Trong năm 2022, nhiều chính sách mới có hiệu lực thi hành, điều chỉnh các hoạt động liên quan trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội và đời sống người dân. Trong đó, một số chính sách được áp dụng ngay từ ngày 1/1/2022.
Không phân loại rác sẽ bị từ chối thu gom
Đây là điểm mới trong Luật Bảo vệ môi trường 2020, sẽ có hiệu lực từ 1/1/2022. Một trong những nội dung đáng chú ý nhất của luật này là quy định chặt chẽ về nghĩa vụ phân loại rác thải sinh hoạt của mỗi gia đình, cá nhân.
Cụ thể, hộ gia đình, cá nhân không phân loại rác sẽ bị từ chối thu gom, vận chuyển, thậm chí còn bị thông báo cho cơ quan có thẩm quyền kiểm tra và xử lý theo quy định.
Hộ gia đình, cá nhân không phân loại rác sẽ bị từ chối thu gom, vận chuyển, thậm chí còn bị thông báo cho cơ quan có thẩm quyền kiểm tra và xử lý theo quy định.
Hiện nay, theo Nghị định số 155/2016/NĐ-CP năm 2016 của Chính phủ, không phân loại rác có thể sẽ bị phạt từ 15 đến 20 triệu đồng.
Ngoài ra, luật mới cũng quy định giá của dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt sẽ được tính dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại, tức là kể từ ngày 1/1/2022, gia đình, cá nhân nào càng xả nhiều rác thì càng phải trả nhiều tiền.
Vi phạm giao thông bị phạt đến 75 triệu đồng
Đây là một trong những điểm mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.
Theo đó, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020 có hiệu lực quy định, hành vi vi phạm giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa có thể chịu mức phạt tiền tối đa lên tới 75 triệu đồng.
Từ ngày 1/1/2022, vi phạm giao thông có thể bị phạt lên đến 75 triệu đồng.
Hiện nay, theo quy định tại Điều 24, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 thì mức xử phạt vi phạm hành chính tối đa trong lĩnh vực giao thông đường bộ đối với cá nhân là 40 triệu đồng.
Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020 cũng sửa đổi quy định về số tiền được hoãn thi hành áp dụng cho cá nhân theo xu hướng giảm số tiền được hoãn phạt từ 3 triệu đồng trở lên xuống còn 2 triệu đồng trở lên đối với những cá nhân đang gặp khó khăn về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh, mắc bệnh hiểm nghèo.
Giá xăng dầu 10 ngày điều chỉnh 1 lần
Nghị định 95 sửa đổi Nghị định 83 về kinh doanh xăng, dầu có hiệu lực từ ngày 2/1/2022, trong đó giá xăng dầu sẽ được điều chỉnh vào các ngày mùng 1, ngày 11 và ngày 21 hàng tháng (tức là 10 ngày một lần). Nếu trùng vào ngày nghỉ, ngày lễ thì được lùi sang ngày làm việc tiếp theo sau ngày nghỉ; nếu trùng vào dịp nghỉ Tết Nguyên đán thì được lùi sang kỳ điều chỉnh tiếp theo.
Giá xăng dầu sẽ được điều chỉnh 10 ngày 1 lần vào các ngày mùng 1, ngày 11 và ngày 21 hàng tháng.
Trước đây, Nghị định 83/2014 quy định khoảng cách giữa hai lần điều chỉnh giá liên tiếp tối thiểu là 15 ngày đối với trường hợp tăng giá, tối đa là 15 ngày đối với trường hợp giảm giá.
Việc rút ngắn khoảng cách giữa hai lần điều chỉnh giá, xăng của Nghị định 95 được cho là nhằm tránh tình trạng tăng giá sốc, giảm giá chậm như hiện nay.
Thay đổi cách tính thuế với người cho thuê nhà
Thông tư 100 của Bộ Tài chính với quy định mới về cách tính thuế đối với người cho thuê nhà sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.
Theo Thông tư 40 được ban hành trước đó không lâu, cá nhân cho thuê nhà không phát sinh doanh thu đủ 12 tháng trong năm dương lịch, thì mức doanh thu từ 100 triệu đồng một năm trở xuống để xác định cá nhân cho thuê nhà không phải nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân là doanh thu tính thuế thu nhập cá nhân của một năm dương lịch (12 tháng).
Thông tư 100 điều chỉnh lại quy định, nếu cá nhân chỉ có hoạt động cho thuê nhà, thời gian cho thuê không trọn năm, doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống thì mới không thuộc diện phải nộp thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân.
Tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động
Theo quy định tại Điều 169 Bộ luật Lao động 2019, năm 2022, tuổi nghỉ hưu của lao động nam và nữ tiếp tục được điều chỉnh tăng.
Cụ thể, năm 2022, lao động nam được nghỉ hưu khi đủ 60 tuổi 6 tháng, tăng 3 tháng so với tuổi nghỉ hưu quy định của năm 2021, lao động nữ được nghỉ hưu khi đủ 55 tuổi 8 tháng, tăng 4 tháng so với năm 2021.
Trong trường hợp sức khỏe suy giảm hoặc làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, hoặc làm việc ở vùng đặc biệt khó khăn, người lao động có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn 5-10 tuổi so với độ tuổi quy định nêu trên.
Trong trường hợp sức khỏe suy giảm hoặc làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, hoặc làm việc ở vùng đặc biệt khó khăn, người lao động có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn 5-10 tuổi so với độ tuổi quy định.
Việc tăng tuổi nghỉ hưu hàng năm của người lao động nhằm tiến tới đến 2028, nam nghỉ hưu khi đủ 62 tuổi và nữ nghỉ hưu khi đủ 60 tuổi.
Thời điểm nghỉ hưu được xác định từ khi kết thúc ngày cuối cùng của tháng đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định. Còn thời điểm người lao động được nhận lương hưu là bắt đầu ngày đầu tiên của tháng liền kề sau thời điểm nghỉ hưu.
Đối với trường hợp người lao động tiếp tục làm việc sau khi đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định thì thời điểm nghỉ hưu là thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động.
Tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội
Kể từ 1/1/2022, mức lương hưu và mức trợ cấp của người lao động chính thức được tăng theo Nghị định 108 của Chính phủ về điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng.
Mức tăng sẽ là 7,4% so với mức lương hưu, mức trợ cấp bảo hiểm xã hội của tháng 12/2021.
Người lao động sẽ được hưởng mức tăng lương hưu, BHXH từ 20/1/2022.
Sau khi thực hiện điều chỉnh theo mức tăng trên mà mức lương hưu, trợ cấp Bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng vẫn thấp hơn 2,5 triệu đồng/tháng, người nghỉ hưu trước năm 1995 còn được tăng thêm. cụ thể, Tăng 200.000 đồng/người/tháng nếu có mức hưởng từ 2,3 triệu đồng/người/tháng trở xuống; hoặc tăng lên bằng 2,5 triệu đồng/người/tháng nếu có mức hưởng từ 2,3 triệu đồng đến dưới 2,5 triệu đồng/người/tháng.