Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Chiêm ngưỡng chiếc trống đồng Đông Sơn lớn nhất Việt Nam

(VTC News) -

Hơn 90 di vật về văn hóa Đông Sơn tại triển lãm "Âm vang xứ Thanh" đạt thẩm mỹ cao, tiêu biểu là chiếc trống đồng với kích thước lớn nhất từng được phát hiện.

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia vừa tổ chức trưng bày chuyên đề “Âm vang Đông Sơn” giới thiệu tới công chúng gần 90 di vật của nền văn hóa Đông Sơn được bảo tàng sưu tầm trong thời gian gần đây. Nội dung trưng bày gồm 3 chủ đề: Sưu tầm mới về văn hóa Đông Sơn; Khuôn đúc trống Đông Sơn phát hiện từ lòng đất Luy Lâu; Thực nghiệm đúc trống đồng.

Các hiện vật được trưng bày rất phong phú, độc đáo, mang tính thẩm mỹ cao, gồm: công cụ lao động, đồ dùng sinh hoạt, vũ khí, nhạc khí, đồ trang sức…  Những hiện vật này được làm từ nhiều chất liệu như: đồng, sắt, gốm, thủy tinh, gỗ, đá… với kỹ thuật vô cùng tinh xảo, phản ánh đời sống lao động, sản xuất cũng như quan niệm về thế giới và nhân sinh của cư dân Việt cổ từ hơn 2.000 năm trước. 

Đặc biệt, tại đây đang trưng bày trống đồng Sao Vàng - trống đồng Đông Sơn có kích thước lớn nhất từng được phát hiện ở Việt Nam. Trống đồng Sao Vàng thuộc loại I Heger muộn, có chiều cao 86cm, đường kính mặt 116cm. Hệ thống hoa văn trang trí trên trống mang những nét tương đồng với các trồng đồng Đông Sơn cùng thời kỳ.

Mặt trống đồng có một ngôi sao 12 tia ở chính giữa. Kế tiếp là các vành đồng tâm trang trí hoa văn dạng chữ N, vòng tròn kép, vạch ngắn song song, trám lồng, hồi văn ô trám. 

Diềm ngoài của mặt trống đính 4 tượng cóc nổi ngược chiều kim đồng hồ, còn phía trên có các vành trang trí hoa văn vòng tròn, vạch ngắn. Ngoài ra, trống có hai đôi quai kép trang trí nổi văn hình bông lúa. Phía dưới đúc nổi 6 hình thuyền, các loài chim, hươu và cá được thể hiện khá sinh động. Đặc biệt, chân trống không có hoa văn trang trí.

Những mảnh khuôn đúc trống bằng đất nung thế kỷ 3 - 4 được khai quật tại di tích Luy Lâu (Thuận Thành, Bắc Ninh). Chất liệu làm khuôn là đất sét trộn trấu pha thêm sỏi nhỏ, được nung ở nhiệt độ 900 độ C.

Luy Lâu là trụ sở của quận Giao Chỉ thời Hán, đồng thời là trung tâm kinh tế, văn hóa, tôn giáo giai đoạn 10 thế kỷ đầu Công nguyên. Năm 1998, nhà khảo cổ học Nhật Bản Nishimura Masanari phát hiện ngẫu nhiên một mảnh khuôn đúc trống ở Luy Lâu, gây tiếng vang lớn trong giới nghiên cứu.

Trống minh khí bằng đồng, niên đại từ thế kỷ 2 - thế kỷ 1 trước Công nguyên.

Một mặt trống được sưu tầm tại Hàng Bún (Hà Nội) niên đại thế kỷ 2 - thể kỷ 1 trước Công nguyên có đặc điểm khá giống với trống đồng Đông Sơn.

Các hiện vật như dao găm, kiếm... đều được làm bằng đồng từ thế kỷ 2 - 1 trước Công nguyên.

Với sự phát triển của kỹ thuật đúc đồng, người Đông Sơn đã tạo ra những cây đèn có kết cấu phức tạp như đèn treo hoặc đèn có chân thuộc dạng tượng tròn. Đèn không chỉ đơn thuần là vật dụng thắp sáng hay giữ lửa mà còn có ý nghĩa quan trọng trong các nghi lễ, tín ngưỡng của cư dân văn hóa Đông Sơn. Trong ảnh, đèn có chân tượng voi bằng đồng niên đại thế kỷ 2 - thế kỷ 1 trước Công nguyên.

Đèn có chân là tượng người quỳ bằng đồng, niên đại thế kỷ 2 - thế kỷ 1 trước Công nguyên.

Ngô Nhung

Tin mới