Thượng tầng của đội bóng xứ Catalonia giờ chẳng khác gì vở kịch ồn ào không hồi kết, trở thành nơi để công chúng nhìn vào với sự ngán ngẩm.
"Barcagate"
Việc 6 thành viên ban lãnh đạo Barca đột ngột từ chức trông có vẻ giống như cuộc "thanh trừng nội bộ" của Chủ tịch Josep Bartomeu.
Hai Phó chủ tịch Emili Rousaud và Enrique Tombas cùng các Giám đốc Silvio Elias, Maria Teixidor, Josep Pont và Thư ký Jordi Clasamiglia rời nhiệm sở Barca hôm 9/4, không quên để lại bức thư ngỏ với hàm ý công kích những người còn ở lại.
Để giữ ghế, Chủ tịch Bartomeu không ngần ngại loại bỏ các cộng sự từng sát cánh với mình. (Ảnh: Telemundo)
"Chúng tôi thất vọng về các sự cố đã xảy ra ở CLB thời gian qua", lá thư ngỏ của 6 thành viên nói trên có đoạn viết. "Chúng tôi yêu cầu khi việc kiểm toán của CLB được thực hiện, nhưng người có liên quan sẽ phải chịu trách nhiệm tương xứng".
Bartomeu tin sự ra đi của 6 thành viên kể trên là cần thiết, sau những sự cố đáng xấu hổ diễn ra vài tháng qua ở thượng tầng đội bóng. Tiêu biểu là vụ scandal có tên "Barcagate", khi chính Bartomeu và các cộng sự bị phát hiện chi tiền để bôi nhọ hình ảnh cầu thủ, cựu HLV lẫn cựu danh thủ.
Barca thuê một công ty tên I3 Ventures từ năm 2017 và trả 6 hóa đơn khác nhau với tổng cộng chi phí gần 1 triệu euro. Công ty này sở hữu nhiều tài khoản trên các mạng xã hội, với mục đích chính là đăng những câu chuyện tiêu cực về các nhân vật có ảnh hưởng tại Camp Nou.
Ban lãnh đạo Barca được cho đã thuê người sử dụng các tài khoản trên mạng xã hội để đăng các bình luận tiêu cực liên quan đến việc Messi không chịu gia hạn hợp đồng hoặc đưa ra yêu sách.
Messi rơi vào cuộc chiến vương quyền với thượng tầng Barca.
Ngoài ra, các tài khoản đăng các bình luận tiêu cực về việc kinh doanh của Pique hay tiết lộ thông tin HLV Pep Guardiola gây tai nạn sau khi đâm 4 chiếc xe.
Những cựu cầu thủ như Xavi, Puyol là các nạn nhân khác. Những người đang lăm le ngồi vào ghế chủ tịch của Barca như Victor Font (người được Xavi ủng hộ) hay Joan Laporta, Agusti Benedito hay Jaume Roures cũng trở thành mục tiêu của chiến dịch bôi nhọ.
Một mặt Bartomeu phủ nhận các cáo buộc, một mình ông nhận định có ai đó trong ban lãnh đạo Barca đã để rò rỉ những thông tin gây bất lợi cho ông và các cộng sự. Scandal "Barcagate" cũng khiến Jaume Masferrer, một trợ thủ đắc lực của Bartomeu về tài chính trở thành vật tế thần.
Kẻ phản bội Rousaud?
Dẫn đầu trong nhóm 6 thành viên ban lãnh đạo bị Bartomeu "trảm" là Rousaud, người trước đó đang giữ chức Phó chủ tịch Rousaud và được xem là ứng viên kế nhiệm Bartomeu cho vị trí chủ tịch trong năm tới.
Trong bài phỏng vấn trên Cadena Ser hôm 8/4, Rousaud công kích mạnh mẽ Bartomeu và làm rò rỉ nhiều thông tin nội bộ Barca. Rousaud tuyên bố: "Bartomeu đã gọi tôi và nói ông ấy có vấn đề với các thành viên ban lãnh đạo. Ông ấy muốn tôi từ chức, tôi bảo có gì thì hãy nói mặt đối mặt với nhau".
Mới đầu năm nay, Rousaud còn là ngôi sao đang lên ở chính trường Barca và là cánh tay phải của Bartomeu. (Ảnh: Getty)
Mọi chuyện trở nên phức tạp hơn khi Rousaud khẳng định "nếu các kiểm toán viên nói với chúng ta rằng việc thuê I3 Ventures thực chất chỉ tốn 100.000 euro trong khi CLB đã chi 1 triệu euro, có ai đó sẽ phải trả giá".
Rousaud khẳng định ông không có bằng chứng và không thể nêu đích danh người ấy là ai, nhưng tuyên bố mối quan hệ giữa các thành viên BLĐ là vô cùng "bẩn thỉu".
Ông cũng cho biết có ít nhất 3 thành viên khác trong hàng ngũ lãnh đạo của Bartomeu đang có ý định từ chức. Nếu những lời phát biểu của Rousaud là đúng sự thật, nội bộ Barca có thể đứng trước nguy cơ vào tù vì tham nhũng.
Đầu tháng 1 năm nay, Rousaud còn được Bartomeu cho thăng tiến để trở thành cánh tay phải đắc lực của ông trong đội bóng. Rousaud đã nằm trong phe ủng hộ Bartomeu kể từ năm 2015.
Ông mới chính thức bước ra ánh sáng từ vài tháng trước, với lời hứa hẹn sẽ kế nhiệm Bartomeu trong cuộc bầu cử diễn ra vào năm sau. Vì sao Rousaud bỗng dưng trở thành kẻ phản bội? Nội tình Barca càng lúc càng phơi bày nhiều tình tiết đáng ngờ.
Vở opera chưa kết thúc
Lần đầu tiên trong lịch sử, ban lãnh đạo Barca chỉ còn 13 thành viên, và Bartomeu cần phải bổ nhiệm ngay lập tức 1 thành viên mới để đáp ứng đủ con số tối thiểu 14 nhằm ngăn việc ban lãnh đạo bị giải tán. Marca cho biết nếu số thành viên BLĐ từ chức đạt 75%, đội chủ sân Camp Nou sẽ phải tổ chức bầu cử ngay lập tức.
Tổng cộng 12 quan chức Barca đã từ chức hoặc bị sa thải kể từ năm 2015, chưa đầy 12 tháng sau khi Bartomeu chính thức làm Chủ tịch CLB.
Thông điệp phát ra từ Barca là Bartomeu sẽ không từ chức. Nhiệm kỳ làm Chủ tịch của Bartomeu sẽ kết thúc vào tháng 6/2021, và ông sẽ không thể tiếp tục ứng cử vì đã làm việc đủ 2 nhiệm kỳ trên cương vị lãnh đạo (phó chủ tịch và chủ tịch).
Chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo với Barca?
"Cuộc binh biến" vừa qua cho thấy Bartomeu sẵn sàng làm tất cả để có thể tiếp tục tại vị và tránh những trách nhiệm pháp lý có thể xảy đến với mình như các đời Chủ tịch tiền nhiệm.
Hôm 11/4, Bartomeu úp mở về khả năng đưa Rousaud ra tòa vì những phát biểu vu khống trước đó. Đáp lại, Rousaud tuyên bố ông thực tâm không muốn làm xấu hình ảnh của đội bóng, nhưng "sự thật vẫn là sự thật".
Jordi Mestre, người từng làm Phó chủ tịch Barca giai đoạn 2014-2019 như đổ thêm dầu vào lửa với tuyên bố ẩn ý: "Khi tôi còn tại vị, BLĐ đội bóng từ lâu đã không còn ăn chung một bàn".
Marca tiết lộ Mestre đã rời Barca trong một cuộc "thanh trừng" trước đó của Bartomeu, để nhường chỗ cho Giám đốc thể thao Eric Aibal, người đã xung đột với Messi hồi tháng trước.
Gabriel Masfurroll, một cựu chủ tịch khác của Barca gọi tình hình lúc này ở CLB thật "vô cùng đáng xấu hổ". Các CĐV Barca vẫn luôn tự hào về slogan "hơn cả một CLB", với những giá trị cộng đồng và tính biểu tượng sâu sắc. Tuy nhiên, lác đác vài người hâm mộ cực đoan giờ đã miêu tả đội bóng con cưng còn "hơn cả một gánh xiếc".