Văn phòng Chính phủ mới đây phát đi văn bản cho biết đã nhận được đơn yêu cầu xem xét khẩn cấp của một số doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đề ngày 10/3/2023 gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính về đề nghị hoàn trả phần lợi nhuận và chi phí kinh doanh định mức cho doanh nghiệp và việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu.
Về việc này, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái giao các Bộ: Công Thương, Tài chính theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền xem xét các kiến nghị của một số doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu theo quy định và có văn bản trả lời cho doanh nghiệp; Nghiên cứu các kiến nghị nêu trên trong quá trình sửa đổi, bổ sung Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 1/11/2021, Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 về kinh doanh xăng dầu, bảo đảm khoa học, hài hoà, hợp lý, đúng quy định pháp luật.
Chính phủ vừa yêu cầu nghiên cứu kiến nghị của doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu về việc đảm bảo chi phí.
Trước đó, Văn phòng Chính phủ nhận được đơn yêu cầu xem xét khẩn cấp của một số doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu liên quan đến các chi phí kinh doanh định mức, hoàn trả lợi nhuận cho doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu.
Theo các doanh nghiệp, trong giá cơ sở từ khi ban hành Thông tư 104 của Bộ Tài chính ngày 18/11/2021 đều có liệt kê tính gồm: Chi phí kinh doanh định mức là 1.050 đồng/lít và lợi nhuận định mức là 300 đồng/lít.
Trong phần chi phí trên, quy định đã nêu rõ là cả khâu bán buôn và khâu bán lẻ. Tuy nhiên, Thông tư 104 không ghi rõ tỷ lệ phân chia ở khâu bán buôn là bao nhiêu và khâu bán lẻ là bao nhiêu, nên doanh nghiệp đầu mối đã lợi dụng kẻ hở này để hưởng gần như hầu hết phần chi phí này. Họ phân chia cho doanh nghiệp bán lẻ theo dạng “ban phát”.
Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến hơn một năm qua, doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu phải dùng tiền túi để bù lỗ, nhằm duy trì hoạt động kinh doanh.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp bán lẻ cho rằng họ phải tự kinh doanh độc lập, hạch toán độc lập, thực hiện các nghĩa vụ về ngân sách Nhà nước độc lập nhưng không được hưởng đầy đủ phần lợi ích về chi phí kinh doanh định mức và lợi nhuận phải được hưởng.
“Doanh nghiệp bán lẻ mua hàng của doanh nghiệp đầu mối hoặc thương nhân phân phối theo dạng mua đứt bán đoạn và có nhiều tháng thù lao bằng 0 đồng, thậm chí là âm, nên về bản chất đây không phải là hoạt động đại lý. Như vậy, doanh nghiệp bán lẻ phải được chia phần chi phí định mức và lợi nhuận định mức theo quy định. Liên bộ Tài chính - Công Thương cần thành lập Hội đồng để phân chia lại giá trị của 1.350 đồng chi phí định mức và lợi nhuận định mức này xem doanh nghiệp bán lẻ nhận được bao nhiêu đồng? Từ đó làm cơ sở cho việc phân chia chi phí cơ bản này trong Nghị định mới và làm cơ sở quay ngược lại truy thu phần mà doanh nghiệp bán lẻ chưa được hưởng”, đại diện một doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đề xuất.