện công tác quản lý nhà để TP Thủ Đức phát triển nhanh, bền vững.
Sau khi nghe báo cáo sơ bộ, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đánh giá, việc TP Thủ Đức dự kiến thu 8.327 tỷ đồng là cộng số học của 3 quận cũ trong khi tiềm lực TP là rất lớn. Vì thế, TP.Thủ Đức cần nỗ lực phấn đấu thu ngân sách vượt 10.000 tỷ đồng, phấn đấu tương lai thu hơn Quận 1 (hiện 19 ngàn tỷ đồng); đến 2025, TP. Thủ Đức chiếm ít nhất 30% GRDP của TP.HCM.
Về vấn đề này, Bí thư Thành ủy Thủ Đức Nguyễn Văn Hiếu đánh giá dư địa của TP thì có khả năng nhưng vấn đề là phải có chương trình hỗ trợ cụ thể.
Về sắp xếp bộ máy và dư luận, ông Nguyễn Văn Hiếu cho biết cấp uỷ chính quyền TP Thủ Đức sẽ làm công tác tư tưởng hết mức: “Bình diện chung thì tất cả đều quán triệt quan điểm là hiện nay không còn khái niệm quận 2, 9, Thủ Đức mà chỉ có TP Thủ Đức để tập trung nguồn lực, tâm trí, trí tuệ, trách nhiệm cùng nhau làm”.
Chủ tịch Nguyễn Thành Phong chỉ đạo hội nghị.
Phát biểu kết luận, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho rằng, TP Thủ Đức mới chỉ hoạt động được hơn 2 tháng và yêu cầu “việc sắp xếp nhân sự tuyệt đối không làm ảnh hưởng đến việc phục vụ người dân”, các điểm tiếp dân vẫn giữ nguyên vị trí, cần lắng nghe tâm tư để kịp thời giải quyết. TP Thủ Đức cần phải phối hợp với VNPT đẩy nhanh việc chuyển đổi số.
Về cơ chế để TP Thủ Đức phát triển, ông Nguyễn Thành Phong đề nghị Sở Kế hoạch - Đầu tư phối hợp với UBND TP Thủ Đức khẩn trương nghiên cứu xem vấn đề nào thuộc UBND TP, vấn đề nào phải báo cáo Chính phủ, hoặc đăng kí vào chương trình làm việc của Quốc hội mới vào tháng 7/2021…