Trả lời về chính sách đền bù cho người dân tại 4,3ha ngoài ranh Khu đô thị mới Thủ Thiêm trong cuộc gặp gỡ báo chí ngày 9/1, ông Nguyễn Thành Phong nói: “HĐND TP.HCM đã thông qua, nhưng quá trình giải quyết sau đó có những vướng mắc phải xin ý kiến các bộ ngành, thậm chí báo cáo Chính phủ vì thành phố không thể vượt qua những quy định đó. Chúng tôi rất nóng lòng giải quyết cho bà con và sẽ cố gắng trong quý 1 năm 2020”.
Cách đây 3 tháng, vào ngày 6/10/2019, HĐND TP.HCM họp phiên bất thường để thông qua chính sách bồi thường cho các hộ dân tại khu vực ngoài ranh Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Lãnh đạo thành phố khẳng định đây là chính sách có lợi cho dân; theo đó người dân có thể nhận tiền đền bù hoặc đất nền tại khu vực khác tương đương với diện tích đất bị thu hồi sai.
Cũng tại buổi gặp gỡ báo chí, ông Nguyễn Thành Phong cho biết thành phố đang có kế hoạch đặt trụ sở trung tâm tài chính tầm cỡ quốc tế tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Thành phố đang phối hợp với Đại học Đại học Fulbright lập đề án chi tiết về trung tâm này.
Chủ tịch UBND TP.HCM phát biểu tại buổi gặp mặt báo chí đầu năm.
Về kết luận của Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương xem xét kỷ luật đối với Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM, tại buổi gặp gỡ báo chí, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết, UBKT Trung ương từng làm việc với thành phố trong 3 tháng, trên cơ sở đó mới đưa ra kết luận kiểm tra. Sắp tới, Thành ủy sẽ tổ chức kiểm điểm các cá nhân và tổ chức vi phạm, chuyển kết quả lên UBKT Trung ương, vì đây là nhân sự do Bộ Chính trị quản lý.
UBKT Trung ương sẽ họp và báo cáo Bộ Chính trị có hình thức kỷ luật hay không kỷ luật. Sau khi Bộ Chính trị có quyết định, TP.HCM sẽ tiến hành xử lý cụ thể về mặt Đảng. Những cá nhân sai phạm có thể bị xử lý kỷ luật về mặt chính quyền.
Các lãnh đạo bị xem xét kỷ luật là ông Lê Thanh Hải - nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM; ông Lê Hoàng Quân, ông Nguyễn Văn Đua, bà Nguyễn Thị Hồng, ông Lê Văn Khoa, ông Vũ Hùng Việt - nguyên Phó Chủ tịch UBND thành phố.