Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Chủ tịch Bắc Giang: Không vì bán được thêm vải mà để lây dịch sang nơi khác

Với chiến lược bảo vệ vùng vải an toàn, Bắc Giang đưa thành công sản vật này sang Nhật và được cấp bảo hộ chỉ dẫn địa lý, chứng minh chất lượng vải thiều Lục Ngạn.

Dịch COVID-19 bùng phát đúng thời điểm vùng vải thiều với sản lượng hơn 180.000 tấn đang vào vụ thu hoạch đặt Bắc Giang vào tình thế, phải bảo vệ vùng trồng vải an toàn trước dịch bệnh. 

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương nhấn mạnh, việc tiêu thụ vải thiều, tỉnh đã kích hoạt các biện pháp đồng bộ để bảo vệ an toàn vùng trồng vải, giải quyết bài toán tiêu thụ vải giữa đại dịch.

Bảo vệ vùng vải "không COVID-19"

Theo ông Lê Ánh Dương, thời điểm bắt đầu có dịch COVID-19, tỉnh đã xây dựng hai phương án với mục tiêu bảo vệ vùng vải và tiêu thụ loại nông sản này. Ở mỗi phương án, tỉnh phân công trực tiếp một Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách.

Với phương án bảo vệ vùng vải an toàn, tỉnh nhanh chóng khoanh vùng vải sớm ở huyện Tân Yên và vải chính vụ ở huyện Lục Ngạn. Tại đây, các chốt kiểm soát, canh gác bảo vệ nghiêm ngặt các cửa ngõ ra vào vùng vải được thành lập sớm. 

Khu vực sơ chế vải thiều xuất khẩu tại huyện Lục Ngạn

Ở bên trong vùng vải, tỉnh thực hiện các biện pháp làm sạch với mục tiêu tạo vùng vải không COVID-19. Tỉnh ra kế hoạch, nếu có ca mắc COVID-19 phải đưa ra ngoài điều trị, còn các trường hợp tiếp xúc gần sẽ đưa về thành phố để cách ly, đảm bảo không có dịch ở vùng vải.

"Chúng tôi đã triển khai giám sát chặt chẽ, lập hồ sơ đăng ký, theo dõi, tổ chức xét nghiệm và tiêm phòng COVID-19 với người tham gia các công đoạn từ sản xuất, thu hoạch, bảo quản, vận chuyển, thu mua vải thiều", ông Dương khẳng định.

Khi đã có được vùng vải an toàn, để chứng minh độ an toàn của vải thiều, tỉnh Bắc Giang đã xây dựng bộ hồ sơ chứng minh cho quy trình tạo sản phẩm trước khi xuất bán.

"Bộ hồ sơ bao gồm giấy chứng nhận của UBND huyện về lô vải an toàn, giấy tờ chứng minh những người tham gia sản xuất, tiêu thụ có kết quả âm tính COVID-19. Đáng chú ý, bộ hồ sơ này có thể truy xuất được nguồn gốc để đi qua các chốt kiểm dịch trên cả nước", ông Lê Ánh Dương chia sẻ.  

Khi hoàn thiện hồ sơ trên, tỉnh Bắc Giang cam kết với Chính phủ, người tiêu dùng về mức độ an toàn tuyệt đối của vải thiều.

"Quan điểm của tỉnh là chỉ đưa vải an toàn ra ngoài, tuyệt đối không vì bán thêm được ít vải mà mang dịch cho địa phương khác", lời ông Lê Ánh Dương.

Lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, với những nỗ lực của cả tập thể, bước đầu đã đạt kết quả quan trọng. Đầu tiên là tỉnh có vùng vải tuyệt đối an toàn với COVID-19, cả hai vùng vải Lục Ngạn và Tân Yên đều hoàn toàn không có bệnh nhân F0 và các trường hợp F1, F2. Thứ đến, người tham gia trong chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ đều được kiểm soát về y tế, không sót một ai, đảm bảo thực hiện đúng phương án đặt ra.

Ba kịch bản tiêu thụ vải thiều 

Ngoài việc tạo vùng vải an toàn, tỉnh Bắc Giang xây dựng ba kịch bản tiêu thụ vải thiều. 

"Điều mừng về kết quả là mức độ tiêu thụ vải so với mọi năm không hề giảm từ sản lượng, số lượng tiêu thụ và giá cả vẫn đảm bảo duy trì như mọi năm.

Tỉnh Bắc Giang nhận chứng chỉ bảo hộ địa lý tại Nhật Bản đối với vải thiều

Đặc biệt, đến nay tỉnh đã tiêu thụ hơn 50.000 tấn vải sớm tại Tân Yên và Lục Ngạn. Việc tiêu thụ đảm bảo cơ cấu khi xuất khẩu 30%. Vải Bắc Giang đã sang thị trường Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Singapore", ông Lê Ánh Dương nói và cho biết, kết quả trên có sự kế thừa kinh nghiệm từ việc tiêu thụ vải trong mùa dịch năm trước.  

Năm nay, tỉnh Bắc Giang còn được Nhật Bản chính thức cấp bảo hộ chỉ dẫn địa lý vải thiều Lục Ngạn. Khi có bảo hộ này gần như khẳng định thương hiệu vải thiều, chứng minh chất lượng quả vải tại Nhật Bản.

"Xuất khẩu vải sang thị trường Nhật Bản là sự khẳng định về giá trị được kiểm chứng của vải thiều Bắc Giang. Từ đó, khi tiêu thụ tại các thị trường khác, đặc biệt là xuất sang Trung Quốc sẽ đạt giá trị cao", ông Dương chia sẻ.

Nguồn: Vietnamnet

Tin mới