Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Chủ tịch Quốc hội: Luật Đất đai sửa đổi đang đi đúng hướng

Chiều 2/8, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc với UB Kinh tế về công tác tiếp thu, giải trình, chỉnh lý và một số nội dung lớn dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Đồng chủ trì cuộc làm việc có các Phó Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Khắc Định, Nguyễn Đức Hải, Thượng tướng Trần Quang Phương.

Dự cuộc làm việc có Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh, lãnh đạo các bộ, ngành và đại diện thường trực các cơ quan của Quốc hội…

Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ một lần nữa nhấn mạnh, đây là một trong những dự án luật quan trọng nhất trong công tác lập pháp của nhiệm kỳ Quốc hội khóa 15.

Theo kế hoạch, dự án luật này còn đưa ra thảo luận tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách dự kiến vào cuối tháng 8, trước khi trình Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ sáu. Theo đó, nếu dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đủ điều kiện, sẽ trình Quốc hội xem xét biểu quyết thông qua tại Kỳ họp thứ sáu.

Chủ tịch Quốc hội làm việc về Luật Đất đai (sửa đổi).

Theo báo cáo của Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, hiện có 12 vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, trong đó có: Phân loại đất; quy định về Thủ tướng ban hành khung chính sách về hỗ trợ đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số; quyền của đơn vị sự nghiệp công lập lựa chọn hình thức thuê đất trả tiền hằng năm được thế chấp tài sản gắn liền với đất thuê; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; tiêu chí thu hồi và đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư…; thu hồi đất để xây dựng công trình tôn giáo; cấp giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất; thời điểm giao đất đối với dự án đầu tư trên đất lấn biển sử dụng vốn của nhà đầu tư (vốn ngoài ngân sách Nhà nước); một số nội dung liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai của các Nghị quyết của Quốc hội…

Tại cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh, lãnh đạo Bộ Tài chính đã giải trình những vấn đề Chủ tịch Quốc hội gợi mở về những vấn đề còn ý kiến khác nhau giữa ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra dự thảo luật.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà.

Cần thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, nội dung Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương

Phát biểu kết luận tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) ngày 1/8 đã được chỉnh lý trên cơ sở tổng hợp đầy đủ và tiếp thu nghiêm túc, chắt lọc ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội trong kỳ họp thứ năm vừa qua, ý kiến của các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan và tổ chức hữu quan, người dân.

Chủ tịch Quốc hội cũng đánh giá cao cơ quan chủ trì soạn thảo và Chính phủ đã rất tích cực, phối hợp với Ủy ban Kinh tế và các cơ quan Quốc hội, đã chỉnh lý một bước nữa là khá căn bản để trình kỳ họp thứ 5 cho ý kiến. Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng rất tích cực, chủ động phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan, tổ chức hữu quan để tiếp tục hoàn thiện dự án luật này; nhấn mạnh, đến thời điểm này chất lượng dự án luật là khá tốt và đang đi đúng hướng.

“Tuy nhiên, vẫn còn có khá nhiều ý kiến khác nhau. Điều đó thể hiện ở chỗ, chúng ta phải đưa ra các phương án, kể cả những vấn đề không có phương án 1, phương án 2 thì vẫn còn có ý kiến khác nhau. Trách nhiệm của Chính phủ và của Ủy ban Thường vụ bây giờ vẫn rất lớn, không được phép ngừng, phải nỗ lực không ngừng nghỉ, chúng ta mới có dự án luật đáp ứng được yêu cầu tốt nhất cho thực tiễn.

Tôi đề nghị tinh thần chung là phải bám sát quán triệt để thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, nội dung của Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương khóa 13 về đất đai này. Đó là nguyên tắc. Cái nào chưa đủ là phải đủ, cái nào không đúng thì không được. Không có chuyện, bây giờ bảo trình để sửa lại Nghị quyết 18, thì không có khái niệm đó và tiếp tục bám sát các quan điểm, các nguyên tắc, thông báo của Ủy ban thường vụ Quốc hội từ đầu quá trình xây dựng luật cho đến nay”.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh đây là một trong những dự án luật quan trọng nhất.

Nhấn mạnh về nội dung thu hồi đất sau khi bố trí xong tái định cư, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, chính sách bảo đảm đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số nhưng phải ngăn ngừa tình trạng đồng bào chuyển nhượng đất sau khi được giao đất lần 2.

Về điều kiện chuyển nhượng đất trồng lúa với hàm ý cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp khi nhận chuyển nhượng, phải thành lập tổ chức kinh tế và có phương án sử dụng đất trồng lúa đúng mục đích, hạn chế tình trạng đầu cơ, thu gom đất trồng lúa. Cần phân quyền cho địa phương quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa trên nguyên tắc rất thận trọng; phải quy định về giá đất, phương pháp tính giá đất trong luật; về hoạt động lấn biển…

Chủ tịch Quốc hội lưu ý thêm về những vấn đề rất khó như: Đất ở, thuê đất làm nhà ở cần phải có sự thống nhất với Luật Nhà ở; nộp tiền một lần và thu tiền đất hằng năm bảo đảm tính khả thi và bảo đảm phương án tài chính của Chủ đầu tư; các trường hợp nào đấu thầu, trường hợp nào đấu giá; vấn đề thu hồi đất và tiếp tục áp dụng trường hợp thỏa thuận; vấn đề phát triển cơ sở dữ liệu thông tin đất đai, thủ tục hành chính về đất đai; nghiên cứu thêm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất không gian ngầm, công trình ngầm và phát triển thị trường bất động sản; tổng kết Nghị quyết thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc, tồn đọng trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế, quy định vào dự án luật theo hướng giao Chính phủ tiếp tục tiến hành thí điểm như một phần của hồ sơ dự án luật.

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) phải bảo đảm đồng bộ với các luật khác trong hệ thống pháp luật, nhất là với các dự án luật mà Quốc hội đang xem xét, quyết định; không sử dụng luật này làm thay chức năng của các luật khác.

Ủy ban Kinh tế phối hợp với Thường trực Ủy ban Pháp luật, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan hữu quan khẩn trương hoàn thiện hồ sơ dự án luật, báo cáo một số vấn đề lớn tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự án luật, trình Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ sáu.

Lê Tuyết

Tin mới