Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Chủ tịch Quốc hội: Tránh 'đun nước sôi chờ gạo' trong xây dựng pháp luật

(VTC News) -

Chủ tịch Quốc hội lưu ý, tránh tình trạng “đun nước sôi chờ gạo”, việc cần thì lại không có để xem xét, thông qua, nội dung trình thì lại chưa thực sự cấp thiết.

Ngày 3/11, phát biểu bế mạc Hội nghị toàn quốc Triển khai thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị và Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, việc triển khai thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị và Đề án là nhiệm vụ chính trị trọng tâm không chỉ của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội trong nhiệm kỳ này mà còn là trách nhiệm, nhiệm vụ quan trọng cần ưu tiên hàng đầu của tất cả các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương.

Theo Chủ tịch Quốc hội, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Quốc hội không ban hành Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 5 năm mà chỉ quyết định Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm. Do đó lần đầu tiên Bộ Chính trị có kết luận cho định hướng xây dựng pháp luật cả nhiệm kỳ - là định hướng hết sức quan trọng để Quốc hội xem xét, quyết định Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng đây là cơ sở để Quốc hội cùng các cơ quan chủ động hơn, vào cuộc từ sớm từ xa, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan để bảo đảm tiến độ, chất lượng công tác xây dựng pháp luật. Tránh tình trạng “đun nước sôi chờ gạo”, việc cần thì lại không có để xem xét, thông qua, nội dung trình thì lại chưa thực sự cấp thiết, hoặc nội dung cấp thiết nhưng lại không được chuẩn bị kỹ lưỡng.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc Hội nghị toàn quốc Triển khai thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị và Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV.

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển có vai trò, ý nghĩa hết sức quan trọng, là một trong ba đột phá chiến lược để phát triển đất nước bền vững đã được Đảng ta đề ra từ Đại hội XI và tiếp tục được xác định là khâu đột phá trọng tâm ưu tiên hàng đầu trong nhiệm kỳ Đại hội XIII và cả giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, thể chế và hiệu lực của thể chế có vai trò quan trọng và quyết định đối với sự phát triển của tất cả các quốc gia. Tuy nhiên, vai trò của thể chế lại phụ thuộc lớn vào chất lượng của hệ thống pháp luật.

Vì vậy, cùng với yêu cầu tập trung xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Đại hội XIII của Đảng cũng xác định cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, có sức cạnh tranh quốc tế, lấy quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm nhằm khơi thông nguồn lực, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo đảm yêu cầu phát triển bền vững kinh tế, xã hội và quốc phòng, an ninh, đối ngoại của đất nước trong tình hình mới.

Với 8 nhóm định hướng lớn, 70 định hướng cụ thể, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Đề án của Đảng đoàn Quốc hội đã bám sát chủ trương, đường lối Đại hội XIII và các văn kiện khác của Đảng, đề ra 137 nhiệm vụ lập pháp cụ thể cần thực hiện trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV nhằm hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng hệ thống pháp luật, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho mọi thành phần kinh tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, thời gian vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội vào việc từ rất sớm, phối hợp chặt chẽ ngay từ đầu cùng với các cơ quan của Chính phủ được giao chủ trì soạn thảo các dự án luật, nghị quyết.

Các lãnh đạo Quốc hội đã chủ động làm việc với Thường trực Cơ quan thẩm tra để nghe báo cáo, cho ý kiến về những định hướng lớn, những nội dung, yêu cầu phải đạt được trong các dự án luật. Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng xem xét, cho ý kiến hết sức trách nhiệm, cụ thể đối với các dự án nên rất thuận lợi để Chính phủ tiếp thu, hoàn thiện trình Quốc hội.

Chính vì vậy, các dự án luật, nghị quyết trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2 đều được chuẩn bị kỹ lưỡng, bảo đảm tiến độ. Qua thảo luận nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá cao chất lượng cả đối với hồ sơ do Chính phủ và các cơ quan trình và báo cáo thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội. Tinh thần này cần tiếp tục được phát huy mạnh mẽ trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, gắn với việc triển khai thực hiện các định hướng và nhiệm vụ lập pháp được xác định trong Đề án.

Trong quá trình nghiên cứu, rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới luật, pháp lệnh, nghị quyết theo yêu cầu của các nhiệm vụ lập pháp, đề nghị siết chặt kỷ luật, kỷ cương, bảo đảm tuân thủ chặt chẽ quy trình, thủ tục luật định, nhất là trong việc chuẩn bị hồ sơ đề nghị đưa dự án luật vào chương trình xây dựng luật, công tác soạn thảo, lấy ý kiến và tiếp thu ý kiến của cơ quan, tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học, đối tượng chịu sự tác động.

Cần quan tâm chống tiêu cực ngay trong công tác xây dựng pháp luật, không để xảy ra việc lồng ghép “lợi ích nhóm”, “lợi ích cục bộ” của cơ quan quản lý nhà nước trong văn bản luật; quan tâm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân và doanh nghiệp, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, kiên quyết không trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự án, dự thảo không bảo đảm chất lượng và tiến độ. Cố gắng tối đa không quản ngày - đêm để đáp ứng yêu cầu kiến tạo phát triển nhưng cũng sẽ không chấp nhận những dự án không bảo đảm chất lượng, không có trong chương trình và chưa được chuẩn bị kỹ.

Xuân Trường

Tin mới