Cả Nga và Ukraine đang có những điều chỉnh về chiến lược, mục tiêu.
Thay chiến thuật
Các lực lượng Ukraine đang bị mắc kẹt trong cuộc đối đầu với bộ binh và thiết giáp của Nga. Severodonetsk – nơi nằm ở cuối tuyến phòng thủ phía Đông của Ukraine hiện có nguy cơ bị chia cắt làm đôi.
Binh sĩ Ukraine ngồi trên thiết giáp di chuyển gần thành phố Severodonetsk và Lysychansk. (Ảnh: NY Times)
Quân đội Nga một mặt tiếp tục siết chặt vòng vây đối với thành phố này, mặt khác đang từ từ tiến lên phía Bắc trong một nỗ lực cắt đứt các tuyến đường dẫn đến thị trấn Bakhmut. Bộ binh và thiết giáp của Nga cũng đang tiến về phía Nam, hướng đến các thị trấn chiến lược của Sloviansk and Kramatorsk – nơi có những nút giao thông đường sắt quan trọng đối với việc di chuyển trang thiết bị và phương tiện.
Hai mũi tiến công này của Nga được thiết kế để tạo ra gọng kìm ngày càng siết chặt cho đến khi Severodonetsk và Lysychansk bị cắt đứt khỏi phần còn lại của Ukraine và các đơn vị Ukraine bị bao vây hoàn toàn bên trong.
Cuộc chiến hiện giờ bước sang tháng thứ 4 và các bên đang từ từ thay đổi chiến thuật. Quân đội Nga đã giữ lại những đơn vị tốt nhất để thực hiện chiến dịch ở Donbass, đồng thời củng cố vị trí của mình ở những nơi khác bằng cách triển khai lực lượng dự bị được trang bị các loại xe tăng cũ hơn chẳng hạn như T-62.
Khi các đơn vị phòng không Ukraine rút khỏi Severodonetsk để tránh bị bao vây, lực lượng Nga vốn đang bị đe dọa bởi các loại vũ khí phòng không vác vai, có thể hoạt động an toàn hơn. Điều này cho phép không quân Nga hỗ trợ những cuộc tiến công trên mặt đất, dội hỏa lực vào các thành phố đang bị bao vây.
Tuy nhiên, Nga cũng gánh chịu những thiệt hại nhất định. Vào đầu tháng 5, một số tiểu đoàn của Nga đã cố gắng vượt sông Siversky Donets nhằm cắt đứt tuyến phòng thủ của Ukraine ở 2 thành phố nằm 2 bên bờ con sông này. Để vượt qua con sông, Nga buộc phải lắp ráp các cây cầu phao, nhưng hoạt động của họ đã bị máy bay không người lái của Ukraine phát hiện. Kết quả là các đơn vị pháo binh Ukraine đã tiến hành một cuộc tập kích phá hủy câu cầy này, gây tổn thất lớn cho các đơn vị Nga.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn khi triển khai chiến thuật mới, nhưng các lực lượng Nga vẫn đạt được những bước tiến trên chiến trường. Tuyến đường tiếp tế đã được rút ngắn, mục tiêu cũng được thu gọn lại, thành công đến chậm hơn nhưng chắc chắn hơn sau khi bộ chỉ huy cấp cao của Nga rút ra được những bài học kinh nghiệm từ giai đoạn đầu của chiến dịch quân sự và tìm cách thích nghi với mặt trận ở miền Đông.
Hiện cả Nga và Ukraine đều sử dụng máy bay không người lái và lực lượng pháo binh một cách hiệu quả. Pháo binh là vũ khí chính tại chiến trường miền Đông. Các cuộc tấn công bằng pháo binh có thể gây ra hậu quả tàn khốc cho đối phương khi họ có ít nơi trú ẩn.
Các hệ thống vũ khí nước ngoài, pháo phản lực, xe tăng và nhiều bệ phóng tên lửa do phương Tây cung cấp cho Ukraine có thể làm thay đổi phần nào cán cân trên chiến trường, nhưng chúng cũng có những hạn chế riêng.
Đổi mục tiêu
Ngoài chiến thuật, mục tiêu của các bên cũng thay đổi. Trọng tâm hiện giờ là các nút giao thông quan trọng, chẳng hạn như giao thông đường sắt bởi ở khu vực Donbass, binh sỹ và phương tiện quân sự phải di chuyển trên những quãng đường dài nằm cách xa nhau. Vì thế việc kiểm soát được những nút giao thông này mang lại rất nhiều lợi thế.
Các đoàn tàu có thể vận chuyển hàng trăm binh sỹ và trang thiết bị nặng hàng nghìn tấn ra tiền tuyến. Điều này rất hữu ích cho quân đội mỗi nước, giúp họ duy trì các cuộc tấn công nhằm vào mục tiêu của đối phương.
Một binh sĩ Ukraine đứng trên một chiếc xe tăng ở vùng Donetsk, vào ngày 8/6. (Ảnh: Reuters)
Nga vẫn chưa áp đảo lực lượng không quân của Ukraine và họ dường như không cố gắng làm điều đó. Bởi Moskva đang đạt được những lợi thế nhất định nhờ sử dụng các lực lượng ngày thiện chiến, cũng như giữ cho mức độ thương vong tương đối thấp khi so sánh với giai đoạn đầu của chiến dịch quân sự. Lực lượng không quân đã hỗ trợ các đơn vị bộ binh và thiết giáp một cách hiệu quả hơn.
Mỹ và các đồng minh trong NATO dù ồ ạt chuyển giao vũ khí cho Ukraine nhưng vẫn từ chối cung cấp cho nước này những hệ thống tên lửa có thể tấn công vào lãnh thổ Nga do lo ngại bị kéo vào một cuộc đối đầu trực tiếp với Moskva.
Thách thức về hậu cần
Xung đột kéo dài không chỉ ảnh hưởng đến tinh thần của các binh sỹ mà còn làm hao mòn các loại vũ khí mà quân đội mỗi nước đang sử dụng. Nòng pháo sẽ bị mòn sau khi bắn hàng nghìn viên đạn, mất độ chính xác và cần được thay thế. Bánh xích của xe bọc thép cần được bảo dưỡng thường xuyên. Nhiều phương tiện hư hỏng cần được sửa chửa. Nhưng những công việc này đòi hỏi rất nhiều thời gian và nhân lực.
Nếu như quân đội Nga gặp nhiều khó khăn trong quá trình bảo trì thì Ukraine cũng phải đối mặt với thách thức lớn khi sửa chữa nhiều khí tài quân sự của nước ngoài mà họ không quen thuộc hoặc có ít phụ tùng thay thế. Chưa kể, Ukraine đang thiếu nhân lực trong các đội ngũ bảo trì chuyên nghiệp có thể sửa chữa những khí tài quân sự bị hư hỏng như xe tăng hay pháo binh và khiến chúng hoạt động hiệu quả trở lại.
Giới phân tích cho rằng, một trong những động thái khôn ngoan về mặt chiến lược của Nga là tấn công vào các cơ sở sửa chữa của Ukraine ở phía sau chiến tuyến để làm gián đoạn công việc sửa chữa và bảo dưỡng thiết bị của Ukraine, với mục đích cuối cùng là giảm số vũ khí và phương tiện mà đối phương có thể sử dụng được trên chiến trường.
Tuy vậy, Nga cũng đang bắt đầu cạn kiệt dần các phương tiện bọc thép và pháo binh khi cuộc chiến gây thiệt hại nặng nề về trang thiết bị, còn nền kinh tế nước này đang gồng mình chống chọi với các lệnh trừng phạt. Xung đột hiện đang tập trung vào các tuyền đường tiếp tế, hậu cần và các cuộc tấn công đang tập trung vào những mục tiêu nhỏ thay vì các mục tiêu lớn như trước đây.
Còn theo thông tin từ Cố vấn Tổng thống Zelensky - ông Mikhail Podolyak, Ukraine mỗi ngày mất khoảng 100 đến 200 binh sỹ tại Donbass. Kiev đang mất đi những binh sỹ tốt nhất khi các lực lượng nước này bị cuốn vào guồng xoáy của một cuộc chiến dữ dội mà không có dấu hiệu hạ nhiệt.
Chiến sự đã kéo dài trong nhiều tháng qua và dường như đang có một cuộc chạy đua ngầm giữa Nga-Ukraine để xem nước nào sẽ là bên kiệt sức trước trong giai đoạn mới của cuộc xung đột, cũng như liệu phương Tây có thể tiếp tục trang bị vũ khí cho Ukraine hay không khi Nga đang dần đạt được các mục tiêu của nước này.
Xung đột leo thang có thể khiến Nga phải ban bố lệnh tổng động viện để gia tăng quy mô lực lượng quân đội. Lời cảnh báo sử dụng vũ khí hạt nhân có thể trở thành hiện thực vào một ngày nào đó nếu quốc gia này cảm thấy đang bị đe dọa nghiêm trọng. Nỗi sợ hãi lớn nhất của phương Tây là cuộc chiến sẽ nhanh chóng vượt khỏi tầm kiểm soát, thậm chí dẫn đến chiến tranh hạt nhân – điều mà tất cả các bên, trong đó có Nga đều muốn tránh.