Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Chủ tịch TP.HCM: Rà soát, lập khu lưu trú cho người vô gia cư

(VTC News) -

Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu rà soát, lập khu lưu trú tạm thời cho những người lang thang cơ nhỡ, vô gia cư và lên phương án hỗ trợ người bán vé số.

Hỗ trợ người vô gia cư

Chiều 30/3, ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, vừa qua Chính phủ dừng một số dịch vụ xổ số. Như vậy, một bộ phận người bán vé số sẽ gặp khó khăn vì không thể mưu sinh.

"Sở LĐ-TB&XH chuẩn bị các cơ sở lưu trú, rà soát những người lang thang cơ nhỡ, vô gia cư tại thành phố để lập danh sách, lên phương án hỗ trợ những đối tượng này. Vì trước đến nay họ sống nhờ vào tiền hoa hồng bán vé số, thậm chí tiền đó họ còn gửi về nuôi gia đình. Bây giờ trong hoàn cảnh này họ sẽ rất khó khăn, chúng ta nên có sự chia sẻ đối với họ", ông Phong nhấn mạnh.

Ông Phong cũng giao Sở Y tế phối hợp với Sở LĐ-TB&XH thành phố rà soát chặt chẽ, tìm kiếm và đảm bảo sức khỏe cho người vô gia cư. Đồng thời, giao Sở Y tế xém xét có chuỗi nhiễm bệnh đang tiềm ẩn trong cộng đồng hay không.

Đối với những người trên 60 tuổi buộc phải ở nhà toàn thời gian, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đề nghị các các quận, huyện xem xét chính sách hỗ trợ, đặc biệt là đối với việc mua thực phẩm. Theo ông Phong, mỗi phường, xã đều có các đoàn thành niên xung kích. Vì vậy, các phường, xã nên lập danh sách những người trên 60 tuổi neo đơn, từ đó hỗ trợ mua hàng giúp người già qua các đoàn thanh niên này. 

Liên quan đến vấn đề người lao động tại các khu công nghiệp, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết sẽ bàn bạc với lãnh đạo các doanh nghiệp, các quận huyện để xem xét, tìm ra hướng giải quyết đối với những cơ sở sản xuất tập trung đông công nhân. 

Lãnh đạo TP.HCM họp giao ban phòng, chống dịch Covid-19.

Trong khi đó, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết, TP.HCM sẽ bàn chuyện hỗ trợ người vô gia cư trong mùa dịch để hạn chế việc lây lan dịch Covid-19. Theo ông Nhân, Nghị quyết của HĐND TP.HCM hỗ trợ cho người mất thu nhập do dịch sẽ làm giảm tương đương khoảng 25% tổng thu nhập của TP.HCM dành cho người mất lao động. 

"Tôi vừa nhận được tin nhắn của một giảng viên gợi ý thành phố nên hỗ trợ người vô gia cư. Những người này không được chăm sóc sẽ dễ là nguồn lây nhiễm. Tôi cũng chuyển cho chủ tịch thành phố tin nhắn này và chúng tôi sẽ bàn chuyện giúp người vô gia cư như thế nào. Đây là việc chưa từng có nhưng trong mùa dịch này cũng là chuyện nên bàn", ông Nhân nhấn mạnh.

Không nhận hồ sơ trực tiếp

Ngoài chuẩn bị phương án hỗ trợ cho người vô gia cư, trong cuộc họp giao ban chiều 30/3, ông Nguyễn Thành Phong đề nghị các cơ quan, ban ngành dừng ngay các cuộc họp không cần thiết, tập trung chống dịch.

Đồng thời, bắt đầu từ 1/4, các đơn vị không tiếp nhận hồ sơ trực tiếp đối với những thủ tục đã có dịch vụ công trực tuyến. Thành phố sẽ tăng cường sử dụng dịch vụ công trực tuyến tại các đơn vị, xem xét để cán bộ, nhân viên làm việc luân phiên nhằm hạn chế tập trung đông người.

"Sở Nội vụ xem xét có cần một lúc cán bộ, công chức sẽ đi làm hết hay không, hay là luân phiên với nhau. Không phải nghỉ ở nhà để nghỉ ngơi, nghỉ ở nhà phải có phương án làm việc tại nhà", ông Phong nhấn mạnh.

Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng phải lên kế hoạch chia sẻ với người vô gia cư.

Ngoài ra, ông Phong cũng yêu cầu xử lý nghiêm những thông tin gây hoang mang dư luận. "Ví dụ như văn bản Sở TNMT vừa qua, tôi khẳng định thành phố không có chủ trương, không chỉ đạo Sở TNMT ban hành văn bản này. Thành phố đã phê bình Sở, đề xuất kỷ luật cá nhân liên quan. Tôi cũng nhận được báo cáo của Sở nhưng tôi chưa chấp nhận vì báo cáo chưa giải quyết triệt để vấn đề. Tôi sẽ làm việc lại với lãnh đạo Sở này", ông Phong nhấn mạnh.

Theo người đứng đầu thành phố, thời điểm này, lực lượng y tế cần được đảm bảo, quan tâm. Ưu tiên hàng đầu của thành phố là không làm cán bộ y tế quá tải, có thời gian nghỉ bù sau trực. Bên cạnh đó, ông Phong yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh kiểm tra quy trình làm việc, không để người có tiếp xúc với bệnh nhân Covid-19 tiếp xúc với người khác.

Các cơ sở khám chữa bệnh cũng hạn chế người nhà đến thăm, chăm sóc bệnh nhân, đo thân nhiệt đối với người ra vào cổng của các bệnh viện.

"Bệnh viện Chợ Rẫy là nơi có quy mô lớn, là tuyến cuối của Bộ Y tế, quy mô là 6.000 người, không khác gì Bạch Mai. Mặc dù bệnh viện này cũng có chủ động tạm dừng hoạt động đối với một số khoa bệnh, kiểm soát thân nhân thăm nuôi nhưng thành phố cũng cần có phương án hỗ trợ. Bệnh viện Chợ Rẫy cần thành phố hỗ trợ cái gì thì báo thành phố. Các bệnh viện khác cũng vậy, không để xảy ra trường hợp như ở Bạch Mai", ông Phong nhấn mạnh.

Đặc biệt, TP.HCM cho biết sẽ kiểm tra các công ty như Công ty Trường Sinh, đảm bảo không để bệnh viện nào ở TP.HCM trở thành ổ dịch quy mô lớn như Bạch Mai.

Video: Hàng trăm người Ấn Độ bắt xe về quê tránh dịch

Nhật Linh

Tin mới