Tiếp tục thực hiện phiên họp thứ 25, sáng 25/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Thảo luận tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận định vấn đề khó nhất tại dự thảo luật là quy định thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, trên thực tế có 2 hình thức thu hồi đất. Một là Nhà nước đứng ra thu hồi theo thể thức hành chính. Hai là thu hồi trên cơ sở thoả thuận giữa nhà đầu tư với nhân dân.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
"Có thể nêu thêm nguyên tắc là chỉ được thu hồi trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt. Và đưa ra trường hợp nghiêm cấm việc vừa "chạy" quy hoạch, vừa điều chỉnh mục đích sử dụng đất, vừa ra quyết định thu hồi đất", Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Nêu dẫn chứng trong công tác cán bộ, nếu muốn bổ nhiệm thì đối tượng phải nằm trong quy hoạch một thời gian, ông Vương Đình Huệ cho rằng đất đai cũng phải thu hồi trong quy hoạch.
Nhắc đến những đề xuất của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong dự thảo luật về những trường hợp thu hồi đất để đấu giá, đấu thầu đối với những dự án quy mô lớn, Chủ tịch Quốc hội băn khoăn rằng thế nào là dự án quy mô lớn.
"Lớn của các bác nhưng nhỏ với em. Ở những thành phố lớn có dự án tư nhân 2.500 tỷ đồng phải trình đến Ban Thường vụ cho ý kiến, thế nhưng có tỉnh nhỏ, quy mô bé thì 500 tỷ đã phải trình rồi. Thế nào là dự án quy mô lớn, thế nào là quy mô nhỏ? Rất khó xác định", Chủ tịch Quốc hội nói và đề nghị tính toán lại theo phương pháp "chọn bỏ" thay vì "chọn cho".
Chủ tịch Quốc hội phân tích nếu theo cách "chọn cho", tức là cứ liệt kê hết các trường hợp cần thu hồi, sẽ không thể liệt kê hết, và có khi càng liệt kê càng thiếu.
Vì thế, ông Vương Đình Huệ nhận định, có thể quy định theo hướng "chọn bỏ", tức là trừ những trường hợp áp dụng phương pháp thỏa thuận, còn lại là Nhà nước thu hồi.
Trước đó, trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng quy định theo hướng liệt kê các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng có ưu điểm bảo đảm sự rõ ràng, dễ theo dõi, dễ áp dụng.
Tuy nhiên, theo ông Vũ Hồng Thanh, việc liệt kê quá cụ thể, chi tiết các dự án, công trình thu hồi đất có nhược điểm khó bảo đảm bao quát, đầy đủ. Trong quá trình thảo luận, có ý kiến cho rằng, cách tiếp cận theo hướng liệt kê các trường hợp như hiện nay chưa làm rõ được sự cần thiết của các dự án, công trình này theo tinh thần của Điều 54 Hiến pháp.
"Do đây là nội dung cụ thể hóa Nghị quyết số 18-NQ/TW, Thường trực Ủy ban Kinh tế báo cáo, xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo cấp có thẩm quyền cho ý kiến chỉ đạo", Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nói.
Liên quan đến thu hồi đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết có 2 loại ý kiến.
Loại ý kiến thứ nhất, giữ như dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ năm, quy định tiêu chí phân định theo quy mô về diện tích dự án, dự án có quy mô từ 10 ha trở lên tại khu vực nông thôn và 5 ha trở lên tại khu vực đô thị là trường hợp đấu thầu, dưới mức này là trường hợp đấu giá, trừ trường hợp nhà đầu tư đang có quyền sử dụng đất.
Loại ý kiến thứ hai, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị tiếp thu ý kiến đại biểu theo hướng giao HĐND quyết định dự án thực hiện đấu thầu dựa trên các nguyên tắc: bảo đảm hiệu quả sử dụng đất; khả năng bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương để thực hiện thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; quỹ đất hiện có tại địa phương; nhằm tạo điều kiện cho địa phương tự quyết định phù hợp với đặc điểm từng địa phương. Trường hợp còn lại thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất.