Cùng dự buổi làm việc có Phó Thủ tướng Lê Thành Long cùng lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương.
Báo cáo với đoàn công tác, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng Trần Hồng Minh cho biết, là tỉnh miền núi, biên giới, nằm ở phía Đông Bắc của Tổ Quốc, dân số Cao Bằng khoảng 54 vạn người, trong đó 95% là đồng bào dân tộc thiểu số.
Giai đoạn 2021-2023, tốc độ tăng trưởng bình quân của Cao Bằng đạt 5,46%, bằng 68,2% so với mục tiêu Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra. GRDP bình quân đầu người đạt hơn 44 triệu đồng; văn hóa xã hội có chuyển biến tiến bộ, rõ nét, an sinh xã hội được quan tâm, chăm lo.
Quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Công tác cải cách tư pháp, nội chính tiếp tục có nhiều đổi mới. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, ngày càng đi vào chiều sâu thực chất, sát cơ sở.
Chủ tịch nước Tô Lâm thăm, làm việc tại tỉnh Cao Bằng
Tình hình quốc phòng an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh ổn định. Trong những năm qua, Cao Bằng cũng tăng cường tổ chức các đợt tấn công cao điểm truy quét, trấn áp tội phạm; an ninh nông thôn, an ninh nội địa vùng đồng bào dân tộc thiểu số được đảm bảo, không để xảy ra các vụ việc đột xuất, bất ngờ, không hình thành điểm nóng về an ninh trật tự.
Tuy nhiên kinh tế của tỉnh phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và dư địa phát triển của địa phương; điểm nghẽn, nút thắt lớn nhất về kết cấu hạ tầng giao thông chưa được tháo gỡ; phát triển giáo dục ở vùng sâu, vùng xa còn hạn chế; đời sống của một bộ phận dân cư, nhất là hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn...
Sau khi nghe lãnh đạo các bộ, ngành phát biểu ý kiến giải đáp các kiến nghị của địa phương, Chủ tịch nước Tô Lâm nêu rõ, Cao Bằng là địa bàn có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, là “phên dậu” của Tổ quốc, là “cửa ngõ” phía Tây và phía Bắc của quốc gia, sở hữu nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp, nguyên sơ, hùng vĩ; có 27 dân tộc thiểu số sinh sống với nền văn hóa phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc.
Đây là thuận lợi, song cũng đặt ra nhiều khó khăn, thách thức đối với tỉnh trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh; đòi hỏi sự đoàn kết, nỗ lực, cố gắng nhiều hơn nữa của toàn Đảng bộ, chính quyền, cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và Nhân dân trong tỉnh.
Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trong thời gian tới, Chủ tịch nước đề nghị Cao Bằng cần thống nhất, đồng lòng, hành động quyết liệt; khơi dậy mạnh mẽ khát vọng vươn lên, tinh thần đoàn kết, tự hào, tự tôn dân tộc; phát huy sức sáng tạo, sức mạnh nội sinh, truyền thống lịch sử, văn hóa, con người của vùng đất “cái nôi cách mạng”; không trông chờ, ỷ lại mà cần phải tự lực, tự cường để phấn đấu thực hiện thành công kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025.
Chủ tịch nước Tô Lâm đề nghị: “Phải tạo chuyển biến mạnh mẽ, đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để tạo bước phát triển mới, có chiến lược đầu tư cho các ngành mũi nhọn, lĩnh vực trọng điểm, đột phá như: kinh tế cửa khẩu, phát triển kinh tế du lịch sinh thái, dịch vụ chất lượng cao, năng lượng tái tạo, công nghiệp chê biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; tạo được những sản phẩm đặc trưng riêng có sức cạnh tranh cao của tỉnh.
Phối hợp chặt chẽ với các tỉnh lân cận để hình thành tuyến hành lang kinh tế biên mậu dọc tuyến biên giới. Triển khai quyết liệt các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư đến và gắn bó lâu dài với Cao Bằng, phấn đấu Cao Bằng nằm trong số 30 tỉnh tốt nhất về môi trường đầu tư”.
Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu tại buổi làm việc
Chủ tịch nước yêu cầu tỉnh Cao Bằng tiếp tục tăng cường công tác giáo dục và đào tạo; xây dựng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao; nâng cao chất lượng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Xây dựng nền văn hóa phát triển toàn diện; bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống, văn hóa phong phú của các dân tộc, nhất là văn hóa dân tộc thiếu số. Đồng thời thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, chăm lo cho người có công; giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững; không ngừng chăm lo, nâng cao đời sống nhân dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn.
Về nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, Chủ tịch nước Tô Lâm yêu cầu: “Về nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, đối ngoại, trọng tâm là Nghị quyết Trung ương 8 về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc, Chiến lược quốc phòng, Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, Chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia.
Tăng cường quản lý, bảo vệ biên giới, kiểm soát cửa khẩu, đường mòn, lối mở. Nâng cao chất lượng hoạt động của dân quân tự vệ, dự bị động viên; coi trọng xây dựng lực lượng dân quân thường trực, dân quân ở những địa bàn trọng điểm, tuyến biên giới.
Chủ động nắm chắc tình hình, phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả với những âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống; xây dựng thế trận an ninh nhân dân, phát triển kinh tế biên giới, góp phần xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển”.
Về công tác cải cách tư pháp, Chủ tịch nước yêu cầu tỉnh triển khai, thực hiện tốt Nghị quyết 27 về xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa sát với tình hình thực tiễn của địa phương. Nâng cao chất lượng nhân lực tư pháp đủ số lượng, bảo đảm chất lượng, có cơ cấu hợp lý.
Đồng thời xây dựng đội ngũ tư pháp liêm chính, công tâm, chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Nhắc lại lời Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã từng nói “Cao Bằng chí ít cùng phải phấn đấu để cao bằng người ta”; “Phải cao bằng những tỉnh tốt nhất”; “Tốt nhất là Cao Bằng vượt mức không ai bằng”, Chủ tịch nước Tô Lâm mong muốn ước nguyện ấy của Bác sẽ trở thành hiện thực dưới sự đoàn kết đồng lòng, nỗ lực của toàn thể đồng bào, đồng chí và nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng.