Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Chiến thuật giành điểm cao môn Vật lý kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021

(VTC News) -

Để đạt được điểm số cao môn Vật lý, học sinh cần lưu ý những điều dưới đây.

Chỉ còn vài ngày nữa, các thí sinh sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021. Thầy Nguyễn Thành Nam, giáo viên môn Vật lý tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI đưa ra nhiều lời khuyên bổ ích, giúp học sinh có được sự chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi sắp tới.

Phân tích cấu trúc đề

Theo thầy Nguyễn Thành Nam, cấu trúc của đề thi Vật lý chính thức năm 2020 gồm 40 câu, trong đó 16 câu mức 1 - nhận biết, 12 câu mức 2 - thông hiểu, 8 câu mức 3 - vận dụng và 4 câu mức 4 - vận dụng cao.

Còn với cấu trúc đề thi minh họa năm 2021, đề có 20 câu ở mức nhận biết, 10 câu thông hiểu, 6 câu vận dụng và 4 câu vận dụng cao. Như vậy, đề có sự chuyển dịch, đó là số câu mức 1 tăng lên 4 câu, số câu ở mức 2 giảm 2 câu, và số câu ở mức 3 giảm 2 câu. Vì vậy, về tổng thể, đề thi năm nay có thể sẽ dễ hơn đề chính thức năm 2020 một chút. 

Từ phân tích này, thầy Nam phán đoán đề thi chính thức năm 2021 như sau: Thời gian làm bài 50 phút, số câu là 40 câu, điểm mỗi câu làm đúng là 0,25 điểm. Nội dung kiến thức trong đề thi thì có khoảng 90% kiến thức của lớp 12 và 10% kiến thức lớp 11 (chiếm 4 câu). Độ khó được xét tăng dần theo mức độ từ nhận biết, thông hiểu, vận dụng tới vận dụng cao.

Đề thi Vật lý gồm 40 câu hỏi, mỗi câu có 4 lựa chọn A, B, C, và D. Như vậy xác suất để trả lời ngẫu nhiên đúng một câu hỏi bất kỳ là 1/4. Điều này nghĩa là, ngay cả với học sinh không vững kiến thức, chỉ bằng đoán mò cũng có thể đạt điểm số trung bình là 0,25×40×1/4 = 2,5 điểm.

Nếu thí sinh có năng lực làm được N câu hỏi (biết cách làm, làm đúng, và làm kịp thời gian) thì chỉ phải đoán mò (40 - N) câu còn lại, như vậy điểm trung bình thí sinh có thể đạt được là Đ = 0,25×N + 0,25×(40-N)×1/4 = 0,1875×N + 2,5. Từ đó suy ra, để đạt được điểm số Đ, thí sinh cần có đủ năng lực để làm được N = (Đ - 2,5)/0,1875 câu hỏi trong đề thi. Từ công thức này, chúng ta có được bảng kết quả sau:

Đ 5 6 7 8 8,5 9 10
N 13 19 24 29 32 35 40

Dựa vào bảng trên, các em có thể thấy, để đạt được điểm 5, các em phải làm được 13 câu và phải đoán mò 27 câu, để đạt được điểm 7 thì các em phải làm được 24 câu và đoán mò 16 câu... và để đạt được điểm 10 thì phải làm được 40 câu theo năng lực của các em.

Với cấu trúc của đề như trên, số câu cực khó ở mức 4 chỉ chiếm 4 câu, với những bạn học lực khá, các em có thể làm được 36 câu, và điểm trung bình các em đạt được là 9,25 điểm. Còn nếu các em chỉ làm 30 câu ở mức độ Nhận biết và Thông hiểu thì các em đã có thể đạt được điểm trung bình là 8,25 điểm. 

Thầy Nam nhấn mạnh, trong giai đoạn nước rút, đòi hỏi các em phải có chiến thuật ôn thi hiệu quả thì mới có thể có được kết quả tốt nhất cho kỳ thi sắp tới.

Thầy Nguyễn Thành Nam, giáo viên môn Vật lý tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI.

Tối ưu hóa điểm số

Với môn Vật lý, thầy Nam lưu ý học sinh cần phải nắm được 3 điều. Thứ nhất, càng dễ càng quan trọng. Đề thi có câu dễ câu khó, nhưng mỗi câu thì đều được tính là 0,25 điểm. Câu càng dễ càng quan trọng, không nên để vuột mất cơ hội lấy điểm ở các câu này. Học sinh nên ôn kỹ các phần kiến thức cơ bản để dành trọn điểm các câu hỏi dễ và không nên dành quá nhiều thời gian cho các câu khó.

Thứ hai, lượng sức mình. Trong thời điểm này, học sinh về cơ bản có thể ước lượng năng lực của mình. Nếu các em làm các đề thi chuẩn đã được khoảng 8,5 điểm thì chỉ nên cố gắng luyện để đạt được mức điểm trên dưới 0,5 điểm so với mức điểm này.

Thời gian ôn thi còn lại không nhiều, các em không nên cố sức để đạt được mức điểm vượt xa so với năng lực, việc này có thể khiến điểm thi bị tụt xuống vì các em đã dồn công sức không đúng chỗ. Học sinh nên dựa vào mục tiêu điểm số cần đạt được để xác định cần ưu tiên học những nội dung nào.

Nếu chỉ cần khoảng 8,5 điểm môn Vật lý thì không nên đầu tư quá nhiều thời gian ôn luyện các câu hỏi mức Vận dụng và Vận dụng cao, khi đó việc học sẽ nhẹ nhàng và hiệu quả hơn rất nhiều.

Thứ ba, tốc độ nhưng phải chính xác. Thời gian làm mỗi câu hỏi đều ảnh hưởng đến việc làm các câu hỏi còn lại. Do đó, học sinh cần rèn luyện để làm thật nhanh, nhưng cũng cần kỹ năng tính toán thật tốt. Nếu các em làm được nhưng lại bấm máy tính sai thì các em sẽ mất điểm câu đó.

Trong đề thi thật, ngay cả những lựa chọn sai thì cũng sai một cách rất hợp lý, cho nên khi các em bấm máy tính và ra con số trúng vào một trong các lựa chọn thì cũng đừng vội tin là đúng ngay, mà có thể đó là đáp án sai hợp lý.

“Nhiều các bạn học sinh ban đầu có thói quen khá xấu, đó là khi gặp một phép tính thì cầm ngay máy tính lên và bấm, sau đó đặt máy tính xuống, khi thầy cô hỏi đến thì các em lại bấm lại, như vậy các em hình thành thói quen bấm máy tính không cẩn thận”, thầy Nam cho biết.

Thầy cho rằng học sinh nên luyện việc bấm máy tính một lần duy nhất và ghi kết quả sau khi tính ra giấy, nếu so đáp án thấy sai thì mới tính lại. Bằng cách luyện tập như vậy, các em sẽ luôn ý thức được rằng mỗi khi mình bấm máy tính là một lần duy nhất, và mình phải bấm thật cẩn thận để tránh sai sót. 

Minh Khôi

Tin mới