Nội dung trên được Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề cập tại Hội nghị giữa Đảng đoàn Quốc hội và Ban cán sự đảng Chính phủ về Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, sáng 17/9.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đồng chủ trì hội nghị. (Ảnh: quochoi.vn)
Chủ tịch Quốc hội cho biết Kỳ họp thứ 8 dự kiến khối lượng công việc trình Quốc hội xem xét, quyết định nhiều nhất từ đầu nhiệm kỳ Khóa XV đến nay.
Theo đó, kỳ họp sẽ khai mạc vào ngày 21/10 và dự kiến bế mạc vào sáng 3/12. Kỳ họp theo 2 đợt: Đợt 1 từ ngày 21/10 đến 12/11; Đợt 2 từ ngày 20/11 đến 3/12. Quốc hội sẽ xem xét 39 nội dung, trong đó có 29 nội dung về công tác lập pháp, 10 nhóm nội dung về kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước, giám sát, nhân sự và quyết định các vấn đề quan trọng khác thuộc thẩm quyền.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan gửi tài liệu đến đại biểu Quốc hội chậm nhất ngày 1/10 đối với các nội dung trình Quốc hội xem xét, thông qua; không đề nghị bổ sung nội dung vào chương trình Kỳ họp thứ 8 sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội phát hành công văn triệu tập Kỳ họp.
Theo ông Trần Thanh Mẫn, các thành viên Đảng Đoàn Quốc hội, Ban cán sự Đảng Chính phủ cần cùng tập trung rà soát, xem xét những dự án luật, nghị quyết nào đã cơ bản hoàn thành để trình Quốc hội.
Bên cạnh đó rà soát công tác chuẩn bị, chất lượng nội dung các dự án luật, nghị quyết dự kiến đề nghị bổ sung vào chương trình, nhất là các dự án trình thông qua tại kỳ họp theo quy trình, thủ tục rút gọn. Đồng thời, tập trung thảo luận những vấn đề còn có ý kiến khác nhau của các dự án luật, nghị quyết.
Phát biểu tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị trên tinh thần "vừa chạy vừa xếp hàng", hai bên chia sẻ, cung cấp tài liệu, phối hợp chặt chẽ để bảo đảm chất lượng các nội dung trình Quốc hội, không phải cứ hoàn thiện hồ sơ mới gửi mà càng sớm càng tốt, tập trung làm ngay từ khi soạn thảo.
Thủ tướng yêu cầu các bộ tích cực, chủ động làm việc với các cơ quan của Quốc hội, phối hợp chặt chẽ và phải hiệu quả.
Thủ tướng nhấn mạnh, công tác xây dựng pháp luật cần tiếp tục đổi mới tư duy, từ tập trung cho công tác quản lý sang vừa tập trung quản lý hiệu quả, vừa góp phần kiến tạo sự phát triển; đổi mới ngay trong cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm định, mở ra không gian kiến tạo cho sự phát triển, huy động mọi nguồn lực của xã hội, của Nhân dân.
Trong quá trình soạn thảo, thẩm định các dự luật, Thủ tướng đề nghị, cần thống nhất quan điểm: những vấn đề đã rõ, đã chín, được thực tiễn kiểm nghiệm, chứng minh là đúng, hiệu quả, được đa số đồng tình thì luật hóa; những vấn đề còn diễn biến phức tạp, khó lường, chưa rõ, chưa chín thì làm thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, hoàn thiện dần.
Theo người đứng đầu Chính phủ, trong xây dựng, hoàn thiện thể chế tới đây cần tập trung cho phân cấp, phần quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi, thiết kế các công cụ kiểm tra, giám sát của cấp trên.
"Tinh thần là nâng cao trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm và phân cấp, phân quyền để các bộ, ngành, địa phương chủ động quyết định và tổ chức thực hiện công việc của mình, chịu trách nhiệm hậu kiểm, khuyến khích đổi mới sáng tạo của các cấp. Trung ương, Quốc hội, Chính phủ xây dựng chính sách, định hướng, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và tăng cường công cụ giám sát, kiểm tra.
Tinh thần là phải phân cấp triệt để. Tới đây, Trung ương cũng sẽ thảo luận về vấn đề này. Hiện nay là quá tập trung ở Trung ương, giải quyết không được", Thủ tướng nói.