Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Chiêm ngưỡng hình tượng Ngũ Hổ Thần Quan được làm từ bột gạo đón xuân Nhâm Dần

(VTC News) -

Tác phẩm “Ngũ hổ thần quan” được nghệ nhân làm tò he Đặng Văn Hậu sáng tạo từ bột gạo, một nguyên liệu quen thuộc của làng Xuân La nơi anh sinh ra và lớn lên.

Video: Chiêm ngưỡng hình tượng Ngũ Hổ Thần Quan được làm từ bột gạo đón xuân Nhâm Dần

Chào đón Xuân Nhâm Dần 2022, nghệ nhân Đặng Văn Hậu (34 tuổi, thôn Xuân La, xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, Hà Nội), người luôn say mê với nghề nặn tò he truyền thống, đã nghiên cứu và cho ra mắt tác phẩm mang tên Ngũ Hổ Thần Quan với điểm nhấn là năm vị thần Hổ cai quản ngũ phương, ngũ hành trong Tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ Phủ.

Năm hình tượng hổ được cho là chư vị sơn thần biểu tượng cho sức mạnh, sự thiêng liêng và uy linh. Các ngài là bộ hạ của Mẫu giữ vai trò gác cổng tại các đền phủ, tiêu diệt tà ma, đem lại sự cân bằng cho ngũ phương trời đất.

Hình tượng Ngũ Hổ không chỉ tượng trưng cho ngũ hành với mối quan hệ tương sinh, tương khắc trong vũ trụ mà còn để thể hiện quyền uy của mỗi vị thần trong phép nhà Thánh. Trong đó, Hoàng Hổ tướng quân (màu vàng) giữ vai trò trưởng trung cung, có nhiều quyền phép, trấn giữ điều lệnh các phương. Ngài là vị chúa cao nhất, mọi uy quyền, quyết định âm phù dương trợ cho dân gian.

Hình tượng hổ tuân theo quy luật ngũ hành là những vị thần trấn giữ ngũ phương: Hoàng Hổ (màu vàng – hành thổ) ở vị trí chính giữa ứng với trung ương chính điện; Thanh Hổ (màu xanh – hành mộc) ứng với phương Đông; Bạch Hổ (màu trắng – hành kim) ứng với phương Tây; Xích Hổ (màu đỏ – hành hỏa) ứng với phương Nam; Hắc Hổ (màu xám đen – hành thủy) ứng với phương Bắc.

Nghệ nhân Đặng Văn Hậu chia sẻ: “Trong 12 con giáp, hình tượng hổ là làm khó nhất, với con rồng nhìn thì có vẻ cầu kỳ phức tạp nhưng lại dễ làm hơn hổ rất nhiều. Con hổ này khó nhất ở cách tạo hình, thiết kế để làm sao không quá dữ dằn, không cần răng nanh mà vẫn giữ được nét quyền uy, dũng mãnh, cái hồn và chất sinh riêng của nó”.

Nói về tác phẩm của mình anh Hậu cho biết, lấy ý tưởng từ tranh dân gian của Hàng Trống nên anh đã cố gắng đưa vào tác phẩm hình ảnh Quan Ngũ Hổ chân thực và sống động nhất. Tác phẩm của anh được làm hoàn toàn từ bột gạo với hơn 1 tháng ấp ủ để có thành phẩm hoàn chình. Điều mà anh luôn trăn trở trong tác phẩm là làm sao có thể giữ được cốt lõi ban đầu mà không mất đi chất dân gian của tranh Hàng Trống.

Bên cạnh tác phẩm Ngũ Hổ Thần Quan, anh Hậu còn cho ra mắt nhiều hình tượng con giống bột độc đáo và bắt mắt trong dịp Tết này. 

Bộ ba ông Công, ông Táo đội mũ cánh chuồn cũng là một trong những tác phẩm của nghệ nhân Đặng Văn Hậu ra mắt trong dịp Tết Nhâm Dần. Quá trình làm tác phẩm này, nghệ nhân Đặng Văn Hậu cũng mất nhiều thời gian và đầu tư công sức vì cần tỉ mỉ trong từng chi tiết. 

Bộ Tam sư được nghệ nhân Đặng Văn Hậu khôi phục năm 2017, trường phái con giống bột này bị thất truyền từ lâu và bị nhiều người lầm tưởng là tò he. Tuy nhiên, nguồn gốc của bộ Tam sư này là từ phố cổ Hà Nội xưa. Tác phẩm này khi vừa ra đời đã nhận được sự phản hồi tích cực từ đông đảo những dân Hà Nội gốc. 

Nếu chỉ thoạt nhìn, nhiều người sẽ lầm tưởng những con giống bột này được làm từ sứ với công nghệ hiện đại. Tuy nhiên tất cả các tác phẩm đều được thực hiện bằng bột gạo truyền thống dưới bàn tay khéo léo và tài hoa của nghệ nhân Đặng Văn Hậu. 

Tác phẩm "Thị Mầu lên chùa" tái hiện lại tích truyện dân gian xưa. Nếu như làm tò he truyền thống chỉ mất 5-10 phút thì với những tác phẩm công phu như này, nghệ nhân Đặng Văn Hậu cần mất rất nhiều thời gian. Anh luôn chăm chút từng chi tiết để mọi hình tượng trở nên có hồn và hấp dẫn người xem. 

Tác giả đã khéo léo tạo hình những linh thú cao cấp của văn hóa phương Đông như Giải Trãi đại diện cho công lý; Lộc Đoan đại diện cho trí tuệ hay hình tượng Sư tử đại diện cho uy quyền. 

Từ những cục bột gạo đa màu sắc, bằng óc sáng tạo và trí tưởng tượng phong phú, nghệ nhân Đặng Văn Hậu đã khéo léo cho ra đời những tác phẩm tò he độc đáo. 

Hoài Thơm

Tin mới