Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Chiến dịch 60 ngày đêm giải ngân đầu tư công ở TP.HCM đang diễn ra thế nào?

(VTC News) -

TP.HCM đang “chạy nước rút” để thực hiện kế hoạch ‘thần tốc’ 60 ngày đêm giải ngân lượng vốn đầu tư công khổng lồ trên địa bàn và còn 39 ngày để về đích.

Đầu tư công là vấn đề được Chính phủ quan tâm hàng đầu ở thời điểm này. Đầu tư công, xuất khẩu và tiêu dùng nội địa chính là “cỗ xe tam mã” có sức kéo mạnh mẽ và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Thế nhưng, giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ đầy thách thức đối với các Bộ, ngành, địa phương trong năm 2023.

60 ngày đêm giải ngân đầu tư công ở TP.HCM đang diễn ra thế nào?

Áp lực khổng lồ

TP.HCM là đầu tàu kinh tế của cả nước nên việc phải chịu áp lực giải ngân lớn nhất cũng là điều dễ hiểu. Thành phố có nhiệm vụ giải ngân hơn 68.800 tỷ đồng trong năm 2023, cao hơn hẳn so với các thành phố khác như Hà Nội (gần 47.000 tỷ đồng), Đà Nẵng (gần 8.000 tỷ đồng), Cần Thơ (gần 7.800 tỷ đồng).

Trong tuyên bố mở màn chiến dịch thi đua 60 ngày đêm giải ngân đầu tư công, lãnh đạo TP.HCM nêu rõ quyết tâm đảm bảo thực hiện đạt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2023 theo kế hoạch đề ra, trong đó “kiên trì với mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công đạt 95%”.

TP.HCM quyết đạt mục tiêu giải ngân 95% vốn đầu tư công trong năm 2023. (Ảnh: Hoàng Thọ)

Theo số liệu báo cáo mới nhất của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, tính đến ngày 10/11, TP.HCM mới chỉ giải ngân được khoảng 25.800 tỷ đồng, tức đạt 38% chỉ tiêu giải ngân vốn đầu tư công được Chính phủ giao.

Để thấy rõ hơn về tốc độ giải ngân vốn đầu tư công của thành phố trong những ngày qua, chúng tôi chọn ngày 19/10 làm mốc so sánh. Đây là thời điểm mà thành phố đã giải ngân được khoảng 24.200 tỷ đồng.

Như vậy, từ 19/10 đến 10/11 (22 ngày), TP.HCM chỉ giải ngân thêm được gần 1.600 tỷ đồng.

Rõ ràng, với “vận tốc” này thì kế hoạch giải ngân của TP.HCM khó có thể về đích, thậm chí là tăng tốc lên 2 – 3 lần cũng không kịp bởi số tiền cần giải ngân trong 40 ngày cuối cùng của năm phải đạt gần 40.000 tỷ đồng. Tức mỗi ngày trôi qua, thành phố cần giải ngân bình quân khoảng 1.000 tỷ đồng.

Chỉ thống kê sơ bộ cũng đủ thấy, càng về cuối năm, áp lực giải ngân của thành phố là vô cùng lớn. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, cao điểm nhất của giải ngân đầu tư công là thời điểm cận Tết dương lịch.

Ông Lương Minh Phúc – Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban giao thông) cho biết, nguồn vốn giải ngân thường được “rót” mạnh vào cuối tháng 12.

Theo ông Phúc, tính đến ngày 22/11, Ban giao thông đã giải ngân được 14.200 tỷ đồng trên tổng số 31.000 tỷ đồng, đạt 47%. Trong thời gian tới, đơn vị này cố gắng giải ngân đạt 95%. Các nguồn vốn giải ngân còn lại đều rơi vào thời điểm cuối tháng 12/2023.

Thông tin từ người đứng đầu Ban giao thông cũng phần nào trấn an sự lo lắng của nhiều người vì đây chính là ban “tay to” của thành phố trong giải ngân vốn đầu tư công. Các công trình, dự án do Ban giao thông quản lý chiếm tới hơn 45% số vốn cần giải ngân của TP.HCM.

Sau 3 tháng khởi công, gói thầu XL-08 thuộc dự án Vành đai 3 TP.HCM đi qua huyện Hóc Môn đang dần hình thành. (Ảnh: Hoàng Thọ)

Ông Phúc chia sẻ, để thúc đẩy giải ngân đầu tư công, Ban giao thông sẽ đẩy nhanh khối lượng xây lắp. Phối hợp với các địa phương, Sở ngành để xử lý các vấn đề liên quan đến quy hoạch, cấp phép thi công, giải phóng mặt bằng. Nhiều phương án cụ thể đang được thực hiện để thúc đẩy giải ngân vốn.

Thứ nhất là đẩy nhanh công tác chi trả đền bù, đấu thầu, tạm ứng hợp đồng cho các gói thầu còn lại của Vành Đai 3, nút giao thông An Phú, dự án trên Quốc lộ 50. Số tiền giải ngân là khá lớn. Khi thực hiện xong các nhiệm vụ này thì tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công của thành phố sẽ tăng lên.

Thứ hai, Ban giao thông cùng với các địa phương sẽ hoàn tất việc chi trả công tác đền bù. Hiện tại, có 6 địa phương đang chuẩn bị cho bước chi trả cuối cùng. Đồng thời, đẩy nhanh việc giải phóng mặt bằng cho các dự án lớn. Điển hình như kênh Hàng Bàng (khoảng 550 tỷ đồng), đường Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa (375 tỷ đồng). Dự kiến tiến độ cho nhiệm vụ này sẽ rơi vào cuối năm 2023.

Thứ ba, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án đã khởi công như Vành Đai 3, dự án nút giao thông An Phú, dự án trên Quốc lộ 50, dự án ở khu vực đường Trần Quốc Hoàn. Đẩy nhanh việc giải ngân nguồn vốn ODA.

Dự án Cải tạo hệ thống thoát nước lưu vực kênh Hàng Bàng thuộc dự án Cải thiện môi trường nước TP.HCM qua quận 5 và quận 6 là trọng điểm giải ngân đầu tư công của TP. (Ảnh: Lương Ý)

Theo ông Phúc, sau khi UBND TP.HCM phát động thi đua 60 ngày đêm phấn đấu thực hiện giải ngân vốn đầu tư công thì các đầu việc trong Ban giao thông càng được thực hiện gấp rút hơn.

Hiện tại, mỗi dự án đều có tiến độ chi tiết, từng tổ công tác trực thuộc Ban giao thông đều họp hàng tuần để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Đơn vị đang khẩn trương rà soát từng dự án để đưa ra tiến độ giải ngân hợp lý.

"Đơn vị nào có vướng mắc, cần hỗ trợ, chúng tôi sẽ ngồi họp với nhau để tìm phương án xử lý và báo cáo với UBND TP.HCM. Chẳng hạn như vấn đề giải ngân cho việc giải phóng mặt bằng ở kênh Hàng Bàng với số tiền 550 tỷ đồng, chúng tôi cũng phải tính toán, lên kế hoạch cụ thể xem Sở nào chủ trì, Sở nào sẽ chi trả. Chúng tôi có khoảng 100 đầu việc gắn với 10 địa phương và 6 Sở", ông Phúc nói.

Triển vọng

Có thể thấy, tình hình giải ngân vốn đầu tư công tại Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM đang rất khẩn trương. Một số quận, huyện và TP Thủ Đức cũng đang có tốc độ giải ngân tốt.

Huyện Bình Chánh là một trong những địa phương có kết quả giải ngân vốn đầu tư công khá hiệu quả tại thành phố. Tính đến ngày 20/11, huyện này đã giải ngân được hơn 471 tỷ đồng trên tổng số vốn được giao là 656 tỷ đồng, đạt gần 72%.

Nhiều công trình trọng điểm được xây dựng tại huyện Bình Chánh phải kể đến như: Bệnh viện Nhi đồng thành phố, đường cao tốc Bến Lức – Long Thành, đường Vành đai 3, Cụm y tế Tân Kiên… Do đó, công tác giải phóng mặt bằng của địa phương là đặc biệt quan trọng.

Hiện nay, Ban Bồi thường, giải phóng mặt bằng huyện Bình Chánh đang thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng cho 111 dự án. Trong đó, có 50 dự án đã được phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ. 61 dự án chưa được phê duyệt chính sách bồi thường, hỗ trợ.

Giải ngân đầu tư công tại huyện Bình Chánh, TP.HCM đạt khoảng 72% kế hoạch. (Ảnh: Hoàng Thọ)

Ông Trần Văn Nam, Bí thư huyện ủy Bình Chánh cho biết, công tác giải phóng mặt bằng là tiền đề cho công tác giải ngân đầu tư công. Do đó, hệ thống chính trị huyện Bình Chánh và các chủ đầu tư đều đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án.

Tại TP Thủ Đức, tính đến ngày 6/11, thành phố đã giải ngân được khoảng hơn 6.500 tỷ đồng trên tổng số vốn được giao là 9.460 tỷ đồng, đạt tỉ lệ 69%.

Còn tại huyện Hóc Môn, tính đến ngày 2/11, địa phương này đã giải ngân hơn 1.960 tỷ đồng trên tổng số vốn được giao là hơn 3.000 tỷ đồng, đạt 64% kế hoạch được giao.

Quận Gò Vấp cũng giải ngân đạt 80,7% đối với nhóm xây lắp và đạt 80,8% đối với nhóm bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Như vậy có thể thấy, các quận, huyện và TP Thủ Đức đang tiến gần tới đích. Nếu dốc toàn lực trong tháng cuối cùng của năm 2023 thì mục tiêu đạt 80 - 95% kế hoạch giải ngân đầu tư công của TP.HCM không phải là bất khả thi.

Máy móc, công nhân thi công tại Gói thầu XL-03 dự án Vành đai 3 thuộc địa phận TP Thủ Đức. (Ảnh: Hoàng Thọ)

Trước đó, ngày 20/10, tại Hội nghị chuyên đề về công tác giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn thành phố do Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM tổ chức, ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP.HCM - khẳng định, Ban Cán sự Đảng UBND thành phố sẽ tập trung điều hành quyết liệt, thực hiện các giải pháp để giải ngân vốn đầu tư công hiệu quả.

Ông Mãi đề nghị Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM, cấp ủy các cấp quan tâm, kiểm tra thường xuyên tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Nếu không đạt được tỉ lệ giải ngân trên 95% thì cũng không được thấp hơn 80%.

Ngày 23/11, Chủ tịch Phan Văn Mãi tiếp tục ký văn bản chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2023. 

Chủ tịch Phan Văn Mãi yêu cầu UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức tập trung đẩy mạnh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và các nội dung có liên quan theo đúng tiến độ để giải ngân chi phí bồi thường và bàn giao mặt bằng thực hiện thi công xây lắp.

Ngoài ra, các cơ quan này cần tập trung thực hiện giải quyết các nội dung liên quan thủ tục đầu tư thuộc thẩm quyền của mình.

Cụ thể, huyện Nhà Bè có 5 dự án, huyện Hóc Môn 17 dự án, huyện Củ Chi 13 dự án, huyện Cần Giờ 4 dự án, huyện Bình Chánh 8 dự án, TP Thủ Đức 17 dự án, quận Tân Bình 8 dự án, quận Gò Vấp 4 dự án, quận Bình Tân 7 dự án; các quận 5, 6, 7, 11 mỗi quận 1 dự án; quận 8 có 5 dự án, quận 12 có 2 dự án.

Các chủ đầu tư cần tập trung lập kế hoạch, công việc chi tiết để hoàn tất giải ngân số vốn được giao và bám sát tiến độ thi công dự án theo kế hoạch đã đề ra; thường xuyên họp giao ban với các nhà thầu, thúc đẩy việc tăng ca, bổ sung máy móc thiết bị trên công trường để đẩy nhanh tiến độ thi công.

Ông Phan Văn Mãi yêu cầu các chủ đầu tư cương quyết xử lý đối với những nhà thầu cố tình chây ì hoặc không đủ năng lực tài chính, năng lực thi công dẫn đến chậm triển khai theo tiến độ.

ĐẠI VIỆT - LƯƠNG Ý - HOÀNG THỌ

Tin mới