Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Chọn ngành học nào để không lo thất nghiệp trong tương lai?

(VTC News) -

Trong tương lai, nhiều ngành nghề sẽ biến mất, đặc biệt là những nghề mang tính chất lặp đi lặp lại, do đó thí sinh cần tỉnh táo khi lựa chọn.

Theo quy định của Bộ GD&ĐT, từ ngày 27/4, học sinh lớp 12 trên cả nước sẽ làm hồ sơ dự thi tốt nghiệp THPT và đăng ký nguyện vọng xét tuyển cao đẳng, đại học năm 2021.

Đưa ra lời khuyên cho các thí sinh khi chọn ngành, Giáo sư Nguyễn Trung Việt, Phó Hiệu trưởng Đại học Thủy lợi cho rằng, bài toán chọn ngành chọn nghề không hề dễ trong bối cảnh Cách mạng 4.0. Nhu cầu xã hội (còn gọi là thị trường lao động) là yếu tố luôn biến đổi và ảnh hưởng trực tiếp đến việc lựa chọn nghề nghiệp.

Ông cho rằng, trong giai đoạn nhất định, sẽ có một số ngành cần nhiều nguồn năng lực, nhưng sau một vài năm, nguồn cung nhân lực quá lớn sẽ dẫn đến tình trạng bão hòa và tăng nguy cơ thất nghiệp. Các ngành khoa học cơ bản, đặc biệt là khoa học kỹ thuật sẽ luôn luôn đóng vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển của đất nước.

Thạc sĩ Vũ Chí Thành, Giám đốc Khối Đào tạo, Cao đẳng FPT Polytechnic. (Ảnh: VOV)

Dự báo về nhu cầu nhân lực trong thời gian tới để làm cơ sở cho các thí sinh cân nhắc chọn ngành, chọn nghề, Thạc sĩ Vũ Chí Thành, Giám đốc Khối Đào tạo, Cao đẳng FPT Polytechnic cho rằng, lĩnh vực công nghệ thông tin là hạ tầng của mọi hạ tầng.

Các khối ngành nghề kinh tế - xã hội khác đều phát triển dựa trên nền tảng của công nghệ thông tin. Khối ngành này đang rất khát nhân lực, mỗi năm thiếu khoảng 400.000 nhân lực chất lượng cao. Sức đào tạo của các trường như hiện nay chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường lao động.

Cụ thể, trong nhóm ngành công nghệ thông tin đang nổi lên các ngành liên quan đến thiết kế website, bởi mỗi doanh nghiệp muốn ổn định đều cần có website để quảng bá hình ảnh của mình.

Tiếp đến là ngành Thiết kế đồ họa, kết hợp giữa mỹ thuật với đồ họa, đòi hỏi sinh viên khi ra trường phải lành nghề.

Với khối ngành liên quan đến kinh tế, kinh doanh, ông Thành đánh giá, ngành đang nổi lên là Marketing số. Bởi hiện nay, các doanh nghiệp đều phải hiểu về kinh doanh số, sự xuất hiện trên các nền tảng về mạng xã hội, Google, trên internet và sự xuất hiện của bản thân doanh nghiệp phải giúp giới thiệu được sản phẩm tới khách hàng.

Cũng theo ông Thành, Du lịch, Khách sạn cũng là ngành học hứa hẹn sẽ bùng nổ trong thời gian tới. Những thí sinh muốn theo đuổi ngành này cần xác định rằng ngoại ngữ rất quan trọng.

Ngoài ra, khi xã hội phát triển, nhu cầu làm đẹp rất lớn. Các nhóm ngành nghề như chăm sóc da, móng, tóc, nhuộm tóc, trang điểm, các ngành chăm sóc sức khỏe... cũng sẽ rất phát triển.

Phó giáo sư Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT cho biết, Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 định hướng 2030, trong đó đặc biệt ưu tiên một số lĩnh vực cần chuyển đổi số mạnh mẽ, dẫn dắt hàng đầu như giáo dục, y tế, tài chính ngân hàng, giao thông vận tải, năng lượng mới, tài nguyên môi trường, sản xuất nông nghiệp…

Đó là những định hướng lớn, các trường đại học, cao đẳng, THPT trang bị kỹ năng số cho các em rất sớm. Quá trình chuyển đổi số như vậy sẽ làm cho một số ngành nghề biến mất trong tương lai, đặc biệt những ngành nghề mang tính chất lặp đi lặp lại, ở trình độ kỹ năng thấp thì sẽ bị thay thế.

Hà Cường

Tin mới