Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Chiến lược khác người của VinFast

(VTC News) -

Khi thị trường xe đang gặp nhiều khó khăn vì COVID-19, hãng xe non trẻ VinFast lại có những chiến lược táo bạo để giành miếng bánh thị phần trong nước và xuất khẩu.

Thị phần, không phải lợi nhuận

Chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông Tập đoàn Vingroup ngày 28/5/2020, Chủ tịch Phạm Nhật Vượng khẳng định, đại dịch COVID-19 tác động xấu đến việc bán hàng của VinFast, nhưng tập đoàn đã có những chiến dịch khuyến mãi sâu để đẩy doanh số.

“Dù thị trường giảm, miếng bánh còn rất lớn, mục tiêu của chúng ta không phải lợi nhuận mà là thị phần”, ông Vượng nhấn mạnh.

Câu nói của vị Chủ tịch Tập đoàn khiến không ít người bất ngờ, dù đã ít nhiều biết đến cách “chơi” khác người của ông từ xưa đến nay. Với kinh doanh, câu chuyện lợi nhuận thường xuyên phải được đặt lên hàng đầu. Sau COVID-19, lợi nhuận càng khiến nhiều doanh nghiệp phải “lao tâm khổ tứ”. Tuy nhiên, ông Vượng lại cho thấy VinFast xếp lợi nhuận xuống hàng thứ hai, sau khi đã giành được thị phần.

Phân tích chiến lược táo bạo này, không ít chuyên gia kinh tế cho rằng, đó là bước đi hết sức “ngông” nhưng cũng không kém phần khôn ngoan của VinFast, bởi khi đã chiếm được thị phần, chiếm được niềm tin khách hàng rồi thì không cần giành, lợi nhuận sẽ là điều tất yếu.

Sự an tâm và quyền lợi tối đa của khách hàng khi sử dụng sản phẩm là mối quan tâm lớn nhất đối với VinFast.

Thật vậy, chiến lược chiếm thị phần của VinFast được hiện thực hóa ngay sau khi thương hiệu này gia nhập thị trường không lâu. Trong quý I/2020, VinFast lập tức bán được 5.124 xe, trong đó Fadil 3.195 xe, Lux SA 1.024 xe và Lux A 905 xe. Với con số này, ít ai ngờ hãng xe non trẻ VinFast lọt TOP 5 trên thị trường, sau những cái tên lâu đời như Hyundai, Toyota, Kia và Honda.

 
"VinFast chấp nhận bù lỗ từ 3 -5 năm, vì mảng công nghiệp phải kiên trì, đầu tư lớn. Nhưng trong 3 năm này, VinFast chắc chắn chiếm thị phần rất tốt ở Việt Nam và bắt đầu có tên tuổi nhất định ở thị trường Mỹ”

Phạm Nhật Vượng

Bên cạnh đó, VinFast còn tung ra hàng loạt chương trình khuyến mãi lớn mà không phải “đại gia” ô tô nào cũng có thể “hào phóng” như thế. Trong đó, việc tận dụng hệ sinh thái sẵn có của Vingroup là một lợi thế. Khách hàng mua nhà Vinhomes sẽ được tặng các voucher khi mua xe trị giá lần lượt 75 triệu đồng cho mẫu VinFast Fadil, 150 triệu đồng cho VinFast Lux A2.0 và 200 triệu đồng khi mua Lux SA2.0.

Ông Phạm Nhật Vượng cũng từng thông tin, mỗi chiếc xe bán ra, VinFast phải bù lỗ khoảng 300 triệu đồng. Nhưng, điều đó không khiến VinFast “chùn tay” khuyến mãi. Hay như mới đây, việc mở siêu thị xe Smart Solotion thực hiện đổi cũ lấy mới của VinFast là điều mà chưa hãng nào dám làm tại thị trường Việt Nam. Smart Solotion đang thu hút sự chú ý đặc biệt của người tiêu dùng. Đây cũng là một trong những nước đi táo bạo của hãng xe nhằm thúc đẩy thị trường trong nước.

VinFast vừa công bố chính sách bảo hành 5 năm cho dòng ô tô Lux, trở thành hãng xe có chế độ bảo hành tốt nhất Việt Nam. Đây là một chính sách đột phá, với mong muốn mang lại cho khách hàng sự an tâm và quyền lợi tối đa khi sử dụng sản phẩm của VinFast.

3 năm tới sẽ có tên tuổi ở thị trường Mỹ

Còn nhớ, trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg vào cuối năm 2019, Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng khẳng định mong muốn xuất khẩu xe điện sang Mỹ vào năm 2021 và dự định rót tới 2 tỷ USD để đạt mục tiêu này.

Tại Đại hội đồng cổ đông Vingroup mới nhất cuối tháng 5/2020, ông Phạm Nhật Vượng một lần nữa nhắc lại: “Mục tiêu của Vingroup đối với VinFast trong thời gian tới là: Ngoài kinh doanh tại thị trường Việt Nam, VinFast hướng tới xuất khẩu, với thị trường trọng điểm là Mỹ. Sau khi đạt sản lượng nhất định tại Mỹ mới triển khai các thị trường khác”.

Để minh chứng cho điều này, mới đây, VinFast chạy thử nghiệm phiên bản đầu tiên của mẫu xe điện cỡ C. Dự kiến, mẫu xe này chính thức được ra mắt tại triển lãm Los Angeles Auto Show vào tháng 11/2020. Tháng 1/2021, VinFast bắt đầu đưa xe đi thử nghiệm tại nhiều quốc gia trên thế giới, trước khi sản xuất hàng loạt và bán ra thị trường từ tháng 7/2021.

VinFast khai trương văn phòng tại Melbourne, Australia.

Ngoài phiên bản sử dụng động cơ điện, mẫu xe cỡ C của VinFast sẽ có thêm phiên bản sử dụng động cơ xăng của BMW. Ngoài ra, hiện VinFast cũng đang phát triển một dòng xe cỡ B với 2 phiên bản xăng và điện.

Ông Vượng tự tin vào sức trẻ và sự thắng thế của VinFast ở thị trường khổng lồ này. “Chúng tôi coi Mỹ là thị trường trọng điểm, là phép thử để đánh giá hiệu quả. Mỹ là một trong những thị trường khó nhất, nếu thành công ở Mỹ thì việc chinh phục các thị trường khác sẽ dễ dàng hơn. Với những công ty mới, công ty start-up như thế này, chúng tôi đặt mục tiêu rất cao và nghiêm khắc.

VinFast chấp nhận bù lỗ từ 3 -5 năm, vì mảng công nghiệp phải kiên trì, quyết liệt đầu tư, đầu tư lớn. Nhưng trong 3 năm này, VinFast chắc chắn chiếm thị phần rất tốt ở Việt Nam và bắt đầu có tên tuổi nhất định ở thị trường Mỹ”, ông Vượng nói.

Mục tiêu của VinFast được giới chuyên gia nhận định là canh bạc không chỉ mạo hiểm mà còn rất tốn kém. VinFast sẽ phải vượt qua yêu cầu rất cao của người tiêu dùng Mỹ, nơi mà tiêu chuẩn về khí thải và an toàn đang ngày càng ngặt nghèo.

Một thách thức khác là sản xuất và bán thành công xe điện. Rất nhiều startup Trung Quốc được chống lưng bằng hàng tỷ USD vốn đầu tư, đã đặt cược vào việc bán xe điện tại thị trường xe hơi lớn nhất thế giới, nhưng rất ít công ty thành công.

Vậy, điều gì khiến ông Vượng quyết tâm và kỳ vọng vào VinFast nhiều như thế? Chắc hẳn là do ước mơ rất đặc biệt của người giàu nhất Việt Nam. “Chúng tôi muốn gây dựng một thương hiệu Việt Nam danh tiếng thế giới. Thách thức lớn nhất là sản phẩm Việt Nam không có thương hiệu toàn cầu. Với nhiều bạn bè quốc tế, Việt Nam vẫn là một nước nghèo, lạc hậu. Chúng tôi phải tìm cách quảng bá và chứng minh sản phẩm của mình đại diện cho một Việt Nam năng động, đang phát triển và đang tiến tới các chuẩn mực cao nhất của thế giới”, ông Vượng cho biết.

Ngay từ thời điểm bắt đầu, VinFast đã hợp tác chặt chẽ với những cái tên hàng đầu thế giới trong giới kỹ thuật, công nghiệp, công nghệ như BMW, General Motors, Magna Steyr, AVL, Bosch, Siemens, Pininfarina, Ital Design, GROB-WERKE, Eisenmann, Schule…Việc hợp tác với những “người khổng lồ” này đã giúp VinFast đi rất nhanh trên con đường xây dựng thương hiệu của mình khi cho ra đời những sản phẩm đầu tiên có chất lượng ngang bằng với các thương hiệu ô tô nổi tiếng trên thế giới, nhưng lại có giá bán phù hợp với người Việt.

Ngọc Khánh

Tin mới