(VTC News) - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh những giấy tờ gây phiền hà cho dân cần được cắt bỏ trong dự án Luật Căn cước công dân.
Sáng 14/7, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai tỏ ra băn khoăn khi có Luật Căn cước công dân thì sẽ loại bỏ bao nhiêu giấy tờ, còn tồn tại bao nhiêu giấy tờ. Bà Mai cũng cho rằng những vấn đề này cần được các đại biểu, ban soạn thảo làm rõ.
Bên cạnh đó, Chủ nhiệm các vấn đề xã hội cũng băn khoăn đặt câu hỏi không biết chủ trương này khi thực hiện sẽ tốn bao nhiêu tiền.
Luật Căn cước công dân khi ra đời được kỳ vọng sẽ giảm được nhiều loại giấy tờ cho người dân |
Chia sẻ về nội dung dự án luật, Thiếu tướng Trần Văn Vệ - Phó trưởng ban soạn thảo Luật Căn cước công dân cho biết, theo đề án 896 đang được triển khai, khi luật này được triển khai sẽ bỏ nhiều loại giấy tờ như hộ khẩu, giấy khai sinh.
Ông Vệ cho biết qua thí điểm ở Hải Phòng, Hà Nội… có thể khẳng định dự án cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư sẽ thành công. Cơ sở dữ liệu về căn cước đã có đầy đủ và chỉ cần phê duyệt sẽ nhập vào dữ liệu. Cơ sở dữ liệu chỉ quy định với 16 thông tin cơ bản nhất, đặc điểm nhận dạng, vân tay cũng không được đưa vào đây.
Chủ nhiệm Uỷ ban An ninh Quốc phong Nguyễn Kim Khoa cũng rất đồng tình với việc Luật Căn cước ra đời sẽ giảm các thủ tục, giấy tờ cho nhân dân. Ông Khoa cũng lấy ví dụ: “Tôi làm giấy tờ nhà đất ở quận Thanh Xuân mà cũng phải mất tới 8 tháng mới làm xong. Người ta đòi hỏi hết giấy khai sinh đến giấy đăng ký kết hôn… Cải cách hành chính là tư tưởng đổi mới rất lớn. Đây là yêu cầu không phải cá nhân mà toàn dân đang bức xúc”.
Ông Khoa cũng cho biết, ngày 1/7/2014, Thủ tướng đã có yêu cầu tập trung chỉ đạo sớm có cơ sở dữ liệu quốc gia dùng chung, tránh tình trạng manh mún, cục bộ. Do vậy Luật này căn cước, nếu có lợi cho nhân dân và đảm bảo tính chính quy chuyên nghiệp thì nên làm.
Trong khi đó, GS Đào Trọng Thi – Chủ nhiệm Ủy ban giáo dục thanh niên thiếu niên và nhi đồng cho rằng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là mối liên hệ kết nối để truy cập khai thác sử dụng thông tin trực tuyến.
Ông Thi lấy ví dụ với trường hợp giấy khai sinh, khi đứa trẻ được khai sinh sẽ cập nhật ngay vào cơ sở dữ liệu quốc gia mà không phải qua kênh nào nữa. Việc ứng dụng thành công công nghệ thông tin sẽ giải quyết được việc đó.
GS Đào Trọng Thi nêu quan điểm dù là giấy khai sinh hay thẻ căn cước cũng chỉ là cách gọi. Tuy nhiên, dù có tên gọi thế nào thì cũng chỉ nên cấp một loại. Ông Thi cho rằng thẻ căn cước cấp cho trẻ dưới 14 tuổi cần phải có tên bố mẹ.
Đồng tình với việc cấp thẻ căn cước từ khi sinh ra, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng, nếu làm được sẽ là cuộc cách mạng, giảm bớt thủ tục giấy tờ trong nhân dân.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng phải loại bỏ những giấy tờ gây phiền hà cho người dân |
Trước các ý kiến đóng góp của các đại biểu, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng cho rằng dự án luật là cải cách lớn về thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân, giảm bớt các loại giấy tờ không cần thiết.
Tuy nhiên Chủ tịch Quốc hội cũng lo lắng khi chưa hình dung nổi khi luật ra đời thì sẽ tác động thế nào.
Chủ tịch Quốc hội đồng tình với quan điểm của nhiều đại biểu là cấp thẻ căn cước từ khi sinh ra và không cần cấp giấy khai sinh.
“Làm sao phải mạch lạc. Cơ sở dữ liệu quốc gia có gì, hộ tịch có gì, bao giờ phải khai?...”, Chủ tịch Quốc hội đề nghị ban soạn thảo lưu ý làm rõ.
“Thay giấy khai sinh bằng căn cước là đúng rồi, già rồi cũng hỏi giấy khai sinh, mua vé cũng hỏi, đó là lạm dụng, luật này phải cắt hết”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh. Vì vậy, Chủ tịch Quốc hội cho rằng những giấy tờ gây phiền hà cho người dân cần được cắt bỏ.
“Phải làm sẵn để dân đến khai xong là có thẻ căn cước. Phục vụ dân là phải như thế!”, Chủ tịch Quốc lưu ý ban soạn thảo dự án luật.
Phạm Thịnh