Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Chiến tranh Mỹ-Iran đang cận kề?

(VTC News) -

Sợi dây hòa bình mong manh mà Iran và Mỹ cùng kéo khó có thể đứt phụt chỉ vì cái chết của nhân vật quyền lực số 2 Iran.

>>Nước Mỹ lại không an toàn nữa rồi

>>Tướng Iran vừa bị Tổng thống Trump ra lệnh tiêu diệt là ai?

>>Iran điều chiến cơ tới biên giới, Mỹ triển khai thêm hàng nghìn quân

>>Thế khó của Iran khi đáp trả Mỹ: Phản ứng yếu ớt thì 'mất mặt', quá mức lại 'mất mạng'

Mỗi lần Iran và Mỹ nổ ra tranh chấp, chiến tranh vùng Vịnh lại trở thành dự đoán "cửa miệng" của nhiều người. Khi Tổng thống Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, Iran bắn hạ máy bay không người lái Mỹ, Washington cáo buộc Tehran đứng đằng sau vụ tấn công cơ sở lọc dầu ở Ả-rập Xê-út, không ít người bắt đầu vẽ ra kịch bản về một cuộc chiến thảm khốc cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người. 

Vài giờ sau cuộc không kích tiêu diệt Tướng Iran của Mỹ, dấu hỏi về nguy cơ một cuộc chiến giữa 2 quốc gia lại được đặt ra.  

Nhưng nhiều chuyên gia tin rằng dù có "già néo" thế nào, quan hệ Mỹ và Iran sẽ không tới mức "đứt dây".

Iran sẽ trả đũa và họ buộc phải làm vậy bởi trong mắt người dân Iran việc đoạt mạng của Tướng Suleimani chẳng khác nào hành động tuyên chiến hợm hĩnh từ Mỹ, một động thái chưa từng có tiền lệ trong cuộc xung đột thầm lặng nhiều năm qua giữa 2 quốc gia và được so sánh tương đương với việc Tehran tử hình Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ. 

Vụ tấn công Tướng Suleimani đẩy căng thẳng Mỹ-Iran lên mức mới. (Ảnh: Reuters)

Nếu Iran không trả đũa, sẽ chẳng khác nào "cái tát" vào niềm tự tôn dân tộc bấy lâu nay của họ. Nhiều chuyên gia nhận định việc Mỹ tiêu diệt nhân vật quyền lực số 2 của Iran như cú đấm trực diện, một đòn đánh đau vào khả năng quân sự và trên hết là đặt ra mối đe dọa cho hoạt động của chính nhà nước Iran. 

Nhưng Tehran hiểu rằng một tính toán sai lầm sẽ khiến mọi thứ vượt quá kiểm soát. Chưa kể tới việc chênh lệch về tiềm lực quân sự giữa Mỹ và Iran vẫn là khá lớn, một cuộc chiến tổng lực giữa 2 quốc gia này cũng sẽ kéo theo hàng loạt các hệ lụy ở vùng Vịnh, vốn đang là thùng thuốc súng chực chờ phát nổ. 

Hơn hết, người Mỹ cũng nói rõ quan điểm của họ. Tổng thống Trump khẳng định ông quyết định tiêu diệt Suleimani để ngăn một cuộc chiến chứ không phải khơi mào một cuộc xung đột. Nhà lãnh đạo Mỹ cùng nhiều quan chức nước này nói không phải vô cớ mà họ đoạt mạng vị tướng Iran, người bài binh bố trận để giết hại hàng trăm người Mỹ trước khi bị tiêu diệt. Việc Iran không bình luận về thông tin này với nhiều người không khác gì một lời thừa nhận. 

Mỹ cũng vậy, dù họ có thể tự tin nắm phần thắng, Washington cũng thừa hiểu họ sẽ phải đánh đổi ra sao nếu quăng mình vào cuộc chiến với Iran. Cú sa lầy thảm họa ở Iraq cho tới nay vẫn là một ví dụ nhãn tiền với người Mỹ. 

Cuộc chiến được chính quyền Mỹ khởi phát cách đây 17 năm châm ngòi cho các xung đột giáo phái, là cơ sở để Al Qaeda vươn chân rết sang Iraq để rồi đặt nền móng cho sự ra đời của tổ chức khủng bố khét tiếng IS. IS giờ đã dần tới ngày tàn, nhưng không ai dám chắc một cuộc xung đột vùng Vịnh tiếp theo có làm hồi sinh chúng hay không hoặc thậm chí còn dẫn tới những tổ chức khủng bố mới. 

Iran khác Iraq, dân số của họ lớn gấp 3 lần người hàng xóm và quân đội Iran đang sở hữu những vũ khi rất đáng gờm. Tehran cũng không giống bất kỳ quốc gia nào mà Mỹ từng tham chiến kể từ Thế chiến II khi mà họ nhiều năm qua luôn chuẩn bị kỹ lưỡng chiến lược chiến tranh phi đối xứng, dựa trên cả sức mạnh cứng và sức mạnh mềm.

Một khi Mỹ tấn công, các lực lượng của Mỹ ở Syria và Iraq sẽ rất dễ bị tổn thương, sự ổn định của Baghdad cũng có thể sẽ gặp nguy hiểm.

Bản thân Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo mới đây cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc giảm căng thẳng trong khu vực, tuyên bố được xem là một lời gợi mở ra cánh cửa ngoại giao. 

Kịch bản về một cuộc tấn công tổng lực vì thế rất khó xảy ra, nhưng đòn đáp trả của Iran sẽ là điều không tránh khỏi. Tehran sẽ phản công để chứng minh cho Mỹ thấy rằng việc tiêu diệt quan chức quân sự đầu não của nước này là sai lầm trầm trọng. 

Theo TS. Nguyễn Ngọc Trường, nhà ngoại giao, nhà báo, nguyên Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và phát triển quốc tế, Iran có thể sẽ tấn công vào các căn cứ của Mỹ ở Iraq, Syria thay vì việc nhắm mục tiêu vào tàu sân bay Mỹ như họ từng đe dọa. 

Iran cũng có thể cậy nhờ lực lượng ủy nhiệm của mình thực hiện các cuộc tấn công nhắm vào lực lượng của Mỹ trong khu vực và đồng minh của Washington. Nhưng đây có thể sẽ chỉ là các đòn đáp trả quy mô nhỏ, cục bộ. Lực lượng ủy nhiệm của Iran chắc chắn không muốn dấn thân vào cuộc chiến tổng lực không quá liên quan tới họ. 

Dù vậy, một thực tế đáng ngại là tần suất leo thang "ăn miếng trả miếng" giữa Iran và Mỹ đang trở nên dày đặc hơn. Cứ vài ba tháng, Mỹ hoặc Iran lại chọc ngoáy nhau, đẩy căng thẳng lên một nấc mới. Không ai chịu nhượng bộ, bên còn lại thậm chí còn đáp trả thách thức hơn khiến sợi dây hòa bình vốn đang chực chờ đứt phụt càng trở nên mong manh. 

 

Song Hy

Tin mới