Các ngân hàng đều đang duy trì nhiều hình thức huy động tiền gửi với lãi suất và ưu đãi khác nhau để thu hút người dân. (Ảnh: Hoàng Hà)
Trong thông báo mới nhất, Sacombank cho biết từ nay đến hết ngày 31/12, ngân hàng sẽ triển khai chính sách ưu đãi lãi suất với các khách hàng cá nhân và doanh nghiệp khi gửi tiền có kỳ hạn tại quầy của ngân hàng.
Cụ thể, các khách hàng cá nhân gửi tiền từ 300 triệu đồng và doanh nghiệp gửi từ 500 triệu đồng sẽ được Sacombank tặng thêm tiền thưởng tương đương nửa tháng tiền lãi nếu gửi từ 6 tháng và tặng 1 tháng tiền lãi nếu gửi từ 12 tháng. Tiền thưởng sẽ được chuyển trực tiếp vào tài khoản thanh toán hoặc tài khoản thẻ tín dụng của khách hàng tại thời điểm gửi tiền.
Tại Sacombank, đây được xem là một trong những chiêu hút khách gửi tiền của ngân hàng, bên cạnh các chính sách ưu đãi lãi suất như gửi tiết kiệm online, gửi tiết kiệm kèm tham gia bảo hiểm nhân thọ.
Hiện tại, lãi suất huy động cao nhất Sacombank áp dụng với hình thức gửi tiết kiệm tại quầy là 9%/năm (kỳ hạn 15 tháng trở lên). Ở các kỳ hạn thấp hơn, Sacombank hiện chấp nhận chi trả mức lãi suất 8,9%/năm (12-13 tháng); 8,3-8,8%/năm (6-11 tháng).
Nếu gửi trên kênh online, các mức lãi suất khách hàng nhận được sẽ tăng thêm 0,2 điểm %, lần lượt là 8,5-9%/năm với kỳ hạn 6-11 tháng; 9,1%/năm với kỳ hạn 12 tháng và 9,2%/năm với kỳ hạn 15 tháng trở lên.
Đáng chú ý, hiện Sacombank còn đang áp dụng sản phẩm tiền gửi kèm tham gia bảo hiểm nhân thọ với lãi suất tối đa lên tới 9,8%/năm. Để nhận được mức lãi suất này, khách hàng phải gửi tiền kỳ hạn 36 tháng và tham gia mua bảo hiểm nhân thọ do Sacombank phân phối.
Ở các kỳ hạn thấp hơn, lãi suất của sản phẩm tiền gửi này cũng lần lượt là 8,85-9,3%/năm (6-11 tháng); 9,4%/năm (12-13 tháng) và 9,55-9,7%/năm (15-24 tháng).
Thực tế, Sacombank không phải ngân hàng duy nhất đưa ra các chiêu thu hút tiền gửi kể trên. Hiện nhiều ngân hàng đang duy trì song song các sản phẩm tiền gửi ưu đãi lãi suất bên cạnh các sản phẩm huy động thông thường.
Tại VPBank, bên cạnh biểu lãi suất huy động thông thường với mức tối đa 9,3%/năm (kênh quầy) và 9,4%/năm (kênh online), nhà băng này còn có sản phẩm tiền gửi Prime Savings với lãi suất phân kỳ cao nhất 11,1%/năm.
Tuy nhiên, mức lãi này chỉ áp dụng trong tháng đầu tiên của kỳ hạn 36 tháng, từ tháng thứ hai, lãi suất sẽ được điều chỉnh về 9,25%/năm, tương đương mức lãi bình quân 9,3%/năm trong cả kỳ gửi.
Với các kỳ hạn thấp hơn, VPBank cũng đưa ra mức lãi suất trên 10%/năm, nhưng chỉ áp dụng trong tháng đầu tiên của kỳ hạn gửi. Từ tháng tiếp theo, lãi suất sẽ dao động trong khoảng 8,52-8,64%/năm (6-11 tháng); 9,05-9,22%/năm (12-24 tháng).
Tương tự, NamABank cuối tháng 10 cũng có sản phẩm tiền gửi với lãi suất phân kỳ này lên tới 11%/năm, áp dụng trong 3 tháng đầu của kỳ hạn gửi 9 tháng, trong 6 tháng tiếp theo, lãi suất sẽ được điều chỉnh về 5,95%/năm. Tuy nhiên, chỉ sau hơn một tuần áp dụng, NamABank đã điều chỉnh giảm lãi suất trong các tháng đầu kỳ về 9%/năm từ ngày 3/11.
Để thu hút người gửi tiền, SCB cũng liên tục áp dụng chính sách tặng thêm coupon lãi suất với hình thức gửi tại quầy.
Trong hệ thống ngân hàng, SCB luôn là một trong những nhà băng có lãi suất tiền gửi cao nhất, tuy vậy, ngày 12/10, nhà băng này vẫn thông báo tặng thêm coupon lãi suất 0,5 điểm % cho khách gửi tại quầy với kỳ hạn 6-11 tháng, thời gian áp dụng đến hết 31/10.
Đến đầu tháng 11, nhà băng này tiếp tục tặng thêm coupon lãi suất 0,8 điểm % cho các khoản tiền gửi tương tự, kéo dài đến hết ngày 31/12 hoặc khi có thông báo mới.
Các chương trình cộng thêm lãi suất tương tự hiện cũng được nhiều nhà băng áp dụng như DongABank, Techcombank, SHB, VietinBank… với mức lãi cộng thêm khoảng 1-2 điểm % so với thông thường.
Theo các chuyên gia, việc các ngân hàng thương mại liên tục tăng lãi suất huy động cũng như đưa ra các sản phẩm mới để thu hút người gửi tiền là do thanh khoản hệ thống gặp căng thẳng tạm thời.
Công ty Chứng khoán VNDirect cho rằng nguyên nhân một phần đến từ áp lực tỷ giá khi đồng USD liên tục tăng giá và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ ít nhất đến năm sau. Ngân hàng Nhà nước theo đó đã phải nâng mặt bằng lãi suất điều hành và hút nội tệ về để cân bằng tỷ giá.
Việc NHNN phải bán USD ra để ổn định tỷ giá ngoại tệ này là một trong những nguyên nhân khiến khối lượng tiền Đồng trong lưu thông giảm, dẫn tới các ngân hàng phải tăng lãi suất để huy động. Ảnh: Hoàng Hà.
Bên cạnh đó, thanh khoản hệ thống ngân hàng cũng chịu áp lực trong bối cảnh các sai phạm về phát hành trái phiếu doanh nghiệp đang bị điều tra.
Tuy nhiên, các chuyên gia tại đây cũng nhận định rủi ro lên thanh khoản hệ thống ngân hàng là không lớn khi niềm tin của người dân vào hệ thống ngân hàng đã được củng cố, cũng như thói quen tích trữ tiền mặt đã giảm xuống rõ rệt, giúp thanh khoản hệ thống được bù đắp.
Công ty Chứng khoán SSI thì cho rằng nguyên nhân của tình trạng này một phần đến từ vòng quay tiền mặt tại nhóm khách hàng doanh nghiệp đã giảm đáng kể, cùng với những thách thức trong việc huy động vốn/vay vốn.
Ngoài ra, tiền Đồng mất giá so với USD (giảm 8,6% từ đầu năm) cũng khiến việc nắm giữ USD và các tài sản khác trở nên hấp dẫn hơn.
Trong khi đó, tình trạng trì trệ của thị trường bất động sản đã khiến 7-8% tổng tín dụng bị mắc kẹt, trong khi hạn mức tăng trưởng tín dụng hạn chế đã dẫn đến dư địa để ngân hàng giải ngân cho vay với các lĩnh vực phi bất động sản không còn dư dả.
Trong tình hình hiện nay, thị trường liên ngân hàng sẽ là kênh hỗ trợ thanh khoản ngắn hạn cho các nhà băng và Agribank, Vietcombank đang là những đơn vị cho vay ròng lớn nhất trên thị trường này.