Từ chiếc vali và câu chuyện nghề giáo
Nhớ về khoảng thời gian năm 2002, do yêu cầu nghiệp vụ, cùng đam mê học ngoại ngữ, chàng thanh niên trẻ Đào Ngọc Báu gói mong ước của mình trong chiếc vali nhỏ, đến với đất nước Australia. Với ước mơ chinh phục kho tàng kiến thức, phụng sự đất nước, giảng viên trẻ Đào Ngọc Báu lên đường với tôn chỉ: “Đất nước cho mình đi học, phải học thật tốt. Học tốt để quay về cống hiến nhiều nhất cho quê hương".
Trong chiếc vali vỏn vẹn với số cân nặng được phép, TS.Đào Ngọc Báu lựa chọn những cuốn từ điển chuyên ngành, sách về văn hoá tại vùng đất, châu lục sẽ đặt chân tới. Bởi thời đó Internet chưa phát triển, việc tra cứu và bổ sung kiến thức khó khăn và vất vả hơn thời đại 4.0 hiện nay rất nhiều.
8 năm, chàng trai trẻ Đào Ngọc Báu với hành trang là niềm tự hào dân tộc, khát khao của thế hệ giảng viên mới, đã đi đến 04 châu lục với hàng chục quốc gia để nghiên cứu, học tập. Thành quả với người con gốc Hải Phòng khi ấy là bảo vệ thành công luận văn Thạc sĩ luật học tại Đại học New South Wales, Australia; đồng thời, tiếp tục hành trình chinh phục tri thức và nhận bằng Tiến sĩ Luật học tại Đại học Nhân Dân, Bắc Kinh, Trung Quốc.
Tiến sĩ luật học Đào Ngọc Báu, Trưởng khoa, Khoa Lãnh đạo học và Chính sách công, Học viện Chính trị Khu vực IV (Ảnh: Quốc Việt).
Thời gian ở Trung Quốc, TS.Đào Ngọc Báu đảm nhận vai trò Phó Chủ tịch Hội lưu học sinh Việt Nam tại Bắc Kinh, nhiệm kỳ 2012-2014. Với khát khao khẳng định vị trí của lưu học sinh Việt Nam, TS.Đào Ngọc Báu miệt mài học tập, nghiên cứu và đã được Chính phủ Trung Quốc trao tặng học bổng CSC, được chọn tham gia Trại hè Thanh niên quốc tế - Lãnh tụ tương lai do thành phố Bắc Kinh tổ chức và được Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam trao tặng Giải thưởng Sao Tháng Giêng năm 2014.
Ngoài chuyên ngành chính Luật học, giảng viên Đào Ngọc Báu còn theo học một số khóa ngắn hạn về Quản trị nhà nước và Chính sách công tại Viện Nghiên cứu xã hội Hà Lan (ISS) và Cơ quan trụ sở Liên minh châu Âu ở Brussel, Vương quốc Bỉ.
Sau 8 năm, chiếc vali ngày nào chứa đựng hoài bão, ước mơ của giảng viên trẻ Đào Ngọc Báu không chỉ còn là những cuốn từ điển chuyên ngành nặng trịch, về văn hoá các châu lục, mà đã có thêm một kho tàng tri thức để khi về nước những tri thức ấy được đúc kết trong những trang giáo án và bài giảng của mình.
Trăn trở hai chữ “Vì dân”
Bục giảng của TS.Đào Ngọc Báu luôn có một thứ năng lượng tích cực rất khó diễn tả bằng lời. Thầy giáo, Trưởng khoa Lãnh đạo học và Chính sách công, Học viện Chính trị Khu vực IV thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh luôn biến đó thành sân khấu của mình.
Những bài giảng về “Đạo đức công vụ và văn hoá công sở” được cắt nghĩa, hiện thực hoá bằng ví dụ thực tiễn tại các cơ quan hành chính sự nghiệp, vào từng vị trí của người cán bộ.
Không khí trong một tiết học về "Đạo đức công vụ và văn hoá công sở” của TS.Đào Ngọc Báu. (Ảnh: Quốc Việt)
“Trước mỗi buổi lên lớp giảng dạy về đạo đức công vụ, tôi luôn trăn trở làm sao để các học viên lĩnh hội được thế nào là liêm chính, là vì dân”, Tiến sĩ nói. Chữ “Dân” trong bài giảng của Tiến sĩ Đào Ngọc Báu được bắt đầu bằng kí tự Hán ngữ. Từ thời Tống, chữ “Dân” đã được thêm vào một dấu “.” (dấu chấm) bên cạnh, vì trong tiếng Hán dấu “.” còn có nghĩa là “một chút”.
Chữ "Dân" thêm dấu (.) để nhắc nhở người làm quan rằng: "Mỗi vị quan vì dân, nghĩ đến dân một chút thì trăm vị quan với trăm cái chút cộng lại, ắt sẽ tạo phúc cho muôn dân".
“Yêu nghề, nghề chẳng phụ. Đối với nghiệp chèo đò, cụ thể là làm ngạch giáo dục chính trị, yêu nghề còn cần thêm yêu người, yêu quê hương, đất nước. Hội tụ được 2 yếu tố này, chắc chắn nghề sẽ không phụ ta”, TS.Đào Ngọc Báu chia sẻ.