Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Chiến tranh thương mại: Kinh tế Trung Quốc tiếp tục suy thoái, tăng trưởng công nghiệp thấp nhất trong 17 năm

Nền kinh tế công nghiệp Trung Quốc tiếp tục đi xuống vào tháng 5 khi cuộc chiến thương mại với Mỹ ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Một loạt dữ liệu mới từ Cục Thống kê Quốc gia (NBS) Trung Quốc cho thấy các con số suy giảm so với tháng 4, diễn ra trên các lĩnh vực sản xuất và lắp ráp, nhiều lĩnh vực trong số đó phụ thuộc lớn vào xuất khẩu.

Tăng trưởng sản xuất công nghiệp - thước đo sản lượng của các ngành công nghiệp trong nền kinh tế Trung Quốc, bao gồm sản xuất, khai thác và tiện ích - là 5% trong tháng 5 so với 5,4% vào tháng 4 và thấp hơn mức dự báo của các nhà kinh tế trước đó là 5,5%.

Đây cũng là mức tăng trưởng thấp nhất kể từ tháng 2/2002, khi đó tăng trưởng sản xuất công nghiệp đạt 2,7%.

 (Ảnh: Bloomberg)

Trong sản xuất công nghiệp, sản lượng sản xuất tháng 5 tăng 5,0% so với cùng kỳ năm 2018, so với tháng 4 là 5,3%. Đây là giai đoạn Mỹ tăng hơn gấp đôi thuế quan đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, từ 10% đến 25%, cho thấy thiệt hại chiến tranh thương mại đang diễn ra với nền kinh tế Trung Quốc.

Bắc Kinh có thể phải chuẩn bị cho tình hình tăng trưởng ảm đảm hơn nữa tiếp tục kéo dài khi căng thẳng thương mại chưa có dấu hiệu kết thúc và các nhà phân tích không mấy hy vọng Mỹ - Trung có thể đạt được thỏa thuận tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Nhật Bản vào cuối tháng này.

Hơn nữa, Mỹ còn đang xem xét đánh thuế nốt số hàng hóa còn lại của Trung Quốc xuất sang nước này. Nếu đi theo kịch bản các vòng thuế quan trước đó, mức thuế mới này cũng sẽ lên tới 25%, chủ yếu là đối với hàng tiêu dùng, sẽ có hiệu lực vào giữa tháng 7.

Tại họp báo ở Bắc Kinh ngày 14/6, Fu Linghui, phát ngôn viên của NBS, cho rằng, một tháng dữ liệu kinh tế không ổn định là bình thường, và kêu gọi mọi người quan sát tình hình kinh tế trong xu hướng dài hơn. Ông Fu tuyên bố nền kinh tế Trung Quốc đang ở một vị trí mạnh mẽ để tăng trưởng vào cuối năm 2019.

"Nhu cầu trong nước đóng góp 108% tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong năm 2018, trong khi chi tiêu tiêu dùng đóng góp hơn 65% tăng trưởng kinh tế trong quý đầu tiên của năm 2019", ông Fu nói với các phóng viên. Cả hai điều này cho thấy nền kinh tế Trung Quốc có không gian thị trường rộng lớn và khả năng phục hồi.

Đầu tư tài sản cố định, chi tiêu cho các tài sản vật chất như bất động sản, cơ sở hạ tầng hoặc máy móc, tăng 5,6% trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 5/2019 tuy nhiên tính từ tháng 1 đến tháng 4 giảm 6,1%.

Doanh số bán lẻ, một chỉ số chính về nhu cầu tiêu dùng ở Trung Quốc, tăng 8,6%, sau khi đạt mức 7,2% vào tháng 4 - mức tăng trưởng thấp nhất kể từ tháng 5/2003, nhưng vẫn thấp hơn mức 8,7% trong tháng 3.

Ông Fu nói, kỳ nghỉ Ngày Lao động 1/5 đóng vai trò quan trọng trong sự tăng trưởng doanh số bán lẻ. Tuy nhiên, các nhà phân tích của Nomura đã chỉ ra thực tế rằng, tốc độ tăng trưởng trung bình của doanh số bán lẻ trong tháng 4 và tháng 5 của Trung Quốc thấp hơn nhiều so với tốc độ 8,3% trong Q1/2019.

Dữ liệu giúp xây dựng một bức tranh đầy đủ hơn về thực trạng nền kinh tế Trung Quốc, và không mấy khả quan cho các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh, theo SCMP. Một số nhà kinh tế đã hạ dự báo tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc.

"Các dữ liệu kinh tế từ Trung Quốc trong hai tháng qua đã không đáp ứng được kỳ vọng của chúng tôi. Do đó, chúng tôi điều chỉnh dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2019 xuống 6,2% (giảm 0,2 điểm phần trăm) và 6,0% cho năm 2020 (giảm 0,1 điểm phần trăm), một nhà phân tích của Ngân hàng ANZ viết.

Trước đó, dữ liệu hải quan cho thấy, xuất khẩu Trung Quốc đã tăng trưởng trở lại trong tháng 5 sau khi giảm vào tháng 4 - nhưng chỉ ở mức 1,1%, do các đơn đặt hàng trước để tránh việc Mỹ tăng thuế. Nhập khẩu, trong khi đó, giảm mạnh 8,5%, một dấu hiệu khác cho thấy nhu cầu nội địa ở Trung Quốc vẫn ở mức chậm chạp.

 (Ảnh: Bloomberg)

Lạm phát tiêu dùng tăng lên mức cao nhất trong 15 tháng, dữ liệu công bố hôm 12/6, khi Trung Quốc phải chống lại dịch tả lợn châu Phi, đe dọa một trong những mặt hàng chủ lực trong chế độ ăn của họ. Vẫn còn nhiều tin xấu cho ngành ô tô của nước này, doanh số giảm mạnh 16,4% trong tháng 5, là tháng thứ 11 giảm liên tiếp.

Với việc Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn đang cân nhắc áp thuế quan toàn cầu đối với xe cộ và linh kiện, ngành công nghiệp Trung Quốc có thể bị ảnh hưởng nặng nề hơn, vì đây là nhà cung cấp phụ tùng xe lớn thứ hai cho Mỹ.

Nếu như tăng trưởng quý I khiến Trung Quốc lạc quan thì kỳ vọng đã giảm đi trong quý II. Bắc Kinh ban hành một số biện pháp kích thích kinh tế bổ sung - bao gồm chương trình mới tăng doanh số bán ô tô và thiết bị điện tử, nới lỏng điều kiện tài chính cho các dự án cơ sở hạ tầng của chính quyền địa phương - nhưng họ đang chịu áp lực phải làm nhiều hơn thế.

Có suy đoán rằng việc nới lỏng tiền tệ hơn nữa, bao gồm cả việc giảm lãi suất, có thể sẽ xảy ra, sau khi Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Dịch Cương cho biết, cơ quan này sẽ có chính sách "rất lớn" để hỗ trợ nền kinh tế.

Sức mạnh của nền kinh tế Trung Quốc trong quý đầu tiên được cho là đã thúc đẩy chính phủ nỗ lực một cuộc đàm phán với Washington để chấm dứt chiến tranh thương mại. Tuy nhiên, sự sụp đổ đột ngột các cuộc đàm phán vào tháng 5, sự leo thang mạnh mẽ các biện pháp đáp trả lẫn nhau, khiến một thỏa thuận càng trở nên xa vời trong thời gian ngắn.

Ông Fu, phát biểu tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh, nói rằng Trung Quốc vẫn đang dẫn đầu thế giới về sản xuất. Nhưng thực tế, hầu hết các sản phẩm được sản xuất là "loại thấp và trung bình". "Hiện tại, chúng tôi đang tiếp tục phát triển ngành công nghiệp Trung Quốc bằng cách điều chỉnh cơ cấu công nghiệp và tăng chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển", ông Fu cho biết thêm.

Phương Anh

Tin mới