Các chiến thuật đánh lừa (trong đó có ngụy trang và nghi binh) có từ xa xưa đã được vận dụng vào cuộc chiến hiện đại ở Ukraine.
Thời gian qua, Mỹ viện trợ cho Ukraine nhiều tổ hợp pháo phản lực cơ động cao HIMARS và Ukraine đã tích cực sử dụng loại vũ khí này để đánh vào hậu cứ quân Nga một cách chính xác. Do vậy, phá hủy các bệ phóng HIMARS trở thành một ưu tiên của quân đội Nga.
Hình nộm quân sự trên chiến trường Ukraine. (Ảnh: AP)
Hiện nay tin tức trên truyền thông quốc tế cho thấy Ukraine sở hữu một kho "hàng nhái" HIMARS bằng gỗ, được tạo ra chuyên để thu hút hỏa lực Nga - điều này vừa làm lộ vị trí đặt vũ khí của Nga, vừa khiến Nga lãng phí các quả tên lửa chính xác để bắn vào mục tiêu giả.
Dù làm bằng gỗ, các mô hình HIMARS rất giống vũ khí thật, nhất là khi quan sát từ trên cao. Đây là một mẹo giúp quân đội Ukraine ứng phó với quân đội Nga đông đảo hơn và trang bị tốt hơn.
Binh pháp Tôn Tử
Người Ukraine đang làm mô hình mô phỏng một trong những loại vũ khí tối tân của Mỹ trên chiến trường. Tuy nhiên, chiêu thức này không phải là mới trong lịch sử quân sự thế giới.
Nhà chiến lược - nhà triết học cổ đại Trung Quốc Tôn Tử đã khuyến khích áp dụng kế sách này trong cuốn sách mang tên ông "Binh pháp Tôn Tử", được viết vào thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên. Trong cuốn sách đó, ông yêu cầu các chỉ huy "lập ra các mồi nhử" và khiến đối phương đánh giá sai lực lượng đối địch. Tôn Tử viết, "tất cả việc quân đều dựa trên đánh lừa".
Thời La Mã, Julius Caesar cũng tổ chức các đội quân của mình như thể đây là một lực lượng lớn hơn nhiều kẻ địch, khiến đối phương bị xao lãng và phán đoán nhầm, từ đó dễ bị tiêu diệt.
Trong nhiều thế kỷ, các chỉ huy quân sự cũng tìm cách tạo ra các thiết bị giả.
Trong Nội chiến Mỹ (1861-1865), người ta cũng tìm cách lừa đối phương bằng cách chế ra các khẩu thần công bằng gỗ sơn đen. Một phe trong cuộc nội chiến này còn tạo ra cả các pháo đài giả với một hàng đại bác giả.
Xe tăng giả bằng gỗ trong Thế chiến. (Ảnh: USIS)
Xe tăng giả trong Thế chiến I
Sau khi động cơ đốt trong ra đời và được ứng dụng phổ biến trong chiến tranh, các mồi nhử trên chiến trường ngày càng trở nên quan trọng.
Xe tăng được ứng dụng trong chiến trận lần đầu tiên là trong Thế chiến I (1914-1918). Sử dụng xe tăng, quân đội Anh muốn phá vỡ thế tắc của chiến tranh chiến hào.
Khi ấy, cả quân Anh và quân Đức đều sử dụng các xe tăng giả, làm từ gỗ và vải bạt có sơn màu để đánh lừa đối phương và khiến cho đối phương đánh giá quá cao sức mạnh của lực lượng đối địch.
Mặc dù hoạt động cơ giới hóa bắt đầu trong Thế chiến I, quân đội các nước châu Âu khi ấy vẫn chưa hoàn toàn cơ giới hóa và vẫn dựa một phần vào ngựa để di chuyển thiết bị, vật liệu trên chiến trường. Do vậy các đội quân này đã dựng lên các hình nộm ngựa làm từ khung gỗ đắp chăn để đánh lừa các quan sát của phi công đối phương từ trên cao.
Nghi binh quy mô lớn Thế chiến II
Trong cuộc Đại chiến này (1939 - 1945), Đức Quốc xã và các đồng minh của mình cũng như liên minh các lực lượng đối lập đã thực hành chiến thuật đánh lừa trên quy mô cực lớn.
Trước khi quân Đồng minh vượt biển đổ bộ lên Normandy (Pháp) vào năm 1944, lực lượng ở Anh cũng đã sử dụng rộng rãi các xe tăng... cao su. Các hình nộm xe tăng này đã khiến Đức đánh giá quá cao lực lượng của quân Đồng minh. Thực tế này cộng với thông tin tình báo giả mà Đức nhận được đã khiến giới lãnh đạo Đức khi ấy tin rằng quân Đồng minh sẽ mở cuộc tấn công đổ bộ vào một nơi khác, và do vậy chúng đã điều lực lượng Đức ra khỏi khu vực bãi biển Normandy.
Trong khi đó, quân đội Mỹ từng lập ra một đơn vị đặc nhiệm số 23, còn gọi là "Đội quân Ma". Đơn vị này được vũ trang bằng xe tăng, xe tải, máy bay cao su và các thiết bị ghi âm hoạt động di chuyển binh sĩ và xe cộ được phát to lên bằng hệ thống loa công suất lớn. Đội quân Ma này đã tổ chức các hoạt động đánh lừa trên quy mô lớn ở Bỉ, Pháp, Đức và Luxembourg. Đơn vị này được cho là đã giúp Mỹ cứu sống được hàng ngàn binh sĩ nước họ.
Khủng bố IS cũng vận dụng chiến thuật này
Lừa dối trong chiến tranh mở rộng ra cả các nhân tố phi nhà nước. Vào năm 2016, quân đội Iraq thu giữ được các mô hình bằng gỗ mô phỏng xe ô tô Humvee và xe tăng, do các chiến binh của tổ chức khủng bố cực đoan Nhà nước Hồi giáo tự xưng tạo ra. Các mô hình này có mục đích thu hút hỏa lực từ máy bay của lực lượng liên quân do Mỹ dẫn dắt. Dù mô hình làm bằng gỗ, nhìn từ xa, chúng khá giống xe thật, một số mô hình thậm chí còn có các man-nơ-canh có râu ở ghế tài xế để việc đánh lừa được y như thật.
Thiếu sức mạnh không quân, tổ chức IS hy vọng bằng cách này sẽ phân tán sức mạnh của máy bay liên quân chống IS, vô hiệu hóa lợi thế của họ trên không và bảo vệ kho xe tải, xe tăng và xe thiết giáp chở quân mà chúng chiếm được.