Kể từ thời điểm UEFA đề ra bộ luật Công bằng tài chính (FFP), các đội bóng lớn ở châu Âu không còn thoải mái chi tiêu, mua sắm trên thị trường chuyển nhượng.
Muốn mang về cầu thủ với mức giá cao, CLB cần có doanh thu cao, đồng thời cân bằng lợi nhuận mua bán (số tiền mua không được chênh lệch quá lớn với số tiền bán theo một tỷ lệ nhất định).
Dịch COVID-19 khiến các CLB phải thắt chặt chi tiêu do doanh thu sụt giảm. Tuy nhiên, Manchester United vẫn chi tới 67,9 triệu bảng cho Jadon Sancho và 41 triệu bảng cho Raphael Varane, cùng mức lương, thưởng lớn cho hai ngôi sao.
Varane đến Man Utd với giá 41 triệu bảng.
The Athletic đánh giá đây là hai bản hợp đồng ưu tú, nhưng 108,9 triệu bảng cho hai ngôi sao là con số rất đáng kể với tình hình tài chính của Man Utd sau đại dịch.
Không chỉ Man Utd, mà Chelsea cùng Manchester City cũng liên tục phá kỷ lục chuyển nhượng. Man City biến Jack Grealish thành cầu thủ Anh đắt giá nhất lịch sử khi chi 100 triệu bảng cho Aston Villa. Chelsea cũng trả 97,5 triệu bảng cho Inter Milan để đổi lấy sự phục vụ của Romelu Lukaku.
Trong khi đó, Liverpool mới chi 36 triệu bảng cho trung vệ Ibrahima Konate. HLV Jurgen Klopp không hài lòng với điều này khi nói "không biết nhờ lý do gì mà Man Utd, Chelsea, Man City có thể thoải mái chi tiêu tiền bạc".
"Chúng ta đều biết trường hợp của Chelsea, Man City hay Paris Saint-Germain. Man Utd cũng vậy. Tôi không biết họ làm như vậy bằng cách nào.
Liverpool có cách riêng của mình. Chúng tôi được cho phép chi tiêu những đồng tiền tự kiếm được. Năm nay, chúng tôi phải kiếm tiền trước khi chi tiêu cho Konate, bởi sau mùa trước, chúng tôi không thể mạo hiểm thêm với vị trí trung vệ.
Tôi không bao giờ ngạc nhiên với sức mạnh tiền bạc của Chelsea, Man City và Man Utd. Tôi ở đây đủ lâu để biết họ luôn có giải pháp cho vấn đề này", Klopp nói.
Bruno Fernandes và Sancho khiến Man Utd tiêu tốn 115 triệu bảng.
Trong những đội bóng HLV người Đức đề cập, Man Utd là trường hợp đặc biệt nhất. Nếu Man City sống nhờ túi tiền của những ông chủ Ả Rập, hay Chelsea nương tựa vào sự hào phóng của Roman Abramovich, Man Utd lại giống Liverpool hơn cả, khi được sở hữu bởi những ông chủ thực dụng và toan tính.
Theo The Athletic, Man Utd có tình hình tài chính khả quan, hoàn toàn trái ngược với mớ hỗn độn ở không ít CLB giàu truyền thống khác tại châu Âu như Barcelona (nợ 1,35 tỷ euro), Real Madrid (nợ 908 triệu euro) hay Inter Milan (chủ sở hữu phải cắt giảm chi tiêu).
Quyền sở hữu của gia đình Glazer khiến CLB phải gánh khoản nợ khoảng 1,5 tỷ bảng, bao gồm phí lãi và cổ tức. Ngoài ra, dịch COVID-19 khiến Quỷ đỏ thâm hụt 150 triệu bảng tiền bán vé (do CĐV không được vào sân) cùng mức sụt giảm tiền bản quyền truyền hình, đồng thời doanh thu thương mại bị ảnh hưởng.
Tuy không thể chi tiêu theo cách của Chelsea và Man City, đồng thời sụt giảm doanh thu, nhưng Man Utd có thể mang về hàng loại ngôi sao nhờ cấu trúc các thương vụ chuyển nhượng rất tinh vi.
Nếu Quỷ đỏ phải trả nóng 80 triệu bảng cho Leicester City để chiêu mộ Harry Maguire hay 47 triệu bảng để mua Bruno Fernandes 1 năm trước, thì những đội bóng như Borussia Dortmund và Real sẵn sàng nhận tiền trả góp để bán Jadon Sancho và Raphael Varane.
Sancho đến theo diện trả góp.
Man Utd còn có thêm thuận lợi khi Dortmund sẵn sàng bán Sancho, còn Real khó giữ chân Varane bởi trung vệ người Phaps chỉ còn 1 năm hợp đồng.
Man Utd dễ dàng thực hiện thương vụ chuyển nhượng khi chia nhỏ hạn mức thanh toán ra thành nhiều năm. Ban lãnh đạo nửa đỏ thành Manchester đã đàm phán trả tiền chuyển nhượng của Sancho trong 5 năm, còn với Varane là 4 năm.
Khoản thanh toán ban đầu đôi khi có thể lớn hơn các khoản còn lại, nhưng việc chia nhỏ tiền chuyển nhượng ra trả trong nhiều năm giúp khoản chi của United vào mùa hè này cho hai cầu thủ chỉ rơi vào hơn 23,5 triệu bảng.
Ngoài Varane và Sancho, Man Utd cũng trả góp để mua Donny van de Beek từ Ajax Amsterdam (40 triệu bảng mùa trước). Man Utd sẽ trả 10 triệu bảng/năm trong 4 năm để thanh toán trọn vẹn chi phí chuyển nhượng.
Man Utd mua Varane với giá rẻ khi trung vệ người Pháp chỉ còn 1 năm hợp đồng.
Số tiền này được bù đắp bởi khoản tiền 3,4 triệu bảng tiền lãi Inter phải trả cho Man Utd khi chiêu mộ Romelu Lukaku năm 2019 (đội bóng Italy cũng trả góp số tiền 74 triệu bảng cho Lukaku). Aston Villa cũng phải trả phí mượn Axel Tuanzebe, giúp Man Utd có thêm chi phí cân bằng tài chính.
Doanh thu Man Utd có thể tăng thêm khi Man Utd tiếp tục bán/cho mượn cầu thủ, nhờ vậy, đội bóng có thể tiếp tục mang về ngôi sao. Hiện Man Utd chưa tiếp cận ngôi sao nào, nhưng kỳ chuyển nhượng còn tới 2 tuần, nên mọi thứ có thể xảy ra. Khi HLV Ole Solskjaer có đủ tiền mua cầu thủ, các mục tiêu của Man Utd sẽ được làm rõ.
Một mùa chuyển nhượng thành công không chỉ được tạo ra bởi ngân sách "khủng", mà còn xuất phát từ cách chi tiêu thông minh và hợp lý. Nhờ vậy, Man Utd luôn giữ được cân bằng trong cán cân thu - chi để đều đặn mang về những tên tuổi lớn.