Trao đổi với VTC News bên hành lang Quốc hội, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Nguyễn Thị Xuân Thu cho rằng hiện nay, công tác cứu trợ ở các tỉnh khá lộn xộn.
Nguyên nhân là do là quá nhiều đoàn thiện nguyện trực tiếp tới vùng bão lũ để giúp đỡ nhưng lại không tiếp cận để yêu cầu chính quyền giúp đỡ.
"Việc các đoàn thiện nguyện thiếu thông tin, không nắm được địa hình, không thể tiếp cận được những nơi cần trợ giúp làm cho hàng cứu trợ không chuyển trực tiếp kịp thời tới cho người dân. Điều này cũng có thể tạo ra các bất ổn trong những khu vực này".
Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Nguyễn Thị Xuân Thu.
Theo bà Thu, ở nước ngoài thường có trung tâm cứu trợ tại địa bàn xảy ra thiên tai. Ở đó họ giao cho chính quyền địa phương, Hội Chữ thập đỏ đứng ra tiếp nhận và phân phối các mặt hàng đó tới các địa chỉ cần thiết.
Ở Việt Nam, địa phương nào cũng có 1 điểm tiếp nhận cứu trợ, phân công cho cán bộ, chính quyền, mặt trận đứng ra cung cấp thông tin. Tuy nhiên, do rất nhiều đoàn thiện nguyện không tới điểm đó, không liên hệ với chính quyền mà muốn đến tận nơi dù không có thông tin khiến công tác cứu trợ không hiệu quả.
"Về lâu dài cần có sự phân công cho 1 tổ chức nhất định để tổ chức đó lên kế hoạch, chuẩn bị chủ động ứng phó và sẵn sàng triển khai hoạt động cứu trợ khi xảy ra thiên tai. Cần trang bị cho họ kiến thức, kinh nghiệm, phương tiện thông tin cần thiết", nữ đại biểu Quốc hội nói.
Bà Thu cho biết, trong quy tắc cứu trợ quốc tế, khi xảy ra thiên tai đều hạn chế tối thiểu các đoàn đi tự phát bởi làm vậy sẽ giảm rủi ro cho người đi cứu, giảm áp lực cho chính quyền và người dân ở khu vực bị ảnh hưởng.
"Các chính quyền cũng cần có quy định chặt chẽ để tránh hiện tượng ai muốn thì đi, đi đến thì không hiệu quả, đôi khi lợi dụng công tác cứu trợ và không có tác dụng cho việc cứu trợ", bà cho thay.
Theo Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ, những người có tấm lòng có thể giúp đỡ người dân ở rất nhiều mặt như giúp sửa chữa nhà cửa, hỗ trợ sinh kế.
"Ở thời điểm hiện tại, người dân ở vùng lũ đang thiếu phương tiện sinh hoạt gia đình, thiếu điều kiện phát triển sản xuất để ổn định cuộc sống. Do đó những người có tấm lòng thiện nguyện có thể giúp đỡ được họ nhưng không nhất thiết trong lúc bão lũ này hay tìm cách mọi cách tới để cho gói mì tôm, chai nước... Đến được là tốt, nhưng đến vào lúc nào, giúp cái gì, mọi người cũng phải lựa chọn để tránh tạo thêm áp lực cho chính quyền, người dân ở thời điểm họ đang chịu rất nhiều áp lực".