Trưa 21/6, TP.HCM tổ chức họp báo cung cấp thông tin về chiến dịch tiêm chủng vaccine COVID-19 tại thành phố.
Chỉ trì họp báo, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết, trong số 1 triệu liều vaccine mà Chính phủ Nhật Bản tặng Việt Nam, thành phố đã nhận được 836.000 liều.
Trong đó 30.000 liều giao Bộ Quốc phòng để tiêm cho lực lượng vũ trang, 20.000 liều được chỉ định cho lực lượng công an gồm 18.000 liều cho Công an TP.HCM, 2.000 còn lại được tiêm cho cán bộ công an thuộc Bộ Công an đóng trên địa bàn.
"TP.HCM được giao nhiệm vụ tiêm 804.000 liều vaccine trong thời gian rất gấp, bắt đầu từ ngày thứ 7 và chiều nay sẽ triển khai tiêm đại trà. Hy vọng chiến dịch triển khai đúng như kế hoạch mong muốn là 5 ngày, an toàn và trơn tru", ông Đức cho biết.
Theo ông Đức, đây là chiến dịch tiêm chủng lớn nhất thành phố với tốc độ triển khai thần tốc trong 7 ngày. Chiến dịch diễn ra trước khi thành phố đánh giá lại tình hình dịch bệnh để có những quyết sách quan trọng tiếp theo.
Thành phố tổ chức các điểm tiêm trong cộng đồng với số lượng 650 điểm/ngày tại Trung tâm y tế, trạm y tế và các điểm lưu động.
Để đảm bảo việc giãn cách trong quá trình tiêm chủng, mỗi điểm tiêm chỉ thực hiện cho 200 người/ngày. Nếu thực hiện đúng tiến độ, trong một ngày, khoảng 200.000 người sẽ được tiêm chủng. Dự kiến, chiến dịch hoàn thành trước ngày 27/6.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức.
Tại họp báo, ông Phạm Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, hơn 5.000 nhân viên y tế thuộc 1.032 đội tiêm, từ 547 đơn vị tham gia chiến dịch tiêm chủng này.
Mỗi đội tiêm có ít nhất 5 nhân viên trình độ chuyên môn, gồm một bác sĩ khám sàng lọc, 2 nhân viên tiêm vaccine, một bác sĩ và một điều dưỡng phụ trách theo dõi, xử trí phản ứng sau tiêm.
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế, chiến dịch được triển khai quyết liệt và thần tốc nhưng mục tiêu đặt lên hàng đầu là phải đảm bảo an toàn, kiểm soát lây nhiễm SARS-CoV-2 theo quy định.
Vì vậy, ông yêu cầu nhân viên phải sàng lọc đầy đủ đối tượng trước khi tiêm chủng, kịp thời phát hiện các trường hợp chống chỉ định hoặc tạm hoãn. Những người này sẽ được khám chuyên khoa và tiêm chủng tại bệnh viện.
Cũng theo ông Nam, mục tiêu của thành phố là có 14 triệu liều vaccine để tiêm cho toàn bộ người dân thành phố. Đến nay, với số liều nhận được, nếu tiêm hết, thành phố sẽ có độ bao phủ vaccine 6%. Thành phố cũng nỗ lực tất cả nguồn lực để tiếp cận vaccine, đảm bảo từ đây đến cuối năm, 2/3 người dân có thể được tiêm vaccine.
Đồng thời, ông Nam cũng cho hay, thông tin của Bộ Y tế, tiến độ vaccine nội rất khả quan. Hy vọng đến năm 2022, Việt Nam có những lô đầu tiên và người dân Việt Nam sẽ có vaccine nội sử dụng.