Thời gian gần đây, NSƯT Chí Trung miệt mài dựng kịch Lưu Quang Vũ. "Lời nói dối cuối cùng" là vở thứ 4 của tác giả kịch nổi tiếng được anh dựng trên sân khấu Nhà hát Tuổi trẻ. Từ một đạo diễn thành công với series kịch hài "Đời cười", "Táo Giao thông" lại bất ngờ chuyển sang chính kịch. Sự thay đổi của anh kéo theo nhiều thông tin bên lề, trong đó có việc anh đang "mượn" kịch Lưu Quang Vũ để nhắm tới chức vụ Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ và danh hiệu NSND.
Trước thông tin này, NSƯT Chí Trung đã có những chia sẻ rất thật lòng với VTC News.
- Vở "Lời nói dối cuối cùng" của nhà biên kịch Lưu Quang Vũ được anh dàn dựng và công diễn vào ngày 15/10 tới đây. Điều gì khiến anh ngày càng có hứng thú với kịch của tác giả này?
Từng học đạo diễn nhưng quả thực, tôi không thích làm nghề này và cũng không có nhiều khả năng lắm. Tôi không phải là một đạo diễn giỏi và không bao giờ có thể trở thành những tên tuổi lớn như đạo diễn Doãn Hoàng Giang hay Lê Hùng. Điều này là tôi nói thật chứ không phải khiêm tốn.
Học đạo diễn xong nhưng tôi chỉ dựng những chương trình hài, chứ không phải dựng những vở diễn tất cả mọi người thích nhưng mình không thích.
Tôi có thêm cái dở là chỉ làm những gì mình thích. Học đạo diễn xong nhưng tôi chỉ dựng những chương trình hài, những vở kịch mà khán giả thích và bản thân mình thấy rung động.
Tôi cũng không phải là đạo diễn thích áp dụng những "thủ pháp sáng tạo vô biên" nhưng khán giả không hiểu, nhất là những vở diễn đạo diễn sướng lắm, báo chí khen chung chung nhưng khán giả không mua vé.
Khi còn trẻ, tôi đóng rất nhiều vai trong các vở kịch của Lưu Quang Vũ được dựng trên sân khấu. Tuy nhiên, có vẻ như lúc đó, tôi còn ít tuổi nên cảm giác chưa thực sự ngấm. Giờ đây, đi qua năm tháng, nhìn vào xã hội hiện tại, tôi chợt nhận ra, có những điều mà nhà biên kịch Lưu Quang Vũ đã đề cập tới cách đây 30, 35 năm đến bây giờ vẫn đúng. Những giá trị nhân văn trong các tác phẩm của anh vẫn sống theo thời gian. Những câu thoại của anh có chất thơ.
Tôi tìm được rất nhiều sự đồng cảm trong các tác phẩm của Lưu Quang Vũ. Càng dựng kịch của anh, tôi càng bị hút hồn. Tôi nói vui là tôi bị Lưu Quang Vũ “nhập hồn” là vì thế.
- Đã có một số đạo diễn dựng vở “Lời nói dối cuối cùng”, điểm đặc biệt của vở kịch do anh đạo diễn lần này là gì?
Có rất nhiều điểm mới. Tuy nhiên, điều đặc biệt nhất có lẽ là tôi không đi theo lẽ thường tình, tức là sử dụng âm nhạc dân gian cho một vở kịch có yếu tố dân gian. Tôi muốn dâng cho khán giả tư tưởng của nhà biên kịch Lưu Quang Vũ bằng những hình thức mới.
Mở đầu vở kịch, sẽ có ba thanh niên trẻ nhảy hip hop, nói chuyện với khán giả và kéo diễn viên ra bằng những động tác nhảy popping. Rồi khi khi thằng Bờm bước ra sân khấu, một nhân vật sẽ nói: "A, có bài hát về cậu đấy", sau đó ánh sáng chiếu vào 3 thanh niên ngồi phía dưới, hát một đoạn ca dao: "Thằng Bờm có chiếc quạt mo/Phú ông xin đổi ba bò chín trâu" theo phong cách hip hop.
Ba thanh niên này sẽ xuất hiện xen kẽ các cảnh trong vở kịch. Họ đóng vai trò kết nối khán giả với vở kịch. Âm nhạc được sử dụng là kiểu dân gian đương đại, hip hop, đọc rap.
- Sử dụng phần âm nhạc hiện đại trong vở kịch có bối cảnh triều đình phong kiến, anh có nghĩ mình mạo hiểm quá không?
Đúng là có người đã nói với tôi, anh dựng vở dân gian mà đưa hip hop vào, anh phá quá. Tuy nhiên, tôi ví von vở kịch của mình cũng như một mâm cơm. Tôi có thể nấu đồ tây, đồ ta, nấu ra sao cũng được, miễn là thực khách cảm thấy ngon miệng. Tôi làm một mâm cơm mời khách chứ có phải mâm cơm cúng đâu mà bắt buộc phải có chừng ấy món, không thêm, không bớt.
Hơn nữa, phần âm nhạc sử dụng trong vở “Lời nói dối cuối cùng” được tôi đặt hàng nhạc sĩ Quốc Trung viết. Anh Trung được mệnh danh là “Ông vua nhạc phim” và tác phẩm “Đường xa vạn dặm” với sự kết hợp của nghệ thuật truyền thống với âm nhạc hiện đại chắc cũng đủ là một lời đảm bảo đối với khán giả.
- Đúng như anh nói, nhạc sĩ Quốc Trung được mệnh danh là “Ông vua nhạc phim”. Điều đó đồng nghĩa với cát-xê của nhạc sĩ rất cao. Anh làm cách nào để thuyết phục được Quốc Trung làm nhạc cho vở “Lời nói dối cuối cùng”?
Quốc Trung là con NSND Trung Kiên. Tôi là con NSND Quý Dương. Hai ông bố của chúng tôi chơi thân với nhau nên chúng tôi khá gắn bó lúc còn nhỏ. Có những lần, hai ông bố có việc phải đi và nhốt chúng tôi trong nhà. Hai đứa chơi trốn tìm với nhau suốt.
Khi lớn lên chúng tôi ít gặp lại nhưng tình cảm của cả hai vẫn được kéo dài trong suốt 40 năm qua. Khi tôi ngỏ lời, Quốc Trung nói thẳng rất bận nhưng nhận lời.
Anh Trung tới xem chúng tôi diễn thử, quay lại và về nhà viết nhạc. Tôi chỉ tiếc, nếu anh Trung có thể đồng hành cùng tôi trong suốt cả quá trình thì chắc chắn sẽ còn nhiều cái hay hơn dành tặng khán giả.
- Hiện anh đang giữ chức vụ Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, nhiều người cho rằng, anh tích cực dựng kịch Lưu Quang Vũ là để thăng chức. Anh nghĩ sao về điều này?
Mọi người có quyền suy đoán, còn đúng hay sai lại là chyện khác. Cho tới thời điểm này, tôi đã dựng 4 vở kịch của Lưu Quang Vũ. Tôi thuộc từng lời thoại, từng câu chữ trong những vở đó
Tôi có nói với các diễn viên của mình rằng, trước tôi dựng cho các em hàng trăm vở hài kịch, đưa các em đi kiếm tiền khắp nơi. Nhưng hài kịch thì có một vài nhân vật hay, còn phần lớn là các em phải bé lại để chui cho vừa vai diễn, để làm trò cho người khác. Các em không lớn lên được. Còn các nhân vật trong kịch Lưu Quang Vũ lớn lắm. Khi hóa thân vào các nhân vật đó, các em sẽ trưởng thành rất nhanh.
Tôi truyền cho diễn viên của mình niềm đam mê, sự vinh dự khi được đóng kịch của Lưu Quang Vũ. Có thể, tôi chưa mang lại cho các diễn viên của mình một cuộc sống đủ đầy, nhưng tôi đem lại cho họ cảm xúc thăng hoa trong từng vai diễn.
Còn với khán giả, tôi muốn có cơ hội biết đến những giá trị nhân văn trong các tác phẩm của Lưu Quang Vũ.
- Bên cạnh đó còn có thông tin, anh dựng kịch Lưu Quang Vũ nhằm tìm đủ tấm huy chương để được phong danh hiệu NSND. Anh nghĩ sao về điều này?
Tôi không bao giờ dùng tác phẩm của Lưu Quang Vũ để đánh bóng tên tuổi cho cá nhân hay nhà hát Tuổi trẻ
Suy nghĩ đó chỉ đến với những người chưa biết, chưa quen và chưa hiểu Chí Trung. Nghệ sĩ nhân dân là danh hiệu cao quý nhưng tôi nghĩ việc phong tặng nó phải mang tính chất "tự nhiên" hơn.
Khi người nghệ sĩ đến tầm nào đó về sự nghiệp, được công chúng yêu quý, những người có trách nhiệm sẽ gọi họ lên, tuyên dương trao tặng, thay vì phải làm đơn xin hay phải cố chui cho vừa những tiêu chuẩn này nọ.
Từ lâu, những nghệ sĩ nhận được sự yêu mến của khán giả, có khả năng lãnh đạo, có tự trọng đã không còn nghĩ tới chuyện đi thi để đạt huy chương này, huy chương nọ. Nếu có dựng vở, thì tôi dựng cho các diễn viên trẻ, để họ có thể đi thi, có huy chương, có danh xưng, chứ tôi không muốn chen chúc trong cuộc chạy đua tới danh hiệu nữa.
Mặt khác, tôi không bao giờ dùng tác phẩm của Lưu Quang Vũ để đánh bóng tên tuổi cho cá nhân hay nhà hát Tuổi trẻ.
Xin cảm ơn anh!
Video Chí Trung trò chuyện với VTC News