Sáng 29/8/2019, Tổng cục Thống kê công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 tăng 0,28% so với tháng trước; tăng 2,26% so với cùng kỳ năm trước.
Bình quân 8 tháng đầu năm 2019, CPI tăng 2,57% so với cùng kỳ năm 2018 - mức tăng bình quân 8 tháng đầu năm thấp nhất trong 3 năm gần đây.
Lạm phát cơ bản tháng 8/2019 tăng 0,13% so với tháng trước và tăng 1,95% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 8 tháng năm 2019 tăng 1,9% so với bình quân cùng kỳ năm 2018.
CPI tháng 8 tăng 0,28%. (Ảnh minh họa)
So với tháng trước, 8 trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng giá: Thuốc và dịch vụ y tế tăng 2,81%; giáo dục tăng 0,57%; nhà ở, điện nước và vật liệu xây dựng tăng 0,33%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,24%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,14%; may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,09%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,05%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,03%.
3 nhóm hàng giảm giá gồm: Giao thông giảm 0,46%; Văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,06%; Bưu chính viễn thông giảm 0,05%.
Các nguyên nhân làm tăng CPI tháng 8/2019 là do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, nguồn cung thịt lợn giảm (tính đến ngày 20/8 tổng số lợn bị tiêu hủy khoảng 4,4 triệu con với tổng trọng lượng khoảng 255.505 tấn), làm cho giá thịt lợn tháng 8/2019 tăng 0,89% so với tháng trước, tác động đến CPI chung tăng 0,04%.
Theo Tổng cục Thống kê, bên cạnh các nguyên nhân làm tăng CPI, có một số nguyên nhân kiềm chế CPI tháng 8/2019 đó là giá xăng dầu điều chỉnh giảm vào ngày 1/8/2019 và ngày 16/8/2019, tổng cộng giá xăng A95 giảm 880 đồng/lít, xăng E5 giảm 920 đồng/lít, dầu diezen giảm 490 đồng/lít, bình quân tháng 8.2019 giảm 1,06% so với tháng trước, CPI chung giảm 0,04%.
Cũng theo số liệu Tổng cục Thống kê vừa công bố sáng nay (29/8), từ đầu năm đến ngày 20/8/2019, có 2.406 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được cấp phép mới, với số vốn đăng ký đạt 9.127,9 triệu USD, tăng 25,4% về số dự án và giảm 32,3% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018.
Trong số 68 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 8 tháng, Trung Quốc là nhà đầu tư lớn nhất với 1.876,2 triệu USD, chiếm 20,6% tổng vốn đăng ký cấp mới. Tiếp đến là Hàn Quốc 1.721,4 triệu USD, chiếm 18,9%; Nhật Bản 1.184,5 triệu USD, chiếm 13%; Đặc khu Hành chính Hồng Công (TQ) 1.109,6 triệu USD, chiếm 12,2%; Xin-ga-po 1.034,4 triệu USD, chiếm 11,3%; Thái Lan 438,3 triệu USD, chiếm 4,8%; Đài Loan 374,1 triệu USD, chiếm 4,1%; Quần đảo Vigin thuộc Anh 341,4 triệu USD, chiếm 3,7%.