Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Chiến thắng trận đầu của Hải quân Việt Nam: Lực lượng non trẻ lập nên kỳ tích

Chiến thắng trận đầu của Hải quân Việt Nam đã cổ vũ cho niềm tin và khí thế tiến công của quân và dân miền Bắc, đánh bại cuộc leo thang của đế quốc Mỹ.

Trong trận chiến đấu ngày 2 và 5/8/1964, quân dân toàn miền Bắc đã đánh đuổi tàu khu trục của Mỹ, bắn rơi 8 máy bay, bắn bị thương nhiều chiếc khác, bắt sống 1 giặc lái. 

Trước quân đội Mỹ hùng mạnh, Hải quân Nhân dân Việt Nam khi ấy còn rất non trẻ, chỉ mới thành lập được 9 năm. Nhưng bằng lòng quả cảm, căm thù giặc sâu sắc, lực lượng chủ yếu là những cán bộ, chiến sỹ mới ở độ tuổi mười chín, đôi mươi, được trang bị vũ khí thô sơ đã chiến đấu ngoan cường với kẻ địch mạnh gấp nhiều lần.

Hải quân Nhân dân Việt Nam đánh trả máy bay Mỹ bắn phá miền Bắc ngày 5/8/1964.

60 năm đã qua đi, song chiến công đánh thắng trận đầu của quân và dân Việt Nam vẫn còn nguyên giá trị lịch sử, thời đại trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.

Gặp lại nhau trong ngày kỷ niệm 60 năm chiến thắng trận đầu, những chàng trai tuổi mười tám, đôi mươi tham gia trận đánh thử lửa của Hải quân nhân dân Việt Nam nay đã trở thành những cựu binh ở độ tuổi xưa nay hiếm. Thời gian có thể khiến họ già đi, sức khỏe yếu hơn, nhưng ký ức về một thời trai trẻ cống hiến, hy sinh vì Tổ quốc vẫn sục sôi như mới hôm qua.

Các cựu binh kính cẩn trước anh linh đồng đội.

Ông Nguyễn Văn Khanh, nguyên khẩu đội trưởng pháo 37, vị trí số 4 trên tàu tuần tiễu T122, phân đội 2, tiểu đoàn 1, không thể quên được trận mưa bom mà máy bay Mỹ ném xuống vùng biển Quảng Ninh ngày 5/8/1964. Đó là lúc gần 14h chiều, khi các ông đang tập xà kích trên tàu thì máy bay Mỹ bổ nhào hàng đàn từ 8-9 chiếc, quần thảo trên bầu trời. Ngay lập tức, các phân đội tàu của Hải quân Nhân dân Việt Nam được lệnh quay neo vào vị trí quyết chiến với địch.

"Tốc độ của tàu nhanh đến mức nào cũng bằng không vì máy bay tốc độ rất nhanh 250km/giây. Nó bổ nhào đánh trả nhưng tàu đánh cũng rất quyết liệt. Đơn vị tôi cũng đã bắn rơi 1 máy bay, bắn bị thương 2 chiếc và bắt sống 1 phi công. Tối hôm đó, ông Phạm Văn Đồng vào động viên ngay tại cảng", ông Nguyễn Văn Khanh cho biết.

Ông Nguyễn Văn Khanh.

Không chỉ đánh phá ác liệt tại vùng biển Quảng Ninh, chỉ trong ngày 5/8/1964, 64 lượt máy bay của Mỹ đã không kích dữ dội vào các khu vực ven biển cảng Giang (Quảng Bình), Bến Thủy (Vinh, Nghệ An), Lạch Trường (Thanh Hóa) và khu vực Hòn Gai. Giới cầm quyền Mỹ vu cáo lực lượng Hải quân miền Bắc vô cớ tấn công đánh đuổi tàu Ma Đốc ngày 2/8, buộc tàu của Mỹ phải rút chạy ra vùng biển quốc tế và vin vào cớ này để leo thang đánh phá miền Bắc Việt Nam.

Kịch bản Sự kiện Vịnh Bắc Bộ đã được Mỹ công phu dàn dựng khi tình thế của Mỹ - Ngụy ở miền Nam đang rơi vào thế lâm nguy. Chúng không thể ngờ, một binh chủng non trẻ mới chỉ thành lập từ năm 1955 đã ngoan cường cùng quân và dân ta chiến đấu, làm thất bại ê chề mũi tiến công của đế quốc Mỹ.

Cũng là nhân chứng của chiến công hiển hách ngày ấy, ông Đỗ Mạnh Hoán, nguyên là nhân viên cơ điện thuộc phân đội 3 tàu phóng lôi được giao nhiệm vụ hành quân vào sông Gianh để đánh tàu biệt kích. Năm đó, ông Hoán chỉ mới 21 tuổi, tham chiến trận đầu sau 2 mùa huấn luyện.

So sánh tương quan của ta và địch, ông Đỗ Mạnh Hoán cho biết, tàu của ta chỉ có 25 - 26 tấn so với tàu khu trục của Mỹ là 1000 tấn. Trên tàu của ta chỉ có 2 ống phóng và 2 nòng súng 14,5mm, lắp thêm 2 quả khói mù và 2 quả bom chìm. Trong khi tàu khu trục của Mỹ có cả trăm nòng súng. Cho nên chênh lệch lực lượng rất lớn. Nhưng Hải quân nhân dân Việt Nam không run sợ trước điều đó, chúng xâm phạm vùng biển của ta phải đánh phải đuổi.

"Dân tộc của mình có ý chí như thế, giặc đến nhà đàn bà cũng phải đánh”, ông Đỗ Mạnh Hoán nói.

Các cựu chiến binh gặp mặt trong Lễ tưởng niệm anh hùng liệt sỹ và nhân dân hy sinh trong chiến thắng trận đầu.

Trong trận đầu thử lửa của Hải quân nhân dân Việt Nam, tàu Ma Đốc thuộc hạm đội 7 của Mỹ là loại tàu chuyên săn ngư lôi, lại bị chính tàu phóng lôi của Việt Nam đánh đuổi phải chạy thoát thân ra khỏi vùng biển Vịnh Bắc bộ. Đó không chỉ là chiến thắng từ sức mạnh ý chí của một dân tộc kiên cường mà còn là kết quả của những ngày tháng huấn luyện gian khổ, làm chủ vũ khí, trang bị, sẵn sàng nghênh chiến với quân thù.

Ông Lê Văn Chừng, nguyên thuyền trưởng tàu 225 săn ngầm nhớ lại: “Chúng tôi xây dựng Hải quân là nhờ bạn giúp đỡ, chúng tôi học bạn bè thế giới, học tập tất cả các nước. Tất cả đều ở vị trí chiến đấu của mình; huấn luyện tại chỗ và sẵn sàng chiến đấu. Những ngày căng thẳng là mũ sắt trên đầu. Suốt ngày đêm trực chiến trên tàu để không bị địch uy hiếp".

Ông Lê Văn Chừng.

“Địch đến là biết, địch vào là đánh, đã đánh là thắng”, với tinh thần đó, cán bộ chiến sỹ Hải quân nhân dân Việt Nam cùng với quân và dân ta làm nên chiến thắng trận đầu ngày 2 và 5/8/1964. Chiến thắng đã cổ vũ cho niềm tin và khí thế tiến công của quân và dân miền Bắc, đánh bại cuộc leo thang của đế quốc Mỹ, góp phần làm nên những chiến công liên tiếp của quân và dân hai miền Nam - Bắc trong cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ chống Mỹ cứu nước.

Hương Giang (VOV1)

Tin mới