Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Chiều 27/9, siêu bão Noru ảnh hưởng đất liền, miền Trung khẩn cấp ứng phó

(VTC News) -

Các lực lượng Công an, Quân đội... đang chạy đua với thời gian giúp dân chằng chống nhà cửa, di tản người đến nơi an toàn trước 17h hôm nay.

Hoàn thành di dân trước 17h ngày 26/9

Ghi nhận PV VTC News, từ sáng sớm 26/9, tại các phường ven biển Đà Nẵng như Mân Thái, Phước Mỹ, Thọ Quang (quận Sơn Trà), Mỹ An, Khuê Mỹ (quận Ngũ Hành Sơn), chính quyền địa phương cử lực lượng dân phòng, dân phố khảo sát thực tế những hộ sống trong nhà cấp 4, nhà không kiên cố để thông báo, vận động người dân sẵn sàng di dời đến nơi an toàn trước khi siêu bão Noru đổ bộ.

Ông Phan Hoàng Thủy, cán bộ phường Thọ Quang cho biết, từ sáng sớm, các lực lượng đã đến nhà người dân để thông báo, giúp vận chuyển những tài sản quý giá đến nơi an toàn trú bão.

Lực lượng Công an Đà Nẵng giúp người dân chằng chống nhà cửa.

Dự kiến việc di dời hoàn thành trước 17h hôm nay. Chính quyền sẽ lo ăn uống cho những hộ thuộc diện di dời, trường hợp không chấp hành sẽ cưỡng chế để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân”, ông Thủy cho biết.

Anh Nguyễn Văn Hiệp (phường Thọ Quang) cho biết, anh đã xin nghỉ làm để cùng vợ con gia cố mái nhà trước giờ di tản theo yêu cầu của chính quyền địa phương. “Nhà tạm bợ nên chúng tôi đã chuẩn bị sẵn tinh thần để sơ tán. Gia đình sẽ ở tạm nhà người thân trong 2-3 ngày tới”, anh Hiệp nói.

Tại phường Phước Mỹ, lực lượng dân quân tự vệ đến gõ cửa từng nhà để vận động dân di tản đến nơi an toàn. Đồng thời, các lực lượng chức năng cũng chằng chống nhà cửa cho các gia đình thuộc diện neo đơn, nhà cửa không đảm bảo an toàn.

Lực lượng dân quân giúp dân chằn tôn chống bão.

Trung tá Nguyễn Công Nhân, Chỉ huy phó Ban Chỉ huy Quân sự quận Sơn Trà cho biết, lực lượng vũ trang địa phương chia thành từng nhóm đến nhà dân tiếp tục chằng chống nhà cửa. Lực lượng quân đội đang phối hợp với các phường giúp người dân ứng phó với bão Noru. Tại 4 phường giáp biển, lực lượng vũ trang đã chuyển hơn 100 thúng của ngư dân lên bờ an toàn.

Cũng trong sáng nay, người dân sống ở khu vực ven biển thuộc quận Thanh Khê, Liên Chiểu khẩn trương hỗ trợ nhau dùng những vật dụng như dây thừng, bao cát… để gia cố nhà cửa trước khi di tản tránh bão.

Dự báo Đà Nẵng chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão Noru với cấp độ rủi ro thiên tai cấp 4/5, UBND TP Đà Nẵng chỉ đạo thành lập Sở Chỉ huy tiền phương với các thành viên nòng cốt Bộ Chỉ huy Quân sự, Bộ đội Biên phòng, Công an thành phố, Sở NN&PTNT để ứng phó với siêu bão Noru.

Thừa Thiên - Huế đảm bảo đủ lương thực chống siêu bão Noru

Ngày 26/9, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, để ứng phó với siêu bão Noru, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh và lãnh đạo các sở, ban ngành, UBND các huyện, thị xã và TP Huế đi hiện trường kiểm tra thực tế các công trình giao thông, thủy lợi, hồ chứa nước thủy điện trong tỉnh, đặc biệt là các công trình trọng điểm dọc bờ biển của tỉnh.

Công an, Biên phòng tỉnh Thừa Thiên - Huế chằng chống nhà cửa giúp dân chống bão.

UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng chỉ đạo UBND các huyện, thị xã và TP Huế rà soát phương án sơ tán, di dời các hộ dân vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng bão, lũ lụt, nước dâng do bão đến nơi an toàn.

Cụ thể, di dời để đối phó với nước dâng do bão, lũ lụt là 26.255 hộ/99.424 khẩu; di dời để đối phó với bão là 23.762hộ/ 84.930 khẩu; di dời để đối phó với lũ lụt là 17.712 hộ/65.231 khẩu; di dời để đối phó với lũ quét, sạt lở đất là 7.087 hộ/ 26.528 khẩu.

Trên cơ sở phương án, căn cứ diễn biến về tình hình bão, lũ, các địa phương ưu tiên triển khai sơ tán các đối tượng dễ bị tổn thương như trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ mang thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, người khuyết tật, người bị bệnh hiểm nghèo để chủ động sơ tán đến nơi an toàn.

UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, TP Huế và Trung tâm Công viên cây xanh cắt tỉa, gia cố cây xanh tại các khu đô thị với khối lượng trên 90%. Công ty Điện lực Thừa Thiên - Huế tổ chức kiểm tra, gia cố hệ thống điện và có phương án đảm bảo an toàn lưới điện.

Theo UBDN tỉnh Thừa Thiên - Huế, hiện toàn tỉnh có 2.062 phương tiện/11.350 lao động hoạt động khai thác thủy sản. Trong đó có 613 phương tiện tàu thuyền khai thác biển, còn lại là thuyền bãi ngang, ven biển, ghe thuyền đầm phá.

Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đến 9h ngày 25/9 toàn tỉnh hiện còn 17 phương tiện/156 lao động hoạt động thủy sản trên biển. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã ban hành 3 Công điện, bố trí phương tiên và lực lượng tổ chức hướng dẫn sắp xếp phương tiện vào khu neo đậu.

Chiều 27/9, siêu bão Noru ảnh hưởng đất liền

Bão Noru được dự báo là một trong những cơn bão mạnh nhất trong vòng 20 năm trở lại đây, ảnh hưởng đến Trung Trung Bộ, tương đương cơn bão số 6 (Xangsane) năm 2009, bão số 9 (Molave) năm 2020.

Lực lượng Cảnh sát Cơ động Công an Đà Nẵng xuyên đêm giúp dân đưa tàu thuyền lên bờ.

Tại cuộc họp ứng phó với bão Noru (bão số 4) chiều 25/9, ông Trần Hồng Thái, Tổng Cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) nhấn mạnh, đây là cơn bão rất mạnh, di chuyển rất nhanh. Các đài quốc tế đều dự báo bão sẽ ảnh hưởng đến đất liền từ chiều tối 27/9 ở khu vực Thừa Thiên Huế - Bình Định.

Ông Thái cho biết, Mỹ dự báo cường độ khi gần bờ bão mạnh cấp 17, Nhật Bản dự báo cấp 13, Hong Kong cấp 14, Trung Quốc cấp 15. 

Khoảng từ chiều và đêm 27/9, bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền các tỉnh Trung Bộ. Với dự báo hiện tại, bão khả năng đổ bộ vào TP Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, do đó Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia đưa ra cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai cấp 4. Đối với các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Phú Yên, Kon Tum cảnh báo cấp 3”, ông Thái cho biết.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, có 8 địa phương có nguy cơ cấp 4, cấp 3 và các địa phương đã kích hoạt kịch bản ứng phó. 

Ông Hiệp lưu ý các địa phương hướng dẫn tàu thuyền ngoài xa chạy lên hướng bắc hoặc xuống phía nam, đừng chạy vào bờ quá nhiều hoặc chạy tất cả vào bờ. “Với cấp độ giật cấp 13 - 14, khi ở sát bờ thì tàu cá ở ven bờ cũng đắm chìm hết”, ông Hiệp nói.

Ngoài việc cấm biển, ông Hiệp cũng đề nghị xem xét cấm đường ở những khu vực bão đổ bộ. Những khu vực này khi có mưa lớn, quốc lộ, đường sắt gần như bị ngập lụt. 

Công an Đà Nẵng kiểm tra, vận động người dân di tản tránh bão.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai nhấn mạnh, theo dự báo bão Noru di chuyển nhanh, có cường độ rất mạnh, gió giật có thể tới cấp 17.

Phó Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo, Ủy ban Quốc gia về ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các bộ, ngành, địa phương phải tập trung cao công tác ứng phó.

Có thể tạm dừng, hoãn một số cuộc họp không thực sự cần thiết để tập trung lãnh đạo chỉ đạo và có kế hoạch cụ thể vì đây là siêu bão, cảnh báo rủi ro thiên tai cấp 4”, Phó Thủ tướng yêu cầu.

XUÂN TIẾN- NGUYỄN VƯƠNG

Tin mới