Bộ Công an cho biết từ ngày 1/7, sau khi Luật Căn cước 2020 có hiệu lực, căn cước công dân gắn chip có tích hợp đầy đủ thông tin nên người dân đi giao dịch thủ tục hành chính sẽ không phải mang nhiều loại giấy tờ.
Đề cập tính bảo mật của chip trên thẻ căn cước, Bộ Công an nhấn mạnh chip tuân thủ quy định bảo mật của thế giới và Việt Nam. Trên chip có thực hiện ký số nên khó làm giả, bảo đảm độ tin cậy khi thực hiện giao dịch về tài chính.
Ngoài ra, chip lưu trữ thông tin sinh trắc học (như dấu vân tay) cho phép xác thực, bảo đảm chính xác con người. Thông tin chủ thẻ được định danh, giảm thiểu mọi nguy cơ về giả mạo thẻ.
Chip trên thẻ căn cước công dân có thể lưu trữ 20 trường thông tin công dân. (Ảnh: Việt Linh)
Bộ Công an khẳng định khi đề xuất sử dụng thẻ căn cước gắn chip, cơ quan chức năng đã có phương án bảo mật thông tin được lưu trữ trên chip.
"Phương án này được các đơn vị chuyên môn đánh giá, nghiệm thu, bảo đảm bảo mật trước khi sử dụng", đại diện Bộ Công an nhấn mạnh.
Chip còn có dung lượng lưu trữ lớn, cho phép tích hợp nhiều ứng dụng đi kèm như: Chữ ký số, khóa bảo mật, ứng dụng sinh trắc học nên có thể kết nối rộng rãi cho các dịch vụ công cộng và tư nhân.
Một tính năng khác của chip trên căn cước công dân là sự linh hoạt. Theo Bộ Công an, khi người dân cần bổ sung hoặc sửa thông tin cá nhân trên thẻ, cảnh sát quản lý hành chính có thể truy cập cơ sở dữ liệu để bổ sung ngay lập tức.
Việc cập nhật thông tin sẽ được thực hiện thông qua thiết bị đọc thông tin trên chip, hạn chế việc giả mạo hoặc lộ thông tin bởi quy trình này không cần phải có kết nối mạng.
Ngoài ra, thẻ căn cước gắn chip còn tích hợp mã QR lưu trữ các trường thông tin của công dân đã được cơ quan chức năng xác thực. Khi người dân giao dịch hành chính, dân sự các cơ quan, tổ chức có thể sử dụng chức năng quét mã QR để kiểm tra thông tin nhân thân, số giấy tờ tùy thân cũ.
(Đồ họa: Hà My).