Video: Bộ gốc, rễ cây bàng có người hỏi mua với giá 35 tỷ đồng
Ba năm trước, ông Mai Kiên (phường 5, TP Sóc Trăng) tình cờ đi ngang qua đình Phụng Tường ở ấp Phụng Tường 1 (xã Song Phụng, huyện Long Phú, Sóc Trăng) và phát hiện hai cây bàng được người dân trong vùng trồng tại sân đình hàng trăm năm. Trong đó có một cây vừa chết, gốc và bộ rễ chiếm diện tích khoảng 700 m2.
Thấy Ban quản lý đình Phụng Tường thuê người cưa bỏ cây bàng chết, ông Mai Kiên lấy làm tiếc nên hỏi mua bộ gốc, rễ cây bàng cổ thụ với giá 35 triệu đồng. Ông sau đó thuê gần 20 người đào sâu xuống lòng đất để "bứng" hết rễ cây trong thời gian gần một tháng rồi dùng xe cẩu loại trên 30 tấn để chở về TP Sóc Trăng. Theo ông Kiên, đoạn gốc này có nhiều hình thù khác nhau, phía trên giống như một bé trai đứng quay mặt vào trong.
"Nhóm thợ tôi thuê lấy trọn bộ gốc và rễ cây bàng to như hang động nên đã đào tỉ mỉ từng chút. Do bộ rễ quá lớn nên tôi hỏi người dân thuê phần đất có chiều ngang 15 m để cho xe cẩu vào, cây cối hư hại tôi bồi thường gần 100 triệu đồng. Ở đoạn rễ tự nhiên này nhìn giống đầu sư tử", ông Mai Kiên chia sẻ.
Một số phần phụ của bộ gốc, rễ bàng cổ thụ đã được ông Mai Kiên điêu khắc thành hình đầu rắn, rồng, quy, phụng...
Ông Mai Kiên bên con beo gỗ được làm từ một phần của bộ gốc, rễ cây bàng cổ thụ.
Đầu sư tử, rùa và cá sấu được điêu khắc trên bộ rễ cây.
Đầu sư tử và đầu rồng ở một nhánh rễ khác.
Ở một phần rễ khác nữa là đại bàng và rắn. Theo ông Kiên, nơi rễ cây vươn ra xa nhất dài 27 m, ngắn nhất 15 m, ăn sâu xuống lòng đất khoảng 4 m.
Ông Trần Minh Lý, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng cho biết cây bàng còn lại ở đình Phụng Tường được người dân cho là khoảng 500 năm tuổi. "Cơ quan chức năng chưa xác định rõ nhưng theo tính toán của chúng tôi thì cây bàng còn lại ở đình Phụng Tường đã sống trên 200 năm và đang được đưa vào danh sách đề nghị Trung ương công nhận cây di sản", ông Trần Minh Lý nói.