Chiều 8/6, các đại biểu Quốc hội thảo luận vấn đề kinh tế - xã hội ở tổ. Phát biểu tại buổi thảo luận tổ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề cập tới thành công của Việt Nam trong mùa dịch COVID-19 vừa qua.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. (Ảnh: Quochoi.vn)
Bà Ngân cho biết, tính tới nay Việt Nam mới chỉ ghi nhận 331 bệnh nhân và hơn 50 ngày qua chúng ta không có ca lây nhiễm nào trong cộng đồng. Nỗ lực chống dịch ở Việt Nam nhận được sự đồng thuận rất lớn của nhân dân và được bạn bè quốc tế đánh giá rất cao.
"Nhiều đơn vị, tổ chức quốc tế cũng đặt vấn đề không biết Việt Nam có giấu dịch COVID-19 không. Họ tự bình luận, thậm chí vào đài hóa thân xem số người chết có tăng không? Họ nhận thấy số người chết trong đó còn giảm vì dịch, ít người ra đường nên số lượng tai nạn giao thông giảm, chăm lo sức khỏe người dân cũng tốt hơn. Cuối cùng họ công nhận chúng ta không giấu dịch", người đứng đầu Quốc hội cho hay.
Cũng theo bà Ngân, do năm 2019 chúng ta thắng lợi toàn diện nên ngay đầu năm 2020 dù bị ảnh hưởng vì dịch bệnh vẫn có tiền đề để phát triển vững chắc cho cả năm.
"Cả thế giới tăng trưởng âm nhưng chúng ta vẫn tăng trưởng 3,82%", bà Ngân cho hay.
Chủ tịch Quốc hội cho biết lần này Chính phủ không trình Quốc hội điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng mà cố gắng để đạt ở mức cao nhất các mục tiêu đề ra trong năm 2020.
"Vì ảnh hưởng của dịch nên các đối tác lớn đều phải chống dịch, họ khó khăn thì ta buôn bán với ai...Chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận là không thể nào đạt được chỉ tiêu tăng trưởng 6,8-7% năm 2020 như mục tiêu đặt ra. Cũng chắc chắn rằng ngân sách không thể thu được, thậm chí hụt thu hơn 100.000 tỷ đồng", bà Ngân cho hay.
Chủ tịch Quốc hội cũng dẫn ra gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng hỗ trợ các trường hợp khó khăn bị ảnh hưởng trong mùa dịch và cho biết đây là khoản chi không có trong dự toán chi được thông qua từ đầu năm.
“Do đó, năm nay, Quốc hội giao Chính phủ điều chỉnh trong điều hành... Như việc điều chỉnh chi tiêu cục bộ, ở địa phương nào, bộ ngành nào mà không giải ngân được vốn đầu tư công, làm chậm chễ, thì Chính phủ sẽ được quyền điều chỉnh cục bộ", bà nói thêm.