Thiếu tiền trả nhà thầu
Theo tiến độ, đến thời điểm hiện nay, dự án đường sắt đô thị (metro) Nhổn - ga Hà Nội thi công hơn 49% khối lượng. Tuy nhiên, một số nhà thầu cho biết, họ chưa nhận được thanh toán theo hợp đồng, có hạng mục nợ tiền thanh toán cả năm. Do vậy một số nhà thầu vừa có ý kiến nếu chủ đầu tư không thanh toán cho các khoản này, họ sẽ dừng thi công các phần việc còn lại.
Trước đó, nhiều công nhân thi công cầu vượt, trong đó có đoạn qua cầu vượt Mai Dịch, qua cầu vượt Cầu Giấy… đã xong trong năm 2018, tuy nhiên đến nay chưa nhận được lương. Do bị nợ lương kéo dài, nhiều công nhân thi công tại hạng mục đường ray vượt cầu vượt Mai Dịch, vượt Cầu Giấy căng băng rôn tập trung trước trụ sở các đơn vị liên quan đòi lương.
Metro Nhổn - ga Hà Nội vừa bị nhà thầu "dọa" dừng thi công do chậm thanh toán chi phí.
Theo tìm hiểu của PV, hiện tiến độ thi công các gói thầu của toàn bộ dự án Nhổn- ga Hà Nội đều đang gặp khó khăn do kế hoạch vốn trung hạn chưa được giải ngân, dẫn tới nhu cầu vốn cho năm 2019 chưa được bố trí đủ để thanh toán. Năm 2019, nhu cầu vốn cho dự án là 1.282 tỷ đồng, nhưng đến quý 2/2019 mới bố trí được 84 tỷ đồng, tương đương 6,5%.
Trước tình hình các nhà thầu “dọa” dừng thi công, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung vừa có văn bản gửi Thủ tướng về việc đẩy nhanh tiến độ bổ sung kế hoạch vốn trung hạn 2016 - 2020 từ trung ương, trong đó có thể cho phép thành phố tạm ứng vốn ngân sách thành phố trong trường hợp chậm cấp phát nguồn vốn này cho dự án metro Nhổn - ga Hà Nội.
Cũng theo đại diện UBND thành phố Hà Nội, do vướng trần kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 nên dự án chỉ được giao kế hoạch vốn nước ngoài cấp phát từ ngân sách trung ương năm 2018 là hơn 310 tỷ đồng, trong khi, khối lượng thực hiện theo tiến độ là hơn 695 tỷ đồng. Do vậy, hiện chủ đầu tư đang nợ thanh toán khối lượng đã thực hiện xong của các nhà thầu trong năm 2018 là hơn 390 tỷ đồng.
Sau khi UBND thành phố Hà Nội có báo cáo thực trạng trên và đề nghị lãnh đạo Chính phủ có giải pháp tháo gỡ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký quyết định xử lý sự việc. Theo đó, bố trí vốn trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 cho các dự án đầu tư công, trong đó có dự án metro Nhổn - ga Hà Nội.
Với dự án metro Nhổn - ga Hà Nội, dự án sẽ được các bộ ngành liên quan như Tài chính, KH&ĐT thống nhất giải ngân 3.000 tỷ đồng vốn trung hạn cho 2 năm 2019 và 2020. Thủ tướng cũng cho chủ trương thành phố Hà Nội bố trí toàn bộ vốn đối ứng của Chính phủ để giải ngân cho dự án.
Tuy nhiên, lãnh đạo Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội (chủ đầu tư) cho biết, dự án đến nay vẫn chưa nhận được khoản giải ngân này.
Hà Nội phải trả nợ 98 triệu USD cho dự án Cát Linh - Hà Ðông
Tại dự án đường sắt đô thị khác là Cát Linh - Hà Đông, một nội dung cũng đang thu hút sự quan tâm của dư luận những ngày qua là để có kinh phí vận hành, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung trình HĐND thành phố về khoản vay 98 triệu USD (khoảng 2.300 tỷ đồng).
Lý giải về việc này, đại diện UBND thành phố Hà Nội cho biết, theo quy định của Luật Ngân sách, dự án chỉ được Chính phủ cấp phát kinh phí xây dựng, còn kinh phí vận hành khai thác tương đương 98 triệu USD sẽ do thành phố Hà Nội (đơn vị sử dụng) được bố trí nguồn vay để chi trả. Khi dự án đi vào hoạt động, thành phố Hà Nội sẽ bố trí nguồn hàng năm để trả dần cho ngân sách trung ương.
“Khoản tiền này vẫn nằm trong tổng mức đầu tư của dự án. Đây là phần kinh phí sử dụng cho các hạng mục như hệ thống kiểm soát vé tự động, hệ thống thiết bị công nghệ bảo dưỡng đoàn tàu, mua sắm đầu máy, toa xe, đào tạo và chuyển giao công nghệ và một số thiết bị phụ trợ”, đại diện UBND thành phố Hà Nội thông tin.
Lãi suất khoản vay lại cũng được tính toán là 4%/năm, trong trường hợp bên vay là UBND thành phố Hà Nội không trả nợ đúng hạn sẽ phải chịu lãi phạt chậm trả bằng 150% lãi suất cho vay lại, tính cho số ngày quá hạn.