Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đến năm 2030

(VTC News) -

Ngày 11/10, Chính phủ ban hành Nghị quyết 168 về Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đến năm 2030.

Trong chiến lược này, Chính phủ đề ra 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp. 

Cụ thể, hoàn thiện chính sách, pháp luật trên các lĩnh vực quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Kiện toàn tổ chức bộ máy nhà nước, hoàn thiện chế độ công vụ, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức liêm chính; nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Nâng cao nhận thức, phát huy vai trò và trách nhiệm của xã hội trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Tích cực tham gia, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng, thực hiện đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của quốc gia thành viên Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng.

Trước đó, theo quyết định của Thủ tướng, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái làm Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng. (Ảnh: quochoi.vn).

Theo Nghị quyết 168, Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đến năm 2030 được thực hiện theo hai giai đoạn.

Từ năm 2023-2026: Tổ chức thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, trong đó tập trung nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung khắc phục những sơ hở bất cập của pháp luật. Chú trọng nâng cao năng lực, hiệu quả trong phòng ngừa, phát hiện, xử lý các hành vi tham nhũng, tiêu cực.

Từ năm 2026-2030: Xây dựng kế hoạch cụ thể để thực hiện chiến lược và đẩy mạnh thực hiện toàn diện các nhóm nhiệm vụ, giải pháp nhằm hoàn thành các mục tiêu của chiến lược.

Chiến lược sẽ được tổng kết vào năm 2031.

Nghị quyết nêu rõ, trong những năm qua, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo chuyển biến mạnh mẽ, có bước đột phá, gắn kết chặt chẽ giữa "xây" và "chống", có hiệu quả, ngày càng đi vào chiều sâu, góp phần kiềm chế, ngăn chặn tình trạng tham nhũng, tiêu cực.

Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình hưởng ứng, đánh giá cao, cộng đồng quốc tế ghi nhận.

Chính phủ đánh giá, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Nhiều bộ, ngành, địa phương chưa có sự chuyển biến rõ nét trong phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng, tiêu cực.

Tham nhũng, tiêu cực còn diễn ra nghiêm trọng, phức tạp trên nhiều lĩnh vực, nhất là tổ chức cán bộ; quản lý tài chính, ngân sách, tài sản công, quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, đầu tư, xây dựng, đấu thầu, đấu giá; đất đai, tài nguyên, khoáng sản; tín dụng, ngân hàng; thuế, hải quan và các lĩnh vực thực thi pháp luật liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp.

Nhìn nhận nguyên nhân, Chính phủ cho rằng cơ chế quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn hạn chế, bất cập; việc thực thi pháp luật chưa nghiêm, kết quả phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực chưa đủ sức răn đe.

Bên cạnh đó, việc tổ chức bộ máy còn chồng chéo, chưa tinh gọn, hoạt động chưa hiệu quả; một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, viên chức suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; sự tham gia của xã hội trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực còn hạn chế.

Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề, các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc "Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đến năm 2030".

Chính phủ kiến nghị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, TAND tối cao, VKSND tối cao, Kiểm toán Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các cơ quan báo chí cùng toàn thể Nhân dân tham gia thực hiện, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chiến lược này.

Anh Văn

Tin mới