Vào thời điểm diễn ra nhật thực toàn phần, Mặt trăng sẽ che khuất Mặt trời, chỉ để lại vành nhật hoa rực sáng. Tuy nhiên, đó là góc nhìn từ phía Trái đất, còn đối với các phi hành gia trên trạm vũ trụ quốc tế (ISS), thứ mà họ nhìn thấy lại là một cảnh tượng vô cùng ngoạn mục: Cái bóng khổng lồ của Mặt trăng trên bề mặt địa cầu, di chuyển dần dần qua Bắc Mỹ.
Cái bóng khổng lồ mà Mặt trăng tạo ra trên Trái đất khi nhật thực toàn phần diễn ra. (Ảnh: NASA).
Thời điểm nhật thực diễn ra, các phi hành gia trên trạm vũ trụ quốc tế ISS ở độ cao 418 km phía trên mặt đất đã có mặt đúng lúc để ghi lại hình ảnh trên. Ngoài ra, vệ tinh môi trường và thời tiết GOES của Mỹ cũng ghi lại được thời điểm vùng bóng tối (umbra) của Mặt trăng xuất hiện trên Trái đất.
Bóng tối do Mặt trăng tạo ra được vệ tinh ghi lại. (Ảnh: NOAA).
Hình ảnh nhật thực từ ISS không phải ngẫu nhiên. NASA đã điều chỉnh độ cao của nó trong quỹ đạo suốt nhiều tháng, tính toán sao cho trạm vũ trụ quan sát được nhật thực lần này và cả lần tiếp theo ở Bắc Mỹ sau 2 thập kỷ nữa. Kết quả là hình ảnh lịch sử về cách bóng của mặt trăng di chuyển từ bang New York đến Newfoundland từ độ cao 418 km phía trên vùng đông nam Canada. Hình ảnh được chụp qua mái vòm của ISS bởi 2 kỹ sư hàng không của NASA, Matthew Dominick và Jeanette Epps.
Mặc dù ISS đã đi qua Bắc Mỹ trong thời gian diễn ra nhật thực toàn phần, nhưng người ta chỉ thấy nó như một đốm sáng trắng di chuyển rất nhanh qua bầu trời, bởi phản chiếu từ các tấm pin năng lượng mặt trời lắp đặt trên trạm.
Ngoài việc giúp những người muốn xem nhật thực tìm ra một điểm không có mây trên đường đi của nó, vệ tinh GOES-East (CONUS) cũng ghi lại những hình ảnh thú vị của bóng Mặt trăng. Vệ tinh này nằm ở độ cao hơn 35.000km phía trên đường xích đạo của Trái đất và di chuyển với tốc độ bằng tốc độ quay của hành tinh, cho phép nó "neo" cùng một vị trí trên bề mặt địa cầu. Do đó, nó được gọi là vệ tinh địa tĩnh.
Các vệ tinh cũng quan sát thấy nhiệt độ bề mặt địa cầu giảm trong umbra của Mặt trăng trên Trái đất trong thời gian nhật thực do lượng ánh sáng mặt trời chiếu xuống mặt đất giảm đi.
Nhật thực toàn phần vừa rồi là dài nhất ở Bắc Mỹ trong hơn 200 năm qua với thời gian lên tới 4 phút 26 giây, chỉ thua con số 4 phút 48 giây năm 1806.
Nhật thực toàn phần tiếp theo ở Bắc Mỹ là vào ngày 30/3/2033 tại Alaska. Nhật thực toàn phần tiếp theo ở Hoa Kỳ lục địa (không bao gồm Alaska) diễn ra vào ngày 23/8/2044, ở Montana và Nam Dakota. Chỉ 1 năm âm lịch sau đó, vào ngày 12/8/2045, nhật thực toàn phần sẽ đi qua 12 tiểu bang nước Mỹ, từ California tới Florida.