Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Chiêu lừa 'con cấp cứu ở viện' xuất hiện tại Hà Nội, chuyên gia chỉ cách ứng phó

Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương đưa ra những dấu hiệu giúp phụ huynh nhận biết thông tin thật, giả từ chiêu lừa "chuyển tiền đóng viện phí cấp cứu cho con".

Gần đây, nhiều phụ huynh học sinh cấp THCS và THPT ở Hà Nội cho biết họ nhận được các cuộc gọi từ số điện thoại lạ thông tin con bị tai nạn, yêu cầu phải chuyển tiền gấp vào tài khoản cá nhân người gọi để đóng viện phí.

Chị H.K (Hà Nội) chia sẻ nhận được cuộc gọi nói con bị ngã ở cầu thang của trường và yêu cầu chuyển gấp 10 triệu đồng để lo thủ tục ở bệnh viện. "Rất may lúc đó tôi đang chat với con vài chuyện nên hỏi luôn và biết ngay bị lừa, chứ không cũng sẽ hoảng loạn”, chị cho biết.

Cảnh báo của một số trường THPT ở Hà Nội sau khi nhiều phụ huynh nhận được cuộc gọi lừa đảo.

Sáng 14/3, PGS.TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, đưa ra những dấu hiệu giúp phụ huynh nhận biết thông tin thật hay giả từ phía người gọi đến yêu cầu phụ huynh chuyển tiền.

"Nguyên tắc của ngành y là 'cứu người như cứu hỏa' nên không bao giờ có chuyện phải nộp tiền bệnh nhân mới được thầy thuốc cấp cứu, điều trị", PGS Điển nhấn mạnh.

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, bệnh nhân nhập viện, bác sĩ sẽ yêu cầu khai thông tin cơ bản như họ, tên, năm sinh, địa chỉ, số điện thoại người thân khi cần liên hệ.

"Việc đóng viện phí không bao giờ là bắt buộc ngay lập tức, càng không phải là điều kiện đưa ra để cân nhắc chữa hay không chữa cho bệnh nhân", ông Điển nói.

Do đó, vị giám đốc này khuyến cáo nếu có người lạ gọi điện hoặc nhắn tin yêu cầu chuyển tiền mới cấp cứu cho con, cháu, phụ huynh phải cảnh giác, không làm theo lời kẻ xấu; đồng thời liên hệ với nhà trường, cô giáo chủ nhiệm hoặc phòng y tế của trường để nắm rõ thông tin.

"Nếu kẻ xấu nói con bị tai nạn ở trường, gia đình nên trực tiếp gọi cho nhân viên y tế học đường để nắm thông tin con đang ở bệnh viện hay phòng khám nào, tình trạng của trẻ ra sao”, PGS.TS Trần Minh Điển chia sẻ.

TS Điển cho biết thêm một trong những thủ tục hành chính bắt buộc, có tính pháp lý trong hồ sơ bệnh án là phải có chữ ký của người bệnh, người giám hộ của bệnh nhân (như cha, mẹ, con...) vào giấy cam kết trước khi bác sĩ thực hiện ca mổ hay thủ thuật. Vì thế, một người lạ không thể thay mặt gia đình ký cam kết.

Trước đó, VietNamNet đã thông tin vụ việc nhiều phụ huynh học sinh bị lừa từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng khi nhận được yêu cầu chuyển tiền từ kẻ lạ với kịch bản "con cấp cứu ở Bệnh viện Chợ Rẫy". Sau đó, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cũng phát cảnh báo về 2 trường hợp có dấu hiệu lừa đảo tương tự.

Nguồn: Vietnamnet

Tin mới