Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Chiêu lừa việc nhẹ lương cao, phòng trọ giá rẻ khiến sinh viên sập bẫy

(VTC News) -

Chân ướt chân ráo lên Hà Nội học, nhiều tân sinh viên trở thành con mồi trước những chiêu trò lừa đảo của không ít kẻ xấu.

Ngay tháng đầu tiên khi trở thành sinh viên, Khổng Thị Thương, Cao đẳng Y tế Hà Nội bị lừa 1 triệu đồng vì tin vào những bài đăng trên các trang hội nhóm về tìm phòng trọ giá rẻ trên Facebook.

Chiêu lừa phòng trọ giá rẻ

Đầu tháng 9/2023, sau khi biết kết quả trúng tuyển, Thương xuống Hà Nội tìm nhà trọ. Lướt Facebook, nữ sinh thấy bài đăng trên nhóm "Tìm nhà trọ khu vực Thanh Liệt, Hoàng Mai, Kim Giang Hà Nội" với giá phòng cho thuê khá rẻ 1,8 triệu đồng/tháng, phù hợp với túi tiền.

Thương chủ động nhắn tin với người đăng bài - tài khoản tên Thúy Tâm và được người này tư vấn rất nhiệt tình, gửi video, ảnh phòng và nói rõ tất cả các giá dịch vụ kèm theo.

Một trong những bài đăng lừa đảo trên hội nhóm "Tìm nhà trọ khu vực Thanh Liệt, Hoàng Mai, Kim Giang Hà Nội".

Thương đề nghị đến xem phòng trực tiếp rồi mới đặt cọc nhưng người này không cho mà lại xin số điện thoại để tư vấn cụ thể hơn, đồng thời giục "nếu không đặt cọc nhanh sẽ không còn phòng, nhiều người cũng đang hỏi".

Do trước đó tìm trọ quanh khu vực gần trường quá vất vả mà chưa ưng ý, nên Thương quyết định đặt cọc phòng luôn. Sau khi chuyển khoản thành công, nữ sinh lập tức bị người này chặn và không thể nhắn tin. Dù cố gắng gọi điện lại song vẫn không thể liên lạc được.

"Khi biết bị lừa, em không dám nói chuyện với bố mẹ, đành chấp nhận mất tiền. Đây là bài học đầu tiên trong đời vì quá tin người nên mất tiền", Thương buồn bã nói. Hiện Thương ở nhờ phòng trọ của bạn cho đến khi tìm được nơi ở hợp lý sẽ chuyển đi.

Lâm Hoàng Long sinh viên năm nhất Học viện Báo chí và Tuyên truyền cũng rơi vào hoàn cảnh mất tiền. Ngày đầu mới lên đai học, Long ở trọ cùng với 2 người bạn nhưng thấy không hợp giờ giấc sinh hoạt và lối sống nên quyết định dọn ra ở một mình.

Đi nhiều nơi cũng không tìm được phòng trọ ưng ý, phòng rẻ thì quá chật, vệ sinh chung, phòng rộng thì giá thuê quá cao. Cậu quyết định tìm đến công ty môi giới tại đường Thái Thịnh, Đống Đa nhờ giúp đỡ. Nhân viên công ty môi giới yêu cầu nộp phí 500.000 đồng sẽ đưa thông tin các phòng và địa chỉ cho cậu tham khảo.

Đóng tiền xong, Long đi tới 4 - 5 phòng theo địa chỉ được cung cấp nhưng đều được chủ nhà thông báo hết phòng hoặc không có phòng cho thuê. Cậu gọi cho công ty và được cung cấp thêm 3 phòng nữa, nhưng khi gọi điện cho chủ nhà trọ lại không liên lạc được.

Phải chạy đi chạy lại nhiều nơi nhưng không có kết quả, Long trở lại công ty để phản ánh, nhưng họ nói đã hết trách nhiệm, chỉ cung cấp "tìm được hay không còn do may mắn". "Em không dám làm to chuyện, đành ngậm ngùi ra về không thu được kết quả gì", Long ấm ức chia sẻ.

Chiêu lừa việc nhẹ lương cao

Ngoài các hội nhóm cho thuê phòng trọ còn nhiều các hội nhóm tìm việc làm, đây cũng là nơi dễ khiến các sinh viên năm nhất rơi vào tình trạng tưởng bở vì dễ dàng kiếm được việc nhẹ, lương cao.

Đinh Minh Hậu, sinh viên năm nhất Cao đẳng Điện tử Điện lạnh Hà Nội vừa mất 1 triệu đồng vì tin vào các bài viết tuyển dụng trên mạng.

Gia đình Hậu khó khăn nên ngay từ khi nhập học, cậu đã lên các hội nhóm trên facebook để tìm kiếm công việc làm thêm. Cậu truy cập vào nhóm "Tìm kiếm việc làm thêm tại Hà Nội" thấy có nhiều công việc lương cao, phù hợp với thời gian của mình nên khá hứng thú.

Tràn lan các hội nhóm tìm việc làm full, partime trên Facebook.

Hỏi kỹ hơn về công việc, Hậu thấy bản thân đáp ứng đủ các yêu cầu tại đây, nhưng công ty này yêu cầu phải đóng trước các khoản tiền như: Tiền đồng phục, tiền làm hồ sơ tuyển dụng, tiền giấy khám sức khỏe... tổng mức đóng trước gần 1 triệu đồng.

Vì mức lương cao, thời gian làm việc phù hợp, không gò bó nên Hậu đóng luôn mà không nghi ngờ. Đóng tiền xong họ hẹn hôm sau đến địa chỉ công ty để phỏng vấn.

Hôm sau, khi đến địa chỉ công ty để phỏng vấn, cậu mới phát hiện nơi này chỉ là ngõ nhỏ với toàn nhà dân. Hậu hỏi hàng xóm xung quanh và được biết khu vực từ trước đến nay không có công ty nào.

Hốt hoảng, cậu vội vàng mở điện thoại tìm lại đoạn chat với người tuyển dụng trước đó thì thấy tất cả tin nhắn đều bị xóa sạch không dấu vết, gọi điện cũng không liên lạc được. Nam sinh sững người khi biết mình đã bị lừa. "Nghe nhiều về các vụ việc lừa đảo trên mạng nhưng em không nghĩ một ngày chính mình lại trở thành nạn nhân", Hậu bày tỏ.

Cô Nguyễn Thị Thúy Mai, Phó trưởng khoa Xã hội học và Phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết, hiện nay tình trạng các tân sinh viên hay thậm chí sinh viên năm 2 - 3 đối mặt với các chiêu thức lừa đảo rất tinh vi.

Cô từng chứng kiến những sinh viên than mất tiền vì những chiêu trò lừa đảo trên mạng xã hội. Điều này làm ảnh hưởng tới tài chính những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, gây tâm lý hoang mang lo lắng, bất ổn đặc biệt là đối với sinh viên mới nhập học.

Một số nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên do sinh viên còn thiếu kỹ năng, các em ít chủ động tìm hiểu sâu và tư duy vấn đề theo hướng bản chất của sự việc nên khi tiếp nhận thông tin dễ bị cuốn vào các thông tin được thổi phồng (công việc nhẹ, lương cao hoặc những quảng cáo của nhà tuyển dụng, các trang mua bán, cho thuê giá rẻ mà chất lượng tốt…)

Cô đưa ra một số những giải pháp cho các bạn sinh viên để hạn chế tình trạng trên, khi sinh viên tìm việc làm thêm cần tìm một trung tâm môi giới uy tín, tìm hiểu kỹ trước khi nộp đơn về chỗ ứng tuyển, nội dung công việc, điều khoản trong hợp đồng…

"Sinh viên cần trang bị kiến thức và kỹ năng cho bản thân như tìm hiểu thông tin, biết cách khai thác và hiểu được bản chất của sự việc, bởi không có công việc nào là nhẹ nhàng mà dễ thành công cả. Để tránh rơi vào các chiêu trò lừa đảo, khi mua bán, thuê nhà cần tìm hiểu thông qua các kênh tin cậy, đến tận nơi tìm hiểu rồi mới đưa ra quyết định…", cô Mai nói.

Khánh Sơn

Tin mới