Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Chủ tịch Quốc hội: 'TP Thủ Đức không phải em của TP.HCM, anh của Quận 1'

(VTC News) -

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh TP Thủ Đức là đơn vị hành chính cấp quận, "không thể là em của TP.HCM, anh của Quận 1 được".

Chiều 9/12, tại phiên làm việc thứ 51, 100% Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập TP Thủ Đức thuộc TP.HCM.

Nêu ý kiến thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng không nên phức tạp hoá vấn đề. Thực chất, bản thân Quận 2 và Quận 9 trước đây đều tách ra trên cơ sở huyện Thủ Đức cũ. 

Việc thành lập TP Thủ Đức là sắp xếp lại 3 quận. "Thành phố này không thể là em của TP.HCM và là anh của Quận 1 được. Thủ Đức vẫn là đơn vị hành chính cấp quận nhưng vì nó lớn nên gọi là thành phố trực thuộc thành phố", Chủ tịch Quốc hội nói và đề nghị các ý kiến thảo luận không mở rộng phạm vi và phức tạp hoá vấn đề.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

Trong phần báo cáo và thảo luận trước đó, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình cho rằng việc bố trí TAND TP Thủ Đức gặp một số khó khăn về chính sách, cán bộ cũng như trụ sở, cơ sở vật chất.

Chánh án TAND Tối cao cho rằng cần có chính sách cao hơn cấp huyện nhưng thấp hơn cấp tỉnh cho TP Thủ Đức vì có thể coi TP Thủ Đức là "em của cấp tỉnh nhưng là anh của cấp huyện".

Theo ông Nguyễn Hòa Bình, việc nhập 3 quận để thành lập TP Thủ Đức thực chất là nhập lại địa giới hành chính của huyện Thủ Đức trước đây, tuy nhiên quy mô dân số và khối lượng công việc đã khác trước đây rất nhiều.

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình.

Ông Bình cũng nêu hiện trạng số vụ án phải xử lý của TP Thủ Đức là trên 6.000 vụ mỗi năm, tương đương với một số tỉnh. Tuy nhiên, một tỉnh có 6.000 vụ án thì ngoài tòa án tỉnh, còn có 5-6 tòa án huyện "chân rết" chia sẻ, nhưng TP Thủ Đức hiện nay chỉ có một trụ sở.

"Như vậy mỗi tháng phải xử lý hơn 500 vụ, mỗi ngày xử hơn 20 vụ là số lượng rất lớn và phải tính lại", ông Bình nói.

Chánh án TAND Tối cao đề xuất thêm 180 cán bộ tòa án cho TAND TP Thủ Đức.

Nêu ý kiến thảo luận, ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội cho biết cơ bản ủng hộ đề xuất lập TP Thủ Đức như tờ trình của Chính phủ.

Theo ông Bình, với TP.HCM hay một số thành phố đặc biệt (như Hà Nội) thì phải cân nhắc cấu trúc đặt biệt. Đây là thành phố động lực, có thể đưa nước ta trở thành trung tâm của khu vực, của châu Á, thậm chí thế giới, nên phải xem xét lại cấu trúc tổ chức để phát huy động lực.

Ông Bình cho rằng TP Thủ Đức có vị trí, tác động và chức năng rất đặc biệt với sự phát triển của TP.HCM và có thể của cả nước. Đây là thành phố sáng tạo, thành phố động lực, vị thế cửa ngõ với TP.HCM.

Ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội.

Tuy nhiên, về việc tổ chức chính quyền đô thị ở Thủ Đức, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội đặt vấn đề Thủ Đức sẽ có cấu trúc chính quyền đô thị thế nào? 

"Chánh án TAND Tối cao nói 'TP Thủ Đức là anh của huyện nhưng em của tỉnh' thì chúng ta coi nó ở mức nào khi không thể coi là quận, huyện nhưng chưa được coi là 1 tỉnh", ông Bình nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội cũng cho rằng phải giao quyền cho TP Thủ Đức. Theo ông Bình, Chủ tịch của TP Thủ Đức phải nắm quyền không kém Phó Chủ tịch TP.HCM. 

Nêu ý kiến về vấn đề, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, việc thành lập TP Thủ Đức là nội dung rất mới, việc sắp xếp sẽ khác các nơi khác.

"Đây là mô hình đặc thù của TP.HCM. Khi bàn và quyết định Luật Chính quyền địa phương đã ghi rõ có thành phố trong thành phố. Việc thành lập TP Thủ Đức là nội dung cụ thể hoá chủ trương của Trung ương về đổi mới, sắp xếp lại đơn vị hành chính", bà Tòng Thị Phóng nói.

Do vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng có thể vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, từ đó để có thể tính tiếp cho các thành phố khác sau này. 

Xuân Trường

Tin mới