Video: Thăm lại hầm vũ khí bí mật trong Chiến dịch Mậu Thân 1968
Trong chiến dịch Tết Mậu Thân 1968, để làm nên những đòn tấn công bất ngờ của Biệt động Sài Gòn vào sào huyệt của địch, hàng nghìn tấn vũ khí đã được bí mật vận chuyển từ vùng căn cứ vào nội thành Sài Gòn và được cất giấu trong hầm bí mật.
Một trong những căn hầm bí mật đó vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay. Những căn hầm này là những kỳ tích thể hiện ý chí quyết tâm, sự mưu trí, lòng dũng cảm, và trên hết là sự hy sinh, là tấm lòng và niềm tin với cách mạng.
Ngôi nhà tại số 287/70 đường Nguyễn Đình Chiểu (phường 5, quận 3, TP.HCM) mang vẻ bề ngoài nhỏ bé, giản dị và có phần lặng lẽ nhưng lại ẩn chứa một giá trị lịch sử to lớn.
Ngôi nhà 287/70 Nguyễn Đình Chiểu được chọn làm nơi cất giấu vũ khí cho Chiến dịch Tết Mậu Thân 1968.
Năm 1968, để sẵn sàng cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân, Khu ủy và Bộ tư lệnh Quân khu Sài Gòn - Gia Định đã chỉ đạo đơn vị bảo đảm A20 và A30 xây hầm, vận chuyển, cất giấu vũ khí.
Để thực hiện nhiệm vụ, gia đình ông Trần Văn Lai (tức Năm Lai, nguyên chiến sỹ Biệt động Sài Gòn - Gia Định) đã chọn mua ngôi nhà số 287/70 đường Nguyễn Đình Chiểu rồi lấy cớ sửa nhà, âm thầm đào hầm, chuẩn bị cho việc vận chuyển, cất giấu vũ khí.
Đến Tết Mậu Thân 1968, căn hầm này đã chứa trên 2 tấn vũ khí các loại như thuốc nổ, súng AK, súng ngắn, B40, hàng nghìn lựu đạn, viên đạn...
Đến thời điểm tổng tiến công, đội Biệt động Sài Gòn và các tiểu đoàn chủ lực của Khu ủy và Bộ tư lệnh Quân khu Sài Gòn - Gia Định bất ngờ tập kích, chiếm giữ các mục tiêu.
Trong đó, 15 chiến sỹ đội 5 đã nhận vũ khí từ căn nhà 287/70 đường Nguyễn Đình Chiểu rồi anh dũng tiến về Dinh Độc lập, thực hiện trận đánh táo bạo, uy hiếp cơ quan đầu não và các công sở trọng yếu của chính quyền Sài Gòn.
Bên trong căn hầm bí mật từng cất giấu hơn 2 tấn vũ khí cho Biệt động Sài Gòn.
Ngôi nhà lịch sử này đã được ông Trần Kiến Xương, con trai ông Trần Văn Lai tiếp quản. Với ông, đó vừa là niềm tự hào, vừa là trách nhiệm lớn lao để tiếp nối truyền thống của gia đình cách mạng.
Năm 1988, hầm vũ khí của Biệt đội Sài Gòn tại số 287/70 Nguyễn Đình Chiểu (quận 3, TP.HCM) được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
Năm 2015, ông Trần Văn Lai được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Đó là minh chứng cho sức mạnh của lòng dân, cho sức mạnh quả cảm của các chiến sỹ Biệt động Sài Gòn năm xưa.