Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Choáng với dự án thi khoa học kỹ thuật: Thí sinh sao chép ý tưởng nghiên cứu?

(VTC News) -

Theo chuyên gia, học sinh ít tiếp xúc với phòng thí nghiệm, cơ sở dữ liệu nghiên cứu, thì không thể nghĩ ra được những đề tài, dự án chuyên sâu, hàn lâm.

Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm 2021 có 141 dự án từ 69 đơn vị với 262 học sinh tham gia. Cuộc thi do Bộ GD&ĐT tổ chức từ ngày 25 đến 27/3 tại Huế. Ban tổ chức trao giải cho 91 dự án, trong đó 12 dự án đạt giải nhất, 7 dự án lọt qua vòng phỏng vấn và được lựa chọn dự thi quốc tế.

Tuy nhiên, sau khi đoạt giải dự án "Giường bệnh thông minh hỗ trợ cho người mất chức năng vận động tay chân sử dụng tại nhà" (lĩnh vực thi Hệ thống nhúng) của hai học sinh Nguyễn Trần Đạt và Đinh Hoàng Nam, học sinh trường THPT Hoa Lư A- giải nhất gây tranh cãi.

Các chuyên gia cho rằng, dự án này có phần tên giống với dự án "Giường I.o.T hỗ trợ người mất khả năng vận động tay chân" của em Cao Nguyễn Hùng và Nguyễn Đình Nhật Tân. Dự án này từng đoạt giải nhất Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh Ninh Bình năm 2019, giải nhì thi Khoa học kĩ thuật cấp quốc gia năm 2019. Trùng hợp là hai dự án cùng xuất phát từ trường THPT Hoa Lư A và cùng thầy giáo hướng dẫn, chỉ khác năm dự thi.

Không chỉ vậy, nhiều dự án giành giải nhất năm nay, được chuyên gia đánh giá là những công trình nghiên cứu phức tạp, độ khó vượt xa khả năng của học sinh THPT như: Hỗ trợ phục hồi chức năng bàn tay cho bệnh nhân bị di chứng hậu đột quỵ; phân lập các hợp chất ức chế tăng sinh tế bào cơ trơn động mạch chủ để định hướng phòng và điều trị xơ vỡ động mạch; cải tiến peptit polybia-mp1 ứng dụng trong điều trị ung thư; cảnh báo sớm các rủi ro trong môi trường nuôi tôm bằng trí tuệ nhân tạo.

Học sinh trình bày sản phẩm sáng chế khoa học kỹ thuật. (Ảnh minh hoạ).

Giáo sư Phạm Tất Dong, Phó chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam giật mình khi biết tên 12 dự án đạt giải nhất cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia 2021. Ông càng bất ngờ hơn khi biết rằng tất cả những đề tài, dự án nghiên cứu này được đưa ra bởi các em học sinh THPT.

Giáo sư đặt câu hỏi: "Với độ tuổi từ 15 đến 18 tuổi, học sinh ít có cơ hội tiếp xúc với phòng thí nghiệm, môi trường nghiên cứu, các cơ sở dữ liệu, thử hỏi làm sao nghĩ ra được những đề tài, dự án nghiên cứu có tính chuyên sâu, hàn lâm tới như vậy? Những dự án này có khi những thạc sĩ, tiến sĩ, phó giáo sư cũng ngại ngùng khi bắt tay làm, chưa nói đến những em học sinh cấp 3".

Ông khẳng định rằng, những dự án kiểu như vậy ít nhiều có sự sao chép, "ăn cắp" ý tưởng của các nhà nghiên cứu.

Năm 2018, giáo sư Dong từng nhận được đơn tố cáo và lên tiếng về một dự án nghiên cứu khoa học của học sinh THPT sao chép gần như toàn bộ số liệu, ý tưởng nghiên cứu, mô hình của một giáo sư người Pháp. Đây là sự giả dối đáng báo động không chỉ riêng trong cuộc thi này mà còn nhiều cuộc thi khác hiện nay.

Theo giáo sư, điều đáng trách là những người lớn (thầy cô, bố mẹ...) mang trẻ con ra làm bình phong để khoe thành tích, chạy theo thành tích, ganh đua giữa các địa phương. Nững ý tưởng "ăn cắp" đó không chắc giáo viên đã thực hiện và hiểu hết, chưa nói đến học sinh THPT đang ngồi trên ghế nhà trường mới chỉ tập làm quen với những kiến thức, công nghệ cơ bản.

Ông đề nghị, Bộ GD&ĐT cần rà soát lại chất lượng toàn bộ các dự án đạt giải trong cuộc thi năm nay. Nếu làm thẳng tay nhiều dự án là sao chép hoặc trùng ý tưởng với những công trình nghiên cứu của các trường đại học, các chuyên gia.

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD&ĐT) cho biết, cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học có mục tiêu, tiêu chí rất rõ ràng. Theo đó, học sinh hoàn toàn có thể dựa trên nền tảng, thành tựu khoa học kỹ thuật đương đại để có các ý tưởng mới và đưa ra cách giải quyết vấn đề mà trước đó chưa ai làm. 

Điều này không có nghĩa học sinh phải chọn những vấn đề hoàn toàn mới mẻ. Các em có thể và thậm chí cần phải phát hiện, chọn những vấn đề từng có và đang có các nghiên cứu thành công nhưng đưa ra được những phát hiện, vấn đề, cách giải quyết mới để hoàn thiện hơn, ưu việt hơn.

Sau mỗi cuộc thi đều có những thắc mắc, đặt nghi vấn vào sự nghiêm túc, công bằng của việc chấm giải. Dù vậy, vụ trưởng khẳng định, ban giám khảo gồm nhiều nhà khoa học làm việc nghiêm túc và bám sát các tiêu chí chấm giải.

Những năm gần đây, các cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia có những đề tài quá lớn, quá khó được học sinh lựa chọn. Lý giải về điều này, ông Thành cho rằng, đối tượng của cuộc thi là học sinh ở lứa tuổi 15-18, chuẩn bị bước vào các bậc học cao hơn. Việc các em lựa chọn đề tài để nghiên cứu, sáng chế không thể bó buộc trong giới hạn "chỉ được phép đối với kiến thức phổ thông".

Yêu cầu của cuộc thi là học sinh phải vận dụng kiến thức các môn học được học ở phổ thông để phát triển, thực hiện các dự án. Tuy nhiên, không có nghĩa các em chỉ được sử dụng những kiến thức cơ bản, đại trà.

Đồng thời, trong quá trình thực hiện, các em cũng không làm một mình mà còn cần sự hỗ trợ của giáo viên, cha mẹ trong việc hướng dẫn quy trình nghiên cứu, thực hiện, lựa chọn đề tài, hay là những người thợ hỗ trợ các em trong việc gia công sản phẩm. Tuy nhiên, những ý tưởng mới, cách xử lý vấn đề để đạt được những kết quả mới thì chắc chắn phải là của học sinh.

Thu Phạm

Tin mới