Không như ba lần Thế vận hội bị hủy vì chiến tranh trong quá khứ, Olympic Tokyo 2020 chỉ bị hoãn lại và được tổ chức bù vào năm 2021.
Trong quá trình bàn bạc tìm cách ứng phó trong đại dịch Covid-19, Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) và chính phủ Nhật Bản hoàn toàn không coi việc hủy bỏ sự kiện này là một phương án, bất chấp những diễn biến khó lường của cuộc khủng hoảng toàn cầu.
Covid-19 khiến Olympic Tokyo 2020 bị hoãn 1 năm.
"Vẫn còn rất nhiều điều bất trắc. Tất cả chúng ta đang cùng nhau đi trong hầm tối, không biết đến khi nào và chẳng biết được ngày mai ra sao. Nhưng chúng tôi muốn ngọn lửa Olympic là ánh sáng cuối đường hầm", Chủ tịch IOC Thomas Bach chia sẻ.
"Đó là lý do chúng tôi sẽ làm việt hết sức để giải quyết nhiệm vụ đầy thử thách khi phải hoãn giải đấu và tổ chức lại, điều chưa từng xảy ra trước đây.
Chúng ta chưa từng có tiền lệ cho điều này. Điều đó đòi hỏi sự nỗ lực của tất cả mọi người, mọi thành phần. Olympic là sự kiện phức tạp nhất trên thế giới. Chúng tôi muốn mang đến những điều kiện tốt nhất và môi trường an toàn nhất cho Olympic".
IOC và chính phủ Nhật Bản chưa tính toán thiệt hại về mặt tài chính khi đưa ra quyết định hoãn Olympic. Chuyện tiền bạc không phải vấn đề đáng lưu tâm nhất khi cân nhắc khả năng tổ chức Thế vận hội ở thời điểm này.
"Quan trọng nhất là bảo vệ nhân mạng", ông Thomas Bach khẳng định.
Bên cạnh chi phí, công tác tổ chức, việc hoãn Olympic Tokyo 2020 một năm cũng kéo theo nhiều vấn đề phức tạp khác cho nhiều bên liên quan. Ví dụ, các vận động viên sẽ phải điều chỉnh kế hoạch tập luyện, thậm chí chưa chắc khả năng tham gia khi Thế vận hội được tổ chức bù. IOC và ban tổ chức đang tiếp tục thảo luận để đưa ra những biện pháp cụ thể.
"Hãy cho chúng tôi chút thời gian để nghiên cứu các câu hỏi và đặt những miếng ghép lộn xộn về đúng chỗ, sau đó chúng ta sẽ có một kỳ Olympic thành công", ông Thomas Bach nói.
Video: Nhật Bản đề xuất tổ chức bù Olympic Tokyo vào năm 2021