Ngày 5/7, Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa XI (nhiệm kỳ 2020 - 2025) tổ chức Hội nghị lần thứ 15 mở rộng.
Báo cáo tại hội nghị, Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi cho hay, 6 tháng đầu năm 2022, thành phố kiểm soát tốt dịch bệnh, kinh tế - xã hội phục hồi nhanh, khá toàn diện. Trong 6 tháng cuối năm, TP.HCM tiếp tục đeo bám dự thảo xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tế tại Thủ Thiêm (TP Thủ Đức); hoàn thiện kế hoạch sử dụng vốn, đất giai đoạn 2021 - 2025.
Toàn cảnh hội nghị. (Ảnh: TTBC)
Bên cạnh đó, TP sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc đối với 118 dự án bất động sản trên địa bàn; lập tổ tổ công tác để giải quyết có hiệu quả 647 việc còn vướng mắc tại địa phương, đơn vị.
TP.HCM sẽ triển khai đồng bộ hơn nữa các giải pháp phát triển du lịch, xây dựng chiến lược thương hiệu thành phố. Tập trung phục hồi toàn diện thương mại dịch vụ, trong đó chủ động chương trình bình ổn giá của thành phố; củng cố 2 ngành công nghiệp còn tăng trưởng thấp trong 6 tháng đầu năm là xây dựng - bất động sản và công nghiệp điện - điện tử; tổ chức diễn đàn xuất khẩu để thúc đẩy xuất khẩu.
Theo ông Phan Văn Mãi, một năm qua, TP.HCM triển khai mô hình chính quyền đô thị đạt được nhiều kết quả, trong đó góp phần giúp công tác phòng, chống dịch nhanh hơn. Tuy nhiên, nhiều bất cập, khó khăn bộc lộ, cần nhận diện, đòi hỏi phải có giải pháp tập trung giải quyết. Việc giải quyết khó khăn, vướng mắc của người dân và các doanh nghiệp cũng chưa kịp thời, còn nhiều nội dung chậm trễ, yêu cầu các sở, ngành phải phối hợp chặt chẽ hơn nữa.
Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi báo cáo tại hội nghị. (Ảnh: Báo SGGP).
Lý giải việc TP.HCM là một trong 21 tỉnh, thành giải ngân đầu tư công chậm (dưới 20%), ông Mãi cho rằng, nguyên nhân là việc chuẩn bị dự án năm 2021 của thành phố chưa tốt. Cùng đó, UBND TP.HCM trình HĐND TP giao vốn chậm; giá nguyên, vật liệu, nhất là vật liệu xây dựng tăng nhanh nên các hoạt động dự kiến trước đó đang bị kéo chậm để chờ chính sách mới.
Ông Mãi thông tin thêm, TP.HCM đã kiến nghị Chính phủ có chỉ đạo điều chỉnh về giá, điều chỉnh hợp đồng để thúc đẩy những hợp đồng đã ký. Ngoài ra, TP.HCM cũng có một số giải pháp nhằm cải thiện tình hình.
Cụ thể, tổ chức họp giao ban hàng tháng, trong đó yêu cầu chủ đầu tư lên kế hoạch tiến độ cho từng dự án; thành lập các tổ công tác gồm tổ giải phóng mặt bằng, tổ dự án nhiều vốn nhưng giải ngân chậm và tổ ODA, qua đó giúp tháo gỡ những tồn đọng với mong muốn quý 3, 4, tốc độ giải ngân được cải thiện.