Với toan tính của các bên, chiến sự tại Ukraine đã kéo dài sang ngày thứ 100 song chưa có dấu hiệu kết thúc. Nga, Ukraine và những bên liên quan bắt đầu ngấm đòn từ những hệ lụy của cuộc xung đột này. Những tưởng chiến dịch của Nga tại Ukraine là cuộc chiến chỉ có Moskva và Kiev, song trên thực tế không phải vậy. Bởi những gì đang diễn ra tại chiến trường Ukraine còn có sự dính líu của Mỹ, NATO, EU… khi các bên này tích cực hỗ trợ quân sự, kinh tế cho Kiev.
Theo các chuyên gia, chính sự can dự với các cấp độ và cách thức khác nhau của phương Tây khiến cho xung đột Nga - Ukraine kéo dài. Nhiều nhận định cho rằng, kết quả trên thực địa sẽ quyết định thành bại cuối cùng trên bàn đàm phán để chấm dứt chiến sự hiện nay.
Lợi thế thuộc về Nga
Theo Đại sứ Nguyễn Quang Khai, chính sự hỗ trợ về quân sự và kinh tế của phương Tây đối với Ukraine là nguyên nhân chính khiến cho cuộc khủng hoảng giữa Moskva và Kiev tiếp diễn. Ông lập luận rằng, nếu không có sự hậu thuẫn đó thì Ukraine khó chống cự trước sức mạnh của quân đội Nga.
Chiến sự Nga - Ukraine bước sang ngày thứ 100 mà chưa có dấu hiệu kết thúc.
“Chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine không phải là cuộc chiến giữa Nga và Ukraine mà là cuộc chiến giữa Nga và NATO, đứng đầu là Mỹ. Mục tiêu của nó là nhằm thiết lập lại trật tự thế giới mới. Nga và một số nước không chấp nhận thế giới đơn cực do Mỹ vạch ra và muốn thông qua chiến dịch quân sự tại Ukraine để thiết lập lại trật tự thế giới mới, thế giới đa cực”, Đại sứ Nguyễn Quang Khai nói về mục đích sâu xa của cuộc chiến.
Với những diễn tiến trên thực địa thời gian qua tại Ukraine, một số ý kiến cho rằng chính Nga đang phải hứng chịu thất bại. Tuy nhiên, Đại sứ Nguyễn Quang Khai cho rằng nhận định này chưa hoàn toàn chính xác, bởi trong cuộc chiến hiện nay, Moskva không chỉ chiến đấu với một Ukraine mà còn là cuộc đối đầu của Nga với 30 nước - những quốc gia đang tài trợ cho đắc lực cho Kiev, tiếp tục chiến đấu với quân Nga hòng làm suy yếu Moskva về mọi mặt.
“Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine đã diễn ra 100 ngày, Nga không chỉ duy trì cuộc chiến mà còn tấn công và đạt được một số kết quả. Cho đến nay, Nga đã kiểm soát được một số thành phố ở phía Đông Ukraine, trong đó quan trọng nhất là Kherson, cảng biển Mariupol, đảo Rắn, cũng như các bờ biển dọc địa Trung Hải.
Các nước NATO cung cấp vũ khí, tiền bạc, thông tin tình báo cho Ukraine, đồng thời áp đặt loạt biện pháp cấm vận chưa từng có trong lịch sử đối với Nga. Tuy nhiên, Nga vẫn chiếm ưu thế trên chiến trường và Moskva không chấp nhận thất bại”, Đại sứ Nguyễn Quang Khai phân tích.
khai 1 (2).jpg
Chiến sự Nga - Ukraine khó có thể kết thúc sớm một khi Mỹ và đồng minh tiếp tục 'bơm' vũ khí cho Kiev.
Đại sứ Nguyễn Quang Khai
Mỹ và đồng minh đang tích cực viện trợ quân sự, cung cấp khí tài để Ukraine đối phó với Nga. Đến nay, Washington đã “bơm” cho Ukraine 14 tỷ USD, trong khi mới đây chính quyền Tổng thống Joe Biden chính thức thông qua khoản trợ cấp bổ sung trị giá 40 tỷ USD cho Kiev. Mỹ cũng đóng vai trò đầu tàu, đứng ra vận động trợ giúp quân sự cho Kiev, với sự tham gia của 40 nước.
Dù vậy, hỗ trợ này không phải là vô tận. Mỹ chuyển giao cho Ukraine hệ thống pháo lựu, nhưng không cấp hệ thống tên lửa tầm xa mà Kiev yêu cầu. Trong khi đó, Đức vẫn chưa thực hiện các hứa hẹn viện trợ vũ khí cho Ukraine mặc dù Thủ tướng Olaf Scholz đã công khai sẽ cung cấp thêm khí tài giúp Kiev phòng thủ trước Nga.
Rõ ràng, ở thời điểm hiện tại, Mỹ và các đồng minh vẫn rao giảng với câu tuyên ngôn “tương lai là do người Ukraine quyết định”. Thế nhưng, trên thực tế, lựa chọn của Kiev lại được định hình dựa trên mức độ hậu thuẫn của phương Tây. Nhiều phân tích cho rằng, nếu không có khí tài từ bên ngoài, Ukraine khó lòng chống đỡ trong thời gian dài trước các đòn tấn công mạnh mẽ từ Nga.
Nhận định cách thức triển khai chiến dịch quân sự của Nga, chuyên gia Nguyễn Quang Khai cho rằng những thiệt hại mà Moskva phải đón nhận là do sự chủ quan. Nga sử dụng quân bộ binh nhiều nên phía Ukraine đáp trả mạnh mẽ và cũng không dự đoán được năng lực thực sự của Kiev khi còn sở hữu nhiều loại vũ khí. Dù được đánh giá cao song quân Nga cũng không dễ dàng đè bẹp Ukraine trong “một sớm một chiều”. Nhìn chung, mặc dù thiệt hại nhưng Nga vẫn chiếm ưu thế trên chiến trường.
Đại sứ Nguyễn Quang Khai nhận định, song song với việc triển khai chiến dịch quân sự tại Ukraine, ở trong nước Nga vẫn đảm bảo được yếu tố kinh tế, duy trì được sản xuất và đảm bảo an sinh cho người dân. Điều này có được là do Moskva đã có những toan tính trước đó, chuẩn bị cho kịch bản xảy ra.
Phương Tây đã áp đặt loạt biện pháp trừng phạt Nga sau khi nước này tiến hành chiến dịch quân sự quy mô lớn ở Ukraine cuối tháng 2. Mới đây, EU tung đòn trừng phạt thứ 6 đối với Moskva, trong đó có lệnh đối với nguồn cung dầu mỏ của Nga vận chuyển qua đường biển. Đòn cấm vận của Mỹ và các đồng minh được cho là một trong những lý do khiến lạm phát tại Mỹ và châu Âu tăng vọt.
“Trong khi giá dầu, khí đốt, ngũ cốc, lúa mì,… tăng nhanh chóng thì Nga lại là nơi sản xuất và xuất khẩu chính nguồn hàng này. Đây cũng là nguồn thu lớn của ngân sách quốc gia này. Chính vì thế, các biện pháp cấm vận đó không làm cho Nga suy yếu mà đang có tác dụng ngược lại. Theo đó, các nước châu Âu lại gặp nhiều khó khăn khi đối mặt với tình trạng thiếu lương thực, khí đốt, lạm phát... Đòn cấm vận đang là con dao hai lưỡi đối với phương Tây”, Đại sứ Nguyễn Quang Khai nhấn mạnh.
Trong khi đó, xét ở khía cạnh chính trị, diễn biến tình hình chiến sự ở Ukraine đã khiến cho Mỹ và đồng minh có những dấu hiệu nhượng bộ Nga khi lãnh đạo, quan chức phương Tây bắt đầu tăng cường mức độ giao thiệp với phía Moskva, thảo luận các giải pháp chấm dứt khủng hoảng.
Xung đột Nga - Ukraine khó có thể kết thúc sớm một khi Mỹ và đồng minh vẫn tiếp tục cung cấp vũ khí cho Kiev.
Chiến sự bao giờ kết thúc?
Hiện nay, một số nguồn tin từ Nga cho rằng Moskva có thể hoàn thành các mục tiêu của mình và kết thúc chiến dịch quân sự đặc biệt vào cuối năm nay. Theo Đại sứ Nguyễn Quang Khai, xung đột Nga - Ukraine có thể sẽ kết thúc sớm hơn, thậm chí là vào cuối mùa Thu tới nếu các bên chấp nhận “xuống thang”.
“Vì sao lại kết thúc vào cuối mùa Thu? Vì cuối mùa Thu là chuyển giao đầu mùa Đông. Khi đó, các nước châu Âu sẽ gặp khó khăn rất nhiều vì thiếu dầu, khí đốt để phục vụ nhu cầu sưởi ấm. Trong tháng 2 vừa rồi, rất nhiều hệ thống nhà dân thiếu nhiên liệu khí đốt, trong khi nhu cầu sưởi ấm tăng cao. Họ phải dùng nhiều biện pháp khác nhau đê giữ ấm, chống lạnh”, Đại sứ Nguyễn Quang Khai cho hay.
Đại sứ Nguyễn Quang Khai lý giải, xuất phát từ nhu cầu cấp thiết đó nên châu Âu sẽ phải tìm cách “mặc cả” với Nga, thậm chí có những nhượng bộ nhất định đối với Moskva để giải quyết tình hình thiếu hụt khí đốt trên khắp lục địa. Bởi vì, nhu cầu khí đốt sẽ còn gia tăng vào mùa Đông năm nay.
Cũng theo Đại sứ Nguyễn Quang Khai, chiến sự tại Ukraine thậm chí có thể kết thúc sớm hơn nếu phương Tây chấm dứt việc cung cấp vũ khí cho Kiev. Tuy nhiên, một khi Washington và các nước châu Âu vẫn cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine thì cuộc chiến còn tiếp diễn và không biết bao giờ kết thúc.
Đồng quan điểm, Đại tá Nguyễn Minh Tâm, Giám đốc Trung tâm Tư liệu khoa giáo, Học viện Chính trị Công an nhân dân, cho rằng đến nay, sau 100 ngày chiến sự, không có một chuyên gia quốc tế nào có thể đưa ra được thời điểm kết thúc cuộc chiến.
“Về phía Moskva, người đứng đầu Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố quân đội nước này sẽ kết thúc chiến sự sau khi hoàn thành tất cả các mục tiêu đề ra. Và mục tiêu đó cũng không có gì khác hơn điều mà điện Kremlin đã tuyên bố là ‘phi phát xít hóa và phi quân sự hóa’ Ukraine, đưa quốc gia này về trạng thái trung lập như họ đã từng có.
Tuy nhiên, việc người Nga hoàn thành các mục tiêu đó bằng các biện pháp quân sự kết hợp với ngoại giao và chính sách an dân có nguy cơ kéo dài do phía Kiev vẫn chưa có một tín hiệu ‘xuống thang’ trước sức ép từ Mỹ và NATO. Đó là nguyên nhân chính khiến cho cuộc chiến chưa thể sớm chấm dứt”, Đại tá Nguyễn Minh Tâm phân tích.
Đại tá Nguyễn Minh Tâm chỉ ra rằng, trong bối cảnh hiện nay, chỉ đến khi nhận thấy rõ rằng quân đội và vệ binh quốc gia Ukraine bị tổn thất nặng, lâm vào thế bị động trên chiến trường và không còn khả năng giành thắng lợi thì các Mỹ và phương Tây mới tính đến phương án “đàm phán”.
Theo Đại tá Nguyễn Minh Tâm, với những gì đã đạt được trên chiến trường, quân đội Nga chắc chắn sẽ không dừng lại cho đến khi họ làm xong hai việc. Một là đánh sập xương sống của quân đội Ukraine, đặc biệt là loại bỏ hầu hết các tổ chức tân phát xít, những phần tử dân tộc cực đoan có gốc gác từ miền Tây Ukraine. Hai là củng cố các vùng hậu phương, thực thi chính sách an dân, khôi phục đời sống bình thường của người dân Ukraine, giúp họ tái thiết và phát triển kinh tế.
Nga, Ukraine và những bên liên quan bắt đầu ngấm đòn từ những hệ lụy của cuộc xung đột này.
Nói về thời điểm kết thúc thực sự của cuộc chiến, chuyên gia an ninh Việt Nam cho rằng, người dân Ukraine đang là nạn nhân của cuộc chiến và họ sẽ quyết định số phận của cuộc chiến. Ông lý giải, nếu người Ukraine đứng dậy, họ sẽ quyết định số phận của chính mình, mở ra một thời đại mới cho Ukraine, đưa quốc gia này thoát khỏi tình trạng bị lệ thuộc vào phương Tây, bị xâu xé và bị biến thành “con tốt” trên bàn cờ chiến lược các nước lớn.
Trong tình hình hiện nay, nội bộ nước Mỹ, NATO và châu Âu đang có những lục đục, quan điểm trái chiều liên quan đến việc cung cấp vũ khí cho Ukraine. Cuộc chiến kéo dài dẫn đến lạm phát tăng cao, tình trạng thiếu nhiên liệu và lương thực diễn ra trên toàn cầu.
“Cuộc chiến tổng lực mới chỉ diễn ra khoảng 100 ngày, chưa thể ngã ngũ được, nên Mỹ, NATO và EU sẽ có những chính sách điều chỉnh, thích ứng linh hoạt với tình hình để vừa đạt được mục tiêu đối ngoại là gây sức ép mạnh mẽ về mọi mặt lên Nga, vừa đảm bảo các mục tiêu đối nội như điều tiết kinh tế, kiểm soát lạm phát cũng như trấn an lòng dân…”, ông Nguyễn Quang Khai nói.
Trong bối cảnh 2 bên vẫn giằng co, lợi thế trên thực địa chưa thực sự rõ ràng thì xung đột khó có thể sớm kết thúc. Đối với trường hợp Nga - Ukraine hiện nay, điều đó sẽ chỉ diễn ra khi Moskva đạt được các mục tiêu đề ra, trong khi Kiev “biết mình, biết ta” và chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán.
Bất đồng về quan điểm, thiếu niềm tin là những yếu tố khiến cho đàm phán giữa Nga và Ukraine bế tắc và chưa đi đến hồi kết. Tuy nhiên, những nỗ lực không ngừng của Thổ Nhĩ Kỳ cũng được xem là tín hiệu tích cực cho tiến trình đối thoại giữa hai bên, mở ra cơ hội cho việc kết thúc khủng hoảng hiện nay.
“Mới đây, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết nước này sẵn sàng đứng ra tổ chức cuộc đàm phán giữa Nga - Ukraine, với sự tham dự của đại diện Liên hợp quốc. Ankara cũng sẽ đứng ra trung gian cho việc xuất khẩu lúa mì, ngũ cốc, phân đạm của Nga cho các nước châu Âu và các nước khác. Nếu cấm vận vẫn tiếp tục diễn ra thì các nước châu Âu sẽ gặp khó khăn”, Đại sứ Nguyễn Quang Khai chia sẻ.
Nhận định về hồi kết của chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine, chuyên gia Nguyễn Quang Khai cho rằng, rút cuộc Nga sẽ giành được thắng lợi, trật tự thế giới cũng sẽ được vẽ lại. Việc Moskva dành thắng lợi trước Kiev cũng đồng nghĩa là chiến thắng trước cả NATO và Mỹ.
“Với kịch bản này, Nga sẽ đóng vai trò hết sức quan trọng, ngang bằng vị thế đối với các nước khác ở châu Âu. Moskva phải có vai trò lớn hơn, tham gia vào cơ chế an ninh tập thể của châu Âu. Nga muốn lợi ích của nước này được đảm bảo”, Đại sứ Nguyễn Quang Khai cho biết.