Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Chiêu trò dối trá trong 'nghề' livestream của sao mạng Trung Quốc

Ngành công nghiệp livestream khổng lồ của Trung Quốc đầy rẫy những trò gian lận, mánh khóe, nhiều chủ doanh nghiệp trả tiền cho sao mạng bị lừa đắng cay.

Buổi livestream trôi qua một nửa, Li Huida bắt đầu lo sợ. Nữ giám đốc phụ trách tiếp thị của một công ty đồ ăn ở thành phố Tô Châu (miền đông Trung Quốc) nghi ngờ mình đã bị lừa.

Ban đầu, mọi thứ có vẻ ổn. Lượt thích và bình luận liên tục xuất hiện, người xem phản ứng rất tích cực với sản phẩm mà ngôi sao mạng đang giới thiệu.

Nhưng khi kiểm tra công cụ theo dõi doanh số bán hàng, Li ngã ngửa. Số lượng bán ra không hề tăng. Đến khi click vào các tài khoản, cô nhận ra tất cả đều là nick ảo, thông tin giả.

"Book" người nổi tiếng livestream bán hàng - cách mà đa số nhãn hiệu ở Trung Quốc tin rằng sẽ khiến doanh thu bùng nổ. (Ảnh: Reuters)

"Toàn bộ buổi phát trực tiếp bán hàng này là trò lừa đảo”.

Một cuộc điều tra gần đây của Sixth Tone phát hiện ra ngành công nghiệp livestream khổng lồ của Trung Quốc đầy rẫy những trò gian lận, mánh khóe nhằm tăng lượt xem, doanh thu.

Thổi phồng con số

Sự việc là một thảm họa đối với Li. Nhóm của Li đã trả trước cho sao mạng kia 200.000 nhân dân tệ và dữ trự thêm hơn 4.000 hộp đồ ăn vì tin chắc doanh số bán ra sẽ bùng nổ.

Người có ảnh hưởng mà Li thuê có gần 2,5 triệu lượt theo dõi trên Douyin và mỗi buổi phát sóng trực tiếp có gần 120.000 người xem. Dù thấy nước đi khá mạo hiểm, Li vẫn tin nó sẽ hiệu quả.

Nhưng cuối cùng, họ không thu về lại nổi một khoản nào. “Ngoài thiệt hại tài chính, chúng tôi còn thấy bẽ mặt. Phần còn lại của công ty xì xào việc nhóm tôi bị lừa thảm hại”.

Tháng 11 năm ngoái, ngành livestream bán hàng bị bóc trần một loạt bê bối lừa đảo. Các công ty quản lý bị cáo buộc dùng nhiều chiêu mờ ám để tạo ra độ nổi tiếng giả.

Ông hoàng son môi Trung Quốc Lý Giai Kỳ. (Ảnh: Reuters)

Sau buổi phát trực tiếp do MC nổi tiếng Wang Han tổ chức, các công ty phàn nàn gần 80% doanh thu bán hàng trong chương trình bị hủy bỏ sau đó. Vài ngày sau, 3 nhãn hàng báo cáo với cảnh sát về Yang Kun, cựu giám khảo của The Voice of China với lý do tương tự.

Diễn viên hài Li Xueqing từng tổ chức một buổi phát trực tiếp thu hút 3,11 triệu lượt xem. Nhưng theo một báo cáo trên Tencent News, con số thật chỉ khoảng 100.000 người.

Những gì được phơi bày chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Một nhân viên giấu tên nói với Sixth Tone rằng các công ty luôn tìm cách đánh bóng các con số, bởi điều này quyết định số tiền thu về.

Người này cho hay công ty mình dùng ít nhất 5 công cụ “nhấp chuột” trong mỗi buổi phát sóng. Nếu khách hàng phàn nàn về doanh số, công ty sẽ thường xoa dịu bằng cách cho “book” miễn phí một sao mạng khác.

Chủ của một cơ sở chuyên cung cấp cách tăng view, hack like ở tỉnh An Huy cho biết có thể tăng thêm 10.000 lượt theo dõi cho một tài khoản bất kỳ trong 6 tiếng. Với gói đắt tiền hơn, các nick ảo sẽ có ảnh đại diện, thông tin đẹp, "các nền tảng sẽ không bao giờ phát hiện ra”.

Đằng sau con số lượt xem "khủng" và những lần chốt đơn liên tiếp là những dữ liệu ảo. (Ảnh: Sixth Tone)

Tháng 7 năm ngoái, Hiệp hội Quảng cáo Trung Quốc chính thức cấm các biện pháp hack like, tăng view ảo.

Ngay sau khi biết tin, anh ta đóng cửa hàng trực tuyến của mình trên mạng, chỉ chấp nhận giao dịch từ khách quen trước đây. Khi tình hình lắng xuống, một cửa hàng khác được thành lập với cái tên mới.

Thua lỗ lớn

Trong một năm mà ngành livestream nở rộ dưới tác động của đại dịch, những trò lừa đảo từ công ty quản lý càng nhan nhản hơn.

Ở trong nhà, không thể đến cửa hàng truyền thống, người tiêu dùng Trung Quốc đổ sang mua hàng qua livestream. Theo công ty nghiên cứu iResearch, số lượng người xem phát trực tiếp ở Trung Quốc ước tính đã tăng gấp 8 lần lên hơn 500 triệu vào năm ngoái.

Có thời điểm, các ca sĩ, diễn viên điện ảnh hàng đầu, các ông trùm kinh doanh đều có mặt trên sóng livestream.

Các công ty quản lý luôn cố tình thổi phồng các chỉ số thể hiện độ nổi tiếng để dễ kiếm lời. (Ảnh: Sixth Tone)

Xu hướng này trao quyền lực to lớn cho các công ty quản lý người có ảnh hưởng. Để giữ chỗ cho hợp đồng quảng cáo, các nhãn hàng, thương hiệu có thể phải trả vài trăm nghìn tệ.

Nhưng đến cuối năm 2020, tình thế dần thay đổi. Trung Quốc dần phục hồi kinh tế và lượng người xem livestream giảm dần đều. Các thương hiệu phàn nàn họ thua lỗ lớn so với những gì bỏ ra.

Với mối đe dọa lừa đảo luôn hiện hữu, các thương hiệu Trung Quốc đang cố gắng tự bảo vệ mình bằng mọi cách. Các hội nhóm lớn được lập trên mạng xã hội, chia sẻ “danh sách đen” những người phát trực tiếp gian dối.

Những cái tên được liệt kê bao gồm một số người nổi tiếng với hàng triệu người theo dõi. Hầu hết chỉ bán được dưới 20 món đồ trong buổi phát sóng, nhưng đã có khách hàng phải trả thù lao cả 1 triệu nhân dân tệ.

Tuy nhiên, nhiều công ty không sẵn sàng đối đầu trực tiếp với những kẻ xấu. Lý do là họ vẫn coi livestream bán hàng là cách không thể bỏ và dù không muốn vẫn phải tiếp tục làm việc với các công ty quản lý.

Sau khi Li yêu cầu bồi thường, công ty quản lý đưa ra đề nghị trả lại 30% số tiền, tức 60.000 nhân dân tệ trong 6 tháng. Không đồng ý, phía công ty của cô đệ đơn kiện lên tòa án ở Thiên Tân.

Vào tháng 3, tòa án ra phán quyết có lợi cho công ty của Li. Tuy nhiên, kiện tụng không phải là giải pháp thiết thực bởi tốn kém, nguyên đơn dễ bỏ cuộc.

Li cũng tham gia vào một nhóm trong nỗ lực tránh bị lừa lần nữa trong tương lai. Nhưng thật tâm, các thành viên hiểu rằng việc thuê sao mạng livestream "rủi ro như đánh bạc và là xu hướng điên rồ mà chúng tôi không thể ngăn lại”.

Nguồn: Zing News

Tin mới