Suối Trai là xã vùng cao thuộc huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên. Nơi đây có cộng đồng dân tộc Ê Đê sinh sống với các giá trị văn hóa, lễ hội truyền thống giàu bản sắc, con người chân thành và mến khách.
Nói chuyện với bà con dân tộc thôn Xây Dựng, xã Suối Trai trong ngày hội lớn của tinh thần Đại đoàn kết toàn dân, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng khẳng định: 93 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tập hợp các tầng lớp nhân dân, nhân lên gấp bội tinh thân yêu nước, đoàn kết của mỗi người dân Việt Nam, làm nên những thắng lợi to lớn của dân tộc ta trong suốt chiều dài lịch sử.
Trong thời kỳ hiện nay, đại đoàn kết dân tộc là chủ trương chiến lược, có ý nghĩa sống còn, là cội nguồn sức mạnh của mọi thành công, quyết định sự thành bại của cách mạng.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dự và phát biểu tại Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở thôn Xây Dựng, xã Suối Trai, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên.
Chủ tịch nước ghi nhận, với đặc thù 90% là đồng bào dân tộc, bà con trong xã Suối Trai đã cùng nhau gìn giữ, phát huy truyền thống văn hóa quý báu của dân tộc mình; đoàn kết, tin tưởng vào đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; cùng nhau nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.
Thôn Xây Dựng nằm ở trung tâm xã Suối Trai với 187 hộ, 984 nhân khẩu, thời gian qua đã dần xóa bỏ những hủ tục lạc hậu để tiếp cận thông tin đời sống văn hóa mới lành mạnh, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc phù hợp với thời đại.
Đáng chú ý, dù có xuất phát điểm là một xã đặc biệt khó khăn thuộc miền Tây Phú Yên nhưng việc học tập của con em xã Suối Trai luôn được chăm lo, tạo điều kiện. Cùng với đó, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, tạo ra môi trường bình yên để người dân an tâm lao động, sản xuất, cải thiện đời sống, phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp.
Tuy vậy, Chủ tịch nước cho rằng tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao. Nhiệm vụ quan trọng hàng đầu với nhân dân xã Suối Trai là đoàn kết xóa đói, giảm nghèo bền vững; tích cực chăn nuôi gia súc, gia cầm, phấn đấu hàng năm tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 3 - 4% hoặc cao hơn.
Cần nâng cao sản lượng cây trồng, quan tâm đến việc học tập của con em. Vì học chính là con đường thoát nghèo bền vững.
Đồng thời, nuôi dưỡng và giữ gìn những nét đẹp văn hoá truyền thống của dân tộc. Giữ gìn an ninh, trật tự an toàn xã hội để buôn làng yên bình, để bà con an tâm sản xuất, có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Người dân xã Suối Trai tham dự ngày hội Đại đoàn kết toàn dân.
Đặc biệt, Chủ tịch nước đề nghị nhân dân chung tay gìn giữ an ninh trật tự trong thôn, trong xã, để luôn có cuộc sống bình yên.
Cùng với đó là luôn nâng cao tinh thần cảnh giác, phát hiện các luận điệu xuyên tạc, kêu gọi, tuyên truyền phá hoại khối Đại đoàn kết toàn dân tộc.
Chủ tịch nước cũng căn dặn lãnh đạo huyện Sơn Hòa làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cấp xã, cán bộ ở cơ sở. Huyện tiếp tục đầu tư, hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới; không ngừng nâng cấp hạ tầng cơ bản phục vụ đời sống và sinh hoạt của người dân; tiếp tục động viên nhân dân tăng cường sức mạnh đại đoàn kết, hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị-kinh tế, văn hóa-xã hội của địa phương.
Chủ tịch nước tìm hiểu văn hóa của đồng bào dân tộc ở xã Suối Trai.
Nhân dịp này, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và lãnh đạo MTTQ Việt Nam; tỉnh Phú Yên đã trao quà tặng cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên tiêu biểu, đồng bào uy tín và các em học sinh tiêu biểu.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tặng quà cho cán bộ quản lý, giáo dục, giáo viên tiêu biểu và đồng bào uy tín.
Trước đó, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và đoàn công tác đã tới dâng hương, dâng hoa tại Đài tưởng niệm Núi Nhạn nằm trên Núi Nhạn thuộc phường I, thành phố Tuy Hòa.
Chủ tịch nước dâng hương tại Đài tưởng niệm Núi Nhạn.
Công trình Đài tưởng niệm Núi Nhạn được xây dựng trên diện tích 3.300m2, trong đó nhà bia mang hình tượng đàn chim nhạn đang bay về hướng biển. Trong nhà bia có 38 trụ bia ghi tên 13.085 liệt sỹ của tỉnh Phú Yên và 4 trụ bia ghi tên 1.000 liệt sỹ ở địa phương khác.
Chủ tịch nước đến thăm gia đình ông Ka Sô Liễng.
Chủ tịch nước cũng đã đến thăm gia đình ông Ka Sô Liễng, sinh năm 1936, (dân tộc Chăm Hroi), 45 năm tuổi Đảng, tại thôn Kiến Thiết, xã Ea Chà Rang, huyện Sơn Hòa.