Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Chống lãng phí sách giáo khoa ở Nhật Bản và bài học cho Việt Nam

Khác Việt Nam, Bộ GD&ĐT Nhật Bản không trực tiếp làm sách giáo khoa mà chỉ giữ vai trò đặt ra quy chế, theo dõi việc thực hiện, thẩm định, cấp phép cho các bộ sách đủ điều kiện.

Dưới đây là bài viết của tác giả Nguyễn Quốc Vương về việc chống lãng phí sách giáo khoa ở Nhật Bản và bài học cho Việt Nam.

Sau cuộc tranh luận xung quanh sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1 Công nghệ Giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại, nhiều người chỉ tập trung việc đánh vần mà chưa chú ý một chuyện hệ trọng hơn là bản chất và số phận của cơ chế “một chương trình, nhiều sách giáo khoa”.

Vấn đề này càng trở nên bức thiết khi dư luận bức xúc trước thực trạng sách giáo khoa bị đánh giá lãng phí cả nghìn tỷ đồng mỗi năm và câu chuyện Bộ GD&ĐT độc quyền kéo dài hàng chục năm qua.  

 

Bước đi dò dẫm và rón rén

Sau năm 1945, dù đã trải qua 3 cuộc cải cách lớn, sách giáo khoa được biên soạn lại nhiều lần ở các cấp nhưng về cơ bản Việt Nam vẫn thực hiện nhất quán chế độ “một chương trình, một bộ sách giáo khoa”.

Cũng có thể gọi cơ chế này một cách “học thuật” hơn là “sách giáo khoa quốc định”. Nghĩa là theo sự vận hành, điều chỉnh của cơ chế này, cả nước, bất chấp sự khác biệt vùng miền và đối tượng học sinh, dùng thống nhất một chương trình, một bộ sách giáo khoa do Bộ GD&ĐT biên soạn, phát hành.

Đi cùng sự tồn tại lâu dài của cơ chế trên là hệ thống hành chính giáo dục tập quyền cao độ. Bộ GD&ĐT có quyền hạn lớn, tiến hành chỉ đạo trên toàn quốc, đến tận từng trường, môn học, thậm chí từng khối lớp, bài giảng của giáo viên cả ở phương diện nội dung và phương pháp giáo dục.

Chính vì vậy, nhìn vào thực tế sẽ thấy một hiện tượng kỳ lạ trong con mắt của các nhà nghiên cứu, quản lý giáo dục trên thế giới: Giáo viên dạy bài học nào đó đồng loạt cho một khối lớp trong cùng một ngày, cùng một nội dung và phương pháp tương tự nhau.

Thậm chí, nếu ai đó khó tính hay cẩn thận lấy giáo án của giáo viên và vở ghi của học sinh đem so sánh, người ta sẽ thấy chúng giống nhau đến độ khó tin. Những gì ghi chép trong vở của học sinh thường là phần nội dung trong giáo án của giáo viên với phần chủ đạo là tóm tắt kiến thức từ sách giáo khoa.

Trong khi Việt Nam rón rén và dò dẫm học hỏi cơ chế “một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa”, nhiều nơi trên thế giới đã thực hiện. Trung Quốc hiện tại cũng có nhiều nhà xuất bản làm sách giáo khoa. Nhật Bản cũng thực hiện cơ chế này từ lâu.

Như vậy, trong cơ chế này, nội dung giáo dục thực tế là nội dung sách giáo khoa và vai trò của người thầy chỉ truyền đạt, diễn giải, minh họa nội dung kiến thức sách giáo khoa. Những giáo viên được tiếng là dạy giỏi trong các cuộc thi trên thực tế chỉ là người minh họa và diễn giải SGK giỏi hơn, khéo léo hơn, dễ hiểu hơn đồng nghiệp.

Trên thực tế, với sự ngự trị của cơ chế “một chương trình, một sách giáo khoa”, các “thực tiễn giáo dục” mang đậm dấu ấn cá nhân người làm sách. Triết lý giáo dục riêng của giáo viên cùng tâm huyết sáng tạo của họ đã không được khuyến khích và phát triển.

Vì thế, rất khó có thể nhận ra dấu vết của thực tiễn giáo dục ở Việt Nam. Logic dễ hiểu đi kèm là giáo viên chỉ trao đổi cho nhau giáo án hay dự giờ, mà không có việc công bố, nghiên cứu thực tiễn giáo dục của đồng nghiệp.

Tất nhiên, những vấn đề về giáo dục trường học ở Việt Nam có nhiều nguyên nhân, bao gồm cả các yếu tố rất to lớn, cơ bản chứ không phải riêng sách giáo khoa viết không hay hoặc do sự tồn tại của cơ chế "một chương trình, một bộ sách giáo khoa".

Tuy nhiên, cơ chế này cũng là những cản trở cơ bản. Vì vậy, dù do dự, trì hoãn, cuối cùng, Bộ GD&ĐT cũng chấp nhận "một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa" và Quốc hội đã phê chuẩn.

Dù vậy, việc thực hiện nó trên thực tế đang gặp rất nhiều khó khăn do cơ chế pháp lý không đồng bộ. Thậm chí, đáng ngại hơn, nó có thể bị trì hoãn thực thi khi việc biên soạn sách giáo khoa bị chậm về tiến độ và dư luận đang nhắm vào chỉ trích sách giáo khoa không phải của Bộ GD&ĐT.

Video: Lý do phụ huynh "tẩy chay" SGK do nhà trường bán

"Một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa" là tất yếu

Trong khi Việt Nam rón rén và dò dẫm học hỏi cơ chế này, rất nhiều nơi trên thế giới đã thực hiện. Trung Quốc hiện tại cũng có rất nhiều nhà xuất bản tham gia làm sách giáo khoa. Một nước khác ở châu Á là Nhật Bản cũng đã thực hiện cơ chế này từ lâu.

Sau khi thất trận trong Chiến tranh thế giới thứ hai và cải cách phục hưng, dân chủ hóa đất nước, từ năm 1947, các bộ luật giáo dục của Nhật Bản như Luật giáo dục cơ bản, Luật giáo dục trường học, khẳng định triết lý giáo dục tạo nên những công dân dân chủ có phẩm chất, năng lực, thái độ phù hợp xã hội “hòa bình, dân chủ và tôn trọng nhân quyền”.

Ba nguyên lý trụ cột của Hiến pháp 1946 khẳng định Nhật Bản thực hiện chế độ sách giáo khoa kiểm định. Bộ GD&ĐT không trực tiếp làm sách giáo khoa mà chỉ giữ vai trò đặt ra quy chế, theo dõi việc thực hiện quy chế, thẩm định, cấp phép các bộ sách đủ điều kiện để trở thành sách giáo khoa.

Các nhà xuất bản tư nhân sẽ tự chủ toàn bộ, từ bản thảo, tác giả đến kinh phí. Nhà nước chỉ xét duyệt, yêu cầu sửa chữa bản thảo và công bố các cuốn sách đạt yêu cầu. Như vậy, không có chuyện Nhà nước bỏ tiền ra đầu tư cho bản thảo để rồi sau đó chính mình (Bộ GD&ĐT) xét duyệt bản thảo đó.

Chuyện làm sách là của các tác giả và nhà xuất bản. Nếu sách tốt, được xét duyệt, nhiều nơi chọn, họ có lợi nhuận để tái sản xuất, còn không sẽ phá sản. Quy luật cạnh tranh với cơ chế minh bạch, công bằng sẽ tạo ra kết quả như thế.

Tất nhiên, để đi tới cơ chế này, nước Nhật cũng phải trải qua rất nhiều thăng trầm. Ban đầu, khi cuộc cải cách Minh Trị Duy tân diễn ra, Nhà nước mới cho dù tán thành mô hình phương Tây, vẫn chưa có điều kiện với tay tới mọi ngõ ngách của giáo dục theo kiểu tập quyền.

Các nhà xuất bản tư nhân ở Nhật tự chủ toàn bộ, từ bản thảo, tác giả đến kinh phí làm sách giáo khoa. Nhà nước chỉ xét duyệt, yêu cầu sửa chữa và công bố sách đạt yêu cầu. Không có chuyện Nhà nước bỏ tiền đầu tư bản thảo sau đó chính mình (Bộ GD&ĐT) xét duyệt bản thảo đó.

Vì vậy, trong khoảng 10 năm đầu thời Minh Trị, các trường học ở Nhật được tự do lựa chọn sách giáo khoa. Nhiều cuốn sách của Fukuzawa Yukichi - nhà khai sáng người Nhật đương thời - như Tây Dương sự tình, Thế giới quốc tận, Khuyến học…, được chọn làm sách giáo khoa.

Sau khi Hiến pháp đại đế quốc Nhật Bản ra đời (1889), Nhà nước Minh Trị bắt đầu có xu hướng quản trị giáo dục theo hướng tập quyền mạnh, dần dần chế độ tự do lựa chọn sách giáo khoa chuyển thành “công nhận” và “đăng ký”.

Nghĩa là, các cuốn sách muốn được sử dụng như sách giáo khoa trong trường học thì phải được các trường kê khai, đăng ký để Nhà nước công nhận.

Kết cục là chính Fukuzawa Yukichi cuối đời cũng thốt lên kinh ngạc khi biết Thiên hoàng Minh Trị ra lệnh loại bỏ nhiều cuốn sách khai sáng của ông khỏi trường học.

Khi Nhật Bản rơi vào vòng xoáy của chủ nghĩa phát xít, chế độ sách giáo khoa quốc định được thực thi suốt thời gian dài cho đến năm 1947.

Với những nước khác, xem xét kỹ cũng sẽ thấy quá trình diễn tiến của chế độ sách giáo khoa tương tự. Đó là quá trình chuyển mình từ tập quyền - độc quyền sang phân quyền, từ kiểm soát sang dân chủ và tự chủ. Ở nhiều nước khác trên thế giới, điển hình là các nước Bắc Âu, sách giáo khoa đã hoạt động theo cơ chế tự do.

Ở Nhật Bản sắp tới, khi thực hiện chương trình mới (công bố năm 2017), các nhà xuất bản sách giáo khoa có khả năng sẽ in kèm phần phụ lục hay cước chú cả thông tin yêu cầu chỉnh sửa, ý kiến của người xét duyệt và quan điểm của tác giả về các vấn đề còn tranh cãi để “quốc dân” có quyền tiếp cận và phê phán.

Lợi và hại của cơ chế “một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa”

Cơ chế "một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa" nếu được vận dụng tốt với cơ chế minh bạch, công khai, sẽ đem lại nhiều cái lợi.

Cái lợi thứ nhất là tiết kiệm được chi phí làm sách giáo khoa khi Nhà nước không phải bỏ tiền đầu tư bản thảo, nuôi tác giả và trả nhuận bút. Tất cả khoản này sẽ là đầu tư của nhà xuất bản. Làm như vậy sẽ tránh được tham ô, tham nhũng trục lợi từ việc biên soạn, in ấn sách giáo khoa - điều đang gây ra sự bức xúc và lo lắng trong nhân dân.

Cái lợi thứ hai là nhiều bộ sách giáo khoa được sử dụng sẽ kích thích giáo viên tự chủ nội dung và phương pháp, thay vì chăm chăm dạy nội dung của sách giáo khoa theo kiểu tóm tắt, minh họa và coi đó như kinh thánh.

Một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa giúp tiết kiệm chi phí khi Nhà nước không phải bỏ tiền đầu tư bản thảo, nuôi tác giả và trả nhuận bút. Làm như vậy sẽ tránh tham ô, tham nhũng trục lợi từ biên soạn, in sách giáo khoa.

Nếu từng giáo viên ý thức rõ ràng về điều đó, cả nước sẽ có hàng triệu nhà cải cách giáo dục, hàng triệu “thực tiễn giáo dục”, tạo ra một cuộc cải cách giáo dục “từ dưới lên” sôi nổi, phong phú và không bao giờ dứt.

Nó sẽ tương tác, thúc đẩy, định hướng “cải cách giáo dục từ trên xuống”. Tính linh động của nó sẽ giúp giáo dục sát hơn, thực tế hơn với từng đối tượng học sinh ở các địa phương và trường học vốn có điều kiện khác nhau.

Cái lợi thứ ba là chất lượng sách giáo khoa được nâng cao dần thông qua cơ chế cạnh tranh bình đẳng. Các nhà xuất bản và tác giả muốn chinh phục giáo viên, phụ huynh, học sinh thì phải không ngừng nâng cao chất lượng, giảm chi phí.

Cái lợi thứ tư là khi trung hòa vai trò tuyệt đối của sách giáo khoa, giáo dục có cơ hội chuyển đổi từ việc truyền đạt tri thức cho học sinh thuần túy để học sinh luyện thi, đạt điểm cao sang lối học truy tìm chân lý, tìm kiếm cách thức giải quyết vấn đề một cách hiệu quả. Cách học đó sẽ làm phát triển văn hóa đọc, phát huy tinh thần sáng tạo trong khoa học, văn hóa, nghệ thuật…

Tuy nhiên, cơ chế “một chương trình, nhiều sách giáo khoa” cũng sẽ có những rủi ro, nhất là trong bối cảnh hệ thống hành chính giáo dục chưa có thay đổi lớn kể từ 1950 tới nay.

Rủi ro thứ nhất là nguy cơ tham nhũng và cạnh tranh không công bằng khi diễn ra sự câu kết, móc ngoặc lẫn nhau giữa những người làm chương trình, biên soạn sách giáo khoa và lựa chọn sách giáo khoa.

Lịch sử giáo dục Nhật Bản cũng từng diễn ra “vụ án sách giáo khoa” như vậy, khi các quan chức giáo dục, giáo viên và giới xuất bản bắt tay nhau tạo ra “liên minh ma quỷ”. Chính Thiên hoàng Minh Trị đã phải chỉ đạo bắt giữ hàng trăm người, trong đó có cả giáo sư đại học và quan chức chính phủ.

Rủi ro thứ hai là ở Việt Nam, trong giai đoạn đầu, có thể diễn ra sự chệch choạc do thiếu các nhà xuất bản có kinh nghiệm và tác giả trình độ cao. Ở Nhật, trong giai đoạn đầu ngắn ngủi từ 1947-1950, bộ giáo dục đã biên soạn một vài cuốn sách giáo khoa “quốc định” khi đã thực hiện chế độ kiểm định cũng là để bù lấp khoảng trống này. Tuy nhiên, sau đó, Nhà nước đã chấm dứt việc đó và trao quyền toàn bộ cho giới dân sự.

Rủi ro thứ ba là do thông tin không đầy đủ, chính xác, người dân - với khát khao có giáo dục tốt - lại phải đối mặt cơ chế "một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa" và cho rằng cả nước phải dùng một bộ sách giáo khoa mới “quy chuẩn” và “đỡ rắc rối”. Cuộc tranh luận bùng lên dữ dội xung quanh cuốn sách Tiếng Việt lớp 1 của GS Hồ Ngọc Đại vừa qua là ví dụ rất sinh động cho nguy cơ này.

Ngăn ngừa nguy cơ tham nhũng, lãng phí

Việt Nam có những lợi thế khi thực hiện "một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa", trong đó có việc học hỏi các nước từng tiến hành chuyển đổi cơ chế như Nhật Bản.

Để ngăn ngừa nguy cơ, phát huy ưu điểm của cơ chế, việc cải cách lại bộ máy, cơ chế hành chính giáo dục theo hướng phân quyền, dân chủ là không thể tránh. Nếu như hành chính công vẫn can thiệp sâu, trực tiếp vào hành chính giáo dục; nếu các cơ quan hành chính giáo dục cấp trên vẫn có thể can thiệp sâu, trực tiếp vào trường học, giáo viên, chuyện lựa chọn sách giáo khoa một cách tự chủ sẽ trở nên khó khăn.

Muốn cạnh tranh công bằng, hạn chế móc ngoặc của các nhóm lợi ích, cơ chế biên soạn sách giáo khoa phải rõ ràng và đảm bảo nguyên tắc phân chia quyền lực, đối trọng, kiểm soát lẫn nhau giữa các bộ phận.

Muốn có cạnh tranh công bằng, hạn chế móc ngoặc của các nhóm lợi ích, cơ chế biên soạn sách giáo khoa phải rõ ràng và đảm bảo nguyên tắc phân chia quyền lực, đối trọng, kiểm soát lẫn nhau giữa các bộ phận như: Ban soạn thảo quy chế, hội đồng thẩm định, các hội đồng tuyển chọn, các tác giả sách giáo khoa và nhà xuất bản.

Ở Nhật Bản, quy chế này được đưa ra từ sau 1947 và liên tục được cập nhật, sửa chữa để bịt các lỗ hổng, ngăn ngừa tối đa vụ việc tiêu cực. Lần chỉnh sửa lớn gần đây nhất là ngày 4/4/1989. Ở đó, quy định rất chi tiết quyền hạn, trách nhiệm của những người liên quan.

Ví dụ, điều 7 quy định về trách nhiệm của Bộ trưởng GD&ĐT, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ như sau: “Bộ trưởng GD&ĐT sẽ quyết định việc kiểm định, quyết định sách đó đủ hay không đủ tư cách là sách giáo khoa và gửi thông báo tới người đăng ký. Tuy nhiên, đối với trường hợp được tái kiểm định sau khi sửa chữa cần thiết, bộ trưởng bảo lưu quyết định và chuyển tới người đăng ký ý kiến kiểm định”.

Hoặc, điều 16 có quy định rõ về hình thức hiển thị thông tin sách đã được kiểm định: “Đối với sách đã hoàn thành kiểm định, ngoài bìa phải có dòng chữ 'Sách đã được Bộ giáo dục kiểm định'. Bìa cũng phải ghi rõ loại trường sử dụng sách này, tên sách và bên trong bìa phải ghi ngày tháng năm kiểm định”.

Mấy năm gần đây, Nhật Bản nảy sinh hiện tượng các nhà xuất bản gửi bản thảo sách đăng ký kiểm định cho hiệu trưởng, giáo viên “đọc góp ý”. Người đọc sau đó nhận quà hay tiền thù lao từ các nhà xuất bản.

Động thái này đã được dư luận Nhật quan tâm đặc biệt và các cơ quan có trách nhiệm của Nhật đã xử phạt những người liên quan, đồng thời sửa đổi quy chế để bịt lỗ hổng. Vì vậy, dù sách giáo khoa luôn là chủ đề tranh luận, người Nhật đang tranh cãi về sách giáo khoa tập trung vào các vấn đề khác chúng ta.

Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng tiến hành miễn học phí và cấp phát sách giáo khoa miễn phí cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 9 (giáo dục nghĩa vụ) từ lâu. Đây là biện pháp đảm bảo công bằng trong cơ hội tiếp cận giáo dục và đảm bảo chất lượng giáo dục công.

Việt Nam cần nghiên cứu sâu, nghiêm túc cơ chế biên soạn và tuyển chọn sách giáo khoa ở các nước tiên tiến để vận dụng thúc đẩy cải cách giáo dục tiến lên, thay vì quay về ôm giữ cơ chế cũ để có cảm giác an toàn.

Ông Nguyễn Quốc Vương là nghiên cứu sinh về giáo dục lịch sử tại ĐH Kanazawa, Nhật Bản. Ông từng là giảng viên khoa Lịch sử, ĐH Sư phạm Hà Nội, hiện là người dịch, viết chuyên nghiệp và hỗ trợ phong trào phát triển văn hóa đọc tại Việt Nam.

Ông viết và dịch nhiều cuốn sách về giáo dục như: Giáo dục Việt Nam học gì từ Nhật Bản? (2017), Môn Sử không chán như em tưởng (2017), Nước Nhật nhìn từ những thứ bình thường (2016), Đi tìm triết lý giáo dục Việt Nam (2017).

Nguồn: Zing News

Tin mới